Trung Quốc chưa bao giờ coi Mỹ là bạn trong 70 năm qua 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Hoa Kỳ là kẻ thù và lợi dụng lòng tốt của Hoa Kỳ để chiếm hữu tài nguyên và trục lợi cho bản thân, theo một giáo sư kỳ cựu về hệ tư tưởng tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc kinh.

“Từ năm 1949 đến nay, ĐCSTQ liên tục dạy người dân căm thù Hoa Kỳ, thúc đẩy tinh thần chống Mỹ”, một cán bộ ĐCSTQ đồng thời là giáo sư đã nghỉ hưu Cai Xia viết trong một bài báo do Học viện Hoover xuất bản ngày 29/6. “Những từ tôi quen thuộc nhất kể từ khi học mẫu giáo và tiểu học là những cụm từ như ‘ngăn chặn lũ sói đế quốc Mỹ’, bà Cai nói về trải nghiệm của mình khi lớn lên dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.

Sau đó, bà Cai đưa ra một ví dụ về kết quả của nền giáo dục chống Mỹ của ĐCSTQ. Bà cho biết, có một lần, bà mua một khẩu súng lục đồ chơi và tặng cho một cậu bé sáu tuổi. Cậu bé cầm khẩu súng và thốt lên: "Hãy giết chết bọn Mỹ".

Coi Mỹ là kẻ thù của mình, ĐCSTQ sử dụng mọi phương cách có thể để trục lợi từ Mỹ.

Bà Cai tin rằng, “không bao giờ có thể có quá nhiều sự lừa dối trong chiến tranh”. Bà viết, “ĐCSTQ đã tận dụng các cơ hội giao lưu kinh tế và văn hóa để lén lút thu được thông tin tình báo kinh tế, thương mại, công nghệ, chính trị và quân sự. Đặc biệt, việc đánh cắp kết quả nghiên cứu công nghệ cao không chỉ được thực hiện ở các công ty nước ngoài trong phạm vi Trung Quốc mà còn bởi các sinh viên và học giả Trung Quốc ra nước ngoài. Đối tượng này có thể được yêu cầu ‘hợp tác’ với một số cơ quan nhất định để thu thập nhiều thông tin khác nhau”.

Tuy nhiên, mặc dù người Mỹ đã bị ĐCSTQ lừa dối trong hơn 40 năm qua, nhiều giới tinh hoa của Hoa Kỳ “vẫn coi chế độ ĐCSTQ là một chế độ độc tài mà không nhận ra rằng ĐCSTQ đã trở thành một hình thức chủ nghĩa tân toàn trị tinh vi".

Bà Cai nói về cách tiếp cận phổ biến của chính phủ Hoa Kỳ rằng, với những mong muốn tốt đẹp và ảo tưởng đơn phương, Mỹ đã gắn bó với Trung Quốc, và chính sách của Mỹ có tác dụng ‘xoa dịu' nhất định.

Bà cảnh báo rằng “hệ thống toàn trị” trong sự cai trị của ĐCSTQ là “mối đe dọa lớn nhất đối với nền an ninh quốc gia của Mỹ và nền hòa bình thế giới. Chế độ ĐCSTQ không có “la bàn đạo đức” bởi vì để đạt được mục đích của mình, ĐCSTQ sẵn sàng bất chấp tất cả.

Bà Cai viết: “ĐCSTQ nghĩ rằng, miễn là đạt được mục đích, thì bất kỳ phương tiện nào cũng đều có thể được sử dụng và đều có lý do chính đáng để biện minh”.

Bà kêu gọi Washington nhận rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ và hành động một cách đúng đắn để có thể bảo vệ quốc gia và người dân Mỹ cũng như toàn thế giới.

Đồng thời, bà Cai tin rằng “ĐCSTQ có thể đột ngột sụp đổ” bởi vì chế độ “mang trên mình tham vọng của một con rồng đói, nhưng thực chất nó lại là một con hổ giấy”. Bà nói, điều gì cũng có thể xảy ra trong một chế độ toàn trị.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các nhà lập pháp đứng hát quốc ca trong phiên bế mạc hội nghị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/3/2021. (Kevin Frayer / Getty Images)

70 năm hận thù, 40 năm lừa dối

Bài viết của bà Cai có tiêu đề “Mối quan hệ Trung - Mỹ trong mắt ĐCSTQ” dành phần lớn 28 trang để nói về mối quan hệ Mỹ-Trung từ góc nhìn của Trung Quốc. Là một giáo sư từng thuyết giảng về hệ tư tưởng cộng sản cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, bà Cai kết luận rằng, hơn 70 năm qua, ĐCSTQ căm ghét Hoa Kỳ và đã hơn 40 năm lừa dối quốc gia này.

