Trung Quốc cố gắng cứu nền kinh tế sau 3 năm Zero-COVID

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia này trong năm 2023, nhưng một số chuyên gia không lạc quan về điều này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức một hội nghị công tác kinh tế tại Bắc Kinh một tuần sau khi quốc gia này đột ngột từ bỏ chính sách "Zero-COVID", trong bối cảnh các các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng tăng.

Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải "tăng cường mạnh mẽ niềm tin của thị trường", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khu vực tư nhân của đất nước.

Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt các chính sách "Zero-COVID" nghiêm ngặt vào đầu tháng 12/2022 sau một quyết định mà các nhà quan sát, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tin là chiến lược của chính quyền nhằm đối phó với sự thất bại của chính sách ngăn chặn sự lây lan của virus.

"Sự bùng nổ các ca bệnh ở Trung Quốc đã bắt đầu từ rất lâu trước khi có bất kỳ sự nới lỏng nào đối với chính sách Zero-COVID và tôi nghĩ rằng rất quan trọng là phải nhận ra điều đó", Mike Ryan — người đứng đầu Bộ phận Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe của WHO — cho biết vào giữa tháng này.

Các chuyên gia tin rằng những bình luận của ông Tập cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc.

Hội nghị Công tác Kinh tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 15 và 16/12/2022. Theo Tân Hoa Xã, các diễn giả tại hội nghị thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chịu áp lực lớn hơn vào năm 2022 do nhu cầu thu hẹp, cú sốc về nguồn cung, và tâm lý người tiêu dùng suy yếu, đồng thời tuyên bố cần nỗ lực khôi phục và mở rộng tiêu dùng vào năm 2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã đàn áp các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc trong vài năm qua, đã tuyên bố tại hội nghị rằng "Tôi luôn ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân".

Hội nghị cũng hứa sẽ đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản, hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy việc làm cho thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp đại học.

So với một năm trước, một số nhận định được đưa ra tại hội nghị kinh tế năm nay có những thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nói về việc đưa ra các chính sách mới để cứu ngành bất động sản đang gặp khó khăn. Trong khi chánh thanh tra của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Vương Triêu Đệ đã nói về việc thúc đẩy các ngành công nghiệp về các nền tảng kỹ thuật số.

Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đã được đề cập 5 lần tại hội nghị, cho thấy các cơ quan chức năng kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Cách đây không lâu, ĐCSTQ thường nhấn mạnh rằng cái gọi là "thịnh vượng chung" và "lưu thông nội bộ" là mục tiêu chiến lược trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc, điều này hoàn toàn trái ngược với cải cách và mở cửa, đối lập với nền kinh tế thị trường.

Quan chức địa phương tập trung vào khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài

Từ ngày 1/12/2022, các quan chức hàng đầu ở nhiều tỉnh đã bắt đầu đến thăm các doanh nghiệp tư nhân, đề nghị giúp họ thu hút đầu tư và giảm bớt khó khăn tài chính.

Bí thư Tỉnh ủy An Huy Trịnh Sách Khiết đã tổ chức một sự kiện có tên "Tối ưu hóa môi trường kinh tế và ổn định nền kinh tế" vào ngày 1/12. Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Vương Hiểu Huy, khi thị sát các công ty địa phương vào ngày 2/12, đã tuyên bố rằng tiềm năng phát triển của Tứ Xuyên nằm ở nền kinh tế tư nhân. Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Vương Vĩ Trung đã kêu gọi thu hút các doanh nghiệp và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tại một hội nghị chuyên đề tư vấn kinh doanh vào ngày 5/12. Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang mới được bổ nhiệm Dịch Luyện Hồng đã đích thân đến thăm Alibaba, nền tảng kỹ thuật số hàng đầu của Trung Quốc, vào ngày 18/12.

