Tướng Mỹ: Trung Quốc tiến nhanh hơn quân đội Mỹ với tốc độ 'đáng lo ngại'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang trên đà đạt được ưu thế quân sự vượt Mỹ chỉ trong hơn một thập kỷ nữa, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ — Tướng Mark Milley — cảnh báo các thành viên Quốc hội vào ngày 29/3/2023.

Phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện về các yêu cầu ngân sách năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Tướng Mark Milley lưu ý rằng Trung Quốc có mục tiêu quốc gia là trở thành "ngang hàng trên toàn cầu" với Mỹ và "có ưu thế về quân sự" vào năm 2049.

"Họ đang trên con đường đó để làm điều đó, và điều đó thực sự đáng lo ngại", ông Milley nói. "Điều đó thực sự gây lo lắng. Và chúng ta không chỉ phải theo kịp mà còn phải tiến nhanh hơn điều đó, và việc đó sẽ đảm bảo hòa bình".

Mối lo ngại đặc biệt là chương trình phát triển hạt nhân của Trung Quốc, ông Milley cho biết. Đồng thời ông cho rằng có rất ít điều Mỹ có thể làm để "dừng lại, làm chậm lại, phá vỡ, ngăn chặn, hoặc phá hủy" chương trình này.

Sự lo lắng của Tướng Milley giống với tâm trạng của Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall — người đã nói với Quốc hội hôm 28/3 rằng việc Trung Quốc mở rộng lực lượng hạt nhân là mối đe dọa quân sự "đáng lo ngại" nhất mà ông từng thấy trong nửa thế kỷ sự nghiệp của mình.

Trong nhiều tháng nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các động thái hạt nhân của Trung Quốc, cảnh báo vào tháng 11/2022 rằng nước này đang trên đà tăng gấp bốn lần số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.500 vào năm 2035.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng ước tính số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là hơn 400. Và mặc dù con số đó có vẻ nhỏ khi so với con số khoảng 3.750 đầu đạn của Mỹ, Tướng Milley nhấn mạnh hôm 29/3 rằng không nên đánh giá thấp khả năng của Trung Quốc.

"Ngày nay, họ có năng lực hạt nhân đáng kể và họ có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới nước Mỹ", ông nói. "Điều đó rõ ràng là gây lo lắng".

Vị tướng này cũng lưu ý rằng tình hình còn phức tạp hơn do mối quan hệ đang được củng cố giữa Trung Quốc và Nga, mà ông mô tả là "gây rắc rối".

"Chúng ta đang đối mặt với hai cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh. "Vì vậy, các nguyên tắc răn đe của Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại, nhưng giờ đây nó phức tạp hơn vì là hai chọi một".

Và với mối đe dọa gia tăng về việc Iran tham gia vào tổ hợp này, Tướng Milley dự đoán, "Ba quốc gia đó cùng nhau sẽ gây ra vấn đề trong nhiều năm tới".

Chiến tranh Lạnh mới?

Nhận xét của Tướng Milley được đưa ra ngay sau một báo cáo mới của viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation, trong đó cho rằng Mỹ đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc và vạch ra một kế hoạch phòng thủ để chống lại mối đe dọa.

"Đã đến lúc phải thừa nhận thực tế: Mỹ đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc", Kevin Roberts — chủ tịch Heritage Foundation — cho biết trong một tuyên bố. "Đã đến lúc cần có một chiến lược — cho nỗ lực của toàn chính phủ và toàn xã hội — phục vụ lợi ích của Mỹ và bảo vệ người dân cũng như nền kinh tế Mỹ khỏi các hành động ác ý của Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Để phòng thủ tốt hơn trước mối đe dọa của Trung Quốc, báo cáo bao gồm hơn 100 đề xuất chính sách bao gồm chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng, an ninh biên giới, kinh tế, v.v.

"Để thành công trong Chiến tranh Lạnh mới, kế hoạch này kêu gọi tăng trưởng kinh tế bền vững của Mỹ, ý chí chính trị lớn hơn, quan hệ đối tác bên ngoài mạnh mẽ hơn, biên giới an toàn, chính sách kinh tế và an ninh đồng bộ, chuỗi cung ứng linh hoạt, tăng cường răn đe quân sự và độc lập về năng lượng của Mỹ", các biên tập viên của báo cáo là James Carafano, Michael Pillsbury, Jeff Smith, và Andrew Harding cho biết.

"Nó nêu rõ các bước cần thiết để: bảo vệ quê hương; bảo vệ thịnh vượng của Mỹ; làm giảm khả năng của Trung Quốc trong việc gây tổn hại cho Mỹ và buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm; định hướng lại thế trận quốc phòng của Mỹ; và thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu".

Trong khi đó, căng thẳng leo thang với Nga đã khiến Nhà Trắng ngừng trao đổi thông tin hạt nhân với Nga hôm 28/3.

Quyết định này được đưa ra sau thông báo gần đây của Nga rằng họ sẽ ngừng tham gia Hiệp ước START mới — hiệp ước gần đây nhất giữa hai quốc gia nhằm kiểm soát vũ khí — trong khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraina.

"Vì họ từ chối tuân thủ phương thức cụ thể đó của START mới, nên chúng tôi cũng quyết định không chia sẻ dữ liệu đó", Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby thông báo qua điện thoại với các phóng viên.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tướng Mỹ: Trung Quốc tiến nhanh hơn quân đội Mỹ với tốc độ 'đáng lo ngại'