Từ năm 1949 - năm mà ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục - đến năm 1969, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có quan hệ ngoại giao tồi tệ, mặc dù cả hai bên đã hơn 100 lần gặp nhau trong các cuộc họp cấp đại sứ tại Geneva, Thụy Sĩ và Warsaw, Ba Lan.

Bà Cai cũng cảnh báo về những nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ rằng, ở quốc gia này, nền giáo dục dạy mọi người rằng Hoa Kỳ là kẻ thù lớn nhất của đất nước và người dân Trung Quốc.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi vào năm 1958, đồng minh cộng sản thân cận nhất của Bắc Kinh là Liên Xô bắt đầu thách thức ĐCSTQ trong bối cảnh nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông và người đứng đầu Liên Xô Nikita Khrushchev bất đồng trong nhiều vấn đề. Vào tháng 3/1969, Liên Xô và Trung Quốc xung đột trên một hòn đảo nhỏ trên sông Ussuri mà Trung Quốc gọi là đảo Zhenbao và Liên Xô gọi là đảo Damansky. Cuộc xung đột này đánh dấu sự khởi đầu xuống dốc của mối quan hệ Liên Xô-Trung Quốc.

“Trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã chọn Hoa Kỳ và dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ để giảm bớt các mối đe dọa từ Liên Xô”, bà Cai viết. Về mặt ngoại giao, ĐCSTQ đã tích cực xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ trong suốt những năm 1960, mặc dù nó luôn tiêm nhiễm vào đầu người dân của mình rằng Hoa Kỳ vẫn là kẻ thù.

Vào ngày 1/1/1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, và Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc phát triển kinh tế với hy vọng rằng một "Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ sẽ trở nên tự do hơn, thậm chí sẽ trở thành nước dân chủ và một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới”, bà Cai viết.

Mười năm sau, ĐCSTQ đã giết chính những người đòi dân chủ và tự do ở Bắc Kinh, dẫn đến cuộc Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn. Bà Cai cho biết khi đó, lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho chính quyền “phục kích, đợi thời cơ” khi giải quyết các vấn đề đối ngoại. Ông đã cố gắng thuyết phục Washington rằng thị trường Trung Quốc rất lớn và hứa sẽ chào đón các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường này.

Đó là quy tắc cơ bản mà ĐCSTQ đã tuân thủ kể từ đó, bà Cai viết. Bà đã đưa ra một ví dụ về cách ĐCSTQ lừa dối người Mỹ bằng cách bán lời hứa này.

“Chính vì ĐCSTQ đã nhìn thấu được mong muốn mạnh mẽ của các nhà tư bản Mỹ đối với thị trường Trung Quốc, nên nó biết rằng các doanh nghiệp lớn của Mỹ sẽ sẵn sàng gây áp lực buộc chính phủ Mỹ phải nhượng bộ. Do đó, nó không quan tâm đến những lời chỉ trích về vi phạm nhân quyền của mình, và ngày càng trở nên đàn áp trong nước”, bà Cai viết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và doanh nhân Mỹ tham gia thị trường Trung Quốc đã không được đối xử như họ mong đợi.

“ĐCSTQ sử dụng ngôn ngữ lôi cuốn để thu hút các công ty đa quốc gia vào Trung Quốc. Nhưng sau đó, những công ty này sẽ sớm nhận ra rằng họ đã rơi vào một cái bẫy: họ phải chuyển giao công nghệ của mình hoặc phải đối mặt với việc đóng cửa. Sau khi có được công nghệ nước ngoài, Trung Quốc thường tìm cách buộc các công ty này rời thị trường Trung Quốc”, bà Cai viết. “Công ty Tesla của Elon Musk hiện đang gặp phải tình trạng này”.

Đồng thời, ĐCSTQ vẫn tiếp tục tẩy não người dân Trung Quốc, bao gồm cả các quan chức ĐCSTQ, để họ trung thành với đảng và coi Hoa Kỳ như kẻ thù.

“Sau năm 1989, ĐCSTQ tiếp tục tăng cường 'giáo dục về khủng hoảng' trong nội bộ đảng, nhấn mạnh rằng, nếu ĐCSTQ mất quyền lực như ở các quốc gia cộng sản khác, thì hàng chục nghìn cán bộ có thể bị giam giữ hoặc bị giết, và hầu hết các thành viên và cán bộ Đảng sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, sẽ phải vật lộn để kiếm sống”, bà Cai viết.

Sinh viên tuyệt thực từ Đại học Bắc Kinh thư giãn khi hàng trăm sinh viên bắt đầu tuyệt thực không giới hạn trong một phần của cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt chống lại chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 14/5/1989. (Catherine Henriette / AFP qua Getty Images)

Đe doạ & tham vọng

Bà Cai cho biết chế độ ĐCSTQ bắt đầu có tham vọng kiểm soát thế giới vào năm 2008, khi “Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic” và Hoa Kỳ “rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính dưới chuẩn”.

Kể từ đó, ĐCSTQ đã cố gắng tham gia xây dựng quy tắc toàn cầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Nó cũng bận rộn với việc xây dựng một quân đội hiện đại “nhắm vào Hoa Kỳ”, mở rộng các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài và thâm nhập vào “các phương tiện truyền thông, tài chính, kinh tế, công nghệ, giáo dục, các tổ chức tư vấn, bảo tàng và các lĩnh vực và thể chế khác”.

Bà Cai chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã hạn chế các học giả nước ngoài vào Trung Quốc, ngăn cản họ chia sẻ tư tưởng tự do ở Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh kiểm soát thông tin liên lạc giữa các học giả Trung Quốc và các quan chức nước ngoài. Đồng thời, ĐCSTQ đã vươn tay ra nước ngoài để kiểm soát sinh viên Trung Quốc và các tổ chức của Trung Quốc trên khắp đất nước Hoa Kỳ. ĐCSTQ thậm chí đã thành lập các chi nhánh đảng trong các trường đại học Mỹ để ăn cắp bí mật thương mại và gây ảnh hưởng đến thế giới tự do”, bà Cai viết.

Bà Cai chỉ ra rằng nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc Tập Cận Bình là người hiếu chiến nhất và ông ta đang nhắm mục tiêu rõ ràng vào Hoa Kỳ.

Ngày 1/1/2021, chính quyền ĐCSTQ đã sửa đổi Luật Quốc phòng. Bà Cai chỉ ra một mục trong đó nêu rõ: “Các hoạt động quân sự của Nhà nước là để ngăn chặn và chống lại sự xâm lược, ngăn chặn sự lật đổ và chia rẽ có vũ trang, bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất, sự toàn vẹn lãnh thổ, nền an ninh quốc gia và lợi ích phát triển”. Mục này có một ý nghĩa đặc biệt ở đằng sau.

“Hai thuật ngữ chính, ‘chia rẽ’ và ‘lợi ích phát triển’ có ý nghĩa sâu sắc: thuật ngữ thứ nhất đề cập vấn đề Đài Loan; thuật ngữ kia là tín hiệu đe dọa tất cả các quốc gia khác, và quan trọng nhất là Hoa Kỳ, rằng quân đội Trung Quốc sẽ gây chiến với bất kỳ ai ngăn cản ĐCSTQ thống nhất Đài Loan và với bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến lợi ích phát triển của Trung Quốc”, bà Cai viết.

Quân đội Trung Quốc diễu hành trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Bà Cai Xia năm nay 68 tuổi. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân và gia nhập quân đội năm 1969. Năm 1978, sau khi giải ngũ, bà Cai trở thành quan chức ĐCSTQ. Năm 1992, bà Cai bắt đầu cuộc sống của mình tại Trường Đảng Trung ương với tư cách là sinh viên sau đại học.

Năm 1997, bà Cai trở thành giảng viên tại Trường Đảng Trung ương để giảng dạy về hệ tư tưởng và chính trị của ĐCSTQ. Năm 2000, bà nhận bằng Tiến sĩ Luật của trường và trở thành giáo sư. Bà nghỉ hưu năm 2012.

Vào năm 2020, khi dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc, bà Cai đang du lịch ở Hoa Kỳ và không thể quay về Trung Quốc theo kế hoạch.

Vào tháng 6/2020, một đoạn băng ghi âm bà Cai chỉ trích ông Tập Cận Bình đã bị tung lên mạng. Hai tháng sau, ĐCSTQ tuyên bố tước thẻ Đảng của bà Cai và ngừng trả lương hưu. Bà Cai đã ở lại Mỹ từ đó.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chưa bao giờ coi Mỹ là bạn trong 70 năm qua