Ngoài ra, hàng trăm phái đoàn "ngoại thương" đã đi ra nước ngoài trong bốn tháng qua để đàm phán các đơn đặt hàng quốc tế. Ví dụ, tỉnh Giang Tô đã đưa 268 đoàn gồm các công ty thương mại quốc tế, với hơn 1.400 người, ra nước ngoài để đàm phán thương mại. Trong số 16 quốc gia điểm đến của họ có Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Các phái đoàn ngoại thương của tỉnh Quảng Đông thì tập trung vào khu vực ASEAN và các nước châu Âu như là Ba Lan, Đức, và Hungary.

Chuyên gia: Tác dụng chỉ là rất nhỏ

Trong khi ĐCSTQ đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc, thì chỉ số niềm tin kinh doanh của quốc gia này đã giảm từ 51,8 trong tháng 11/2022 xuống 48,1 trong tháng 12, theo một cuộc khảo sát được World Economics công bố ngày 19/12. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2013. Chỉ số niềm tin kinh doanh này dựa trên cuộc khảo sát các nhà quản lý bán hàng tại hơn 2.300 doanh nghiệp.

Dương Tứ — một cựu học giả tại Viện Khoa học Trung Quốc — chia sẻ với tờ Epoch Times bản tiếng Trung vào ngày 22/12 rằng, việc ĐCSTQ kiểm soát và ra tay với ngành bất động sản cùng các doanh nghiệp tư nhân trong vài năm qua đã khiến đầu tư và phát triển công nghiệp ở Trung Quốc sụt giảm, và rằng các chính sách luôn thay đổi của ĐCSTQ đã khiến các doanh nhân khu vực tư nhân mất niềm tin.

"Ngoài ra, ba năm phong tỏa COVID đã khiến một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, tỷ lệ thất nghiệp cao. Sự phục hồi kinh tế gần như là không thể", ông Dương nói.

Về ngoại thương, dữ liệu mới nhất từ ​​Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/12 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 11/2022 đạt 226.25 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 10,6%, cao hơn nhiều so với mức giảm 6% dự kiến.

Một phân tích chi tiết về các nhà nhập khẩu lớn hàng hóa do Trung Quốc sản xuất cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ tư liên tiếp con số này đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, và mức giảm vào tháng 11 lớn hơn nhiều so với mức giảm 13% trong tháng Mười. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh Châu Âu (EU) giảm 11% so với cùng kỳ 2021.

Nói đến nền kinh tế nói chung của Trung Quốc, ông Dương Tứ cho biết quốc gia này đang chịu áp lực suy giảm ngày càng tăng và việc thúc đẩy nhu cầu trong nước đã trở thành trọng tâm trong các chính sách của ĐCSTQ. Nhưng nền kinh tế đã suy thoái hoàn toàn. Mặc dù ĐCSTQ đang thực hiện các biện pháp để đối phó với điều này, đến mức đảo ngược các định hướng kinh tế trước đây, nhưng vẫn có rất ít hy vọng.

Tiến sĩ Cao Phong Nhất từ Viện Công nghệ Tokyo chia sẻ với tờ Epoch Times bản tiếng Trung vào ngày 22/12 rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng của nguồn thu tài chính địa phương ở Trung Quốc trong những năm qua là nhờ bán đất. Nhưng giờ đây, lĩnh vực bất động sản đang lao dốc và các nhà phát triển bất động sản đang thiếu tiền mặt, với các tòa nhà dang dở và bỏ trống ở khắp nơi.

Hơn nữa, sau ba năm tiến hành phong tỏa Zero-COVID nghiêm ngặt, nhiều người mua nhà thậm chí không còn trả tiền vay thế chấp hàng tháng, chưa nói đến việc tìm người mua mới.

"ĐCSTQ là một chế độ toàn trị và phong cách quản lý của họ luôn cực đoan — hoặc hoàn toàn kiểm soát, hoặc hoàn toàn phớt lờ công chúng. Việc hạn chế đại dịch đột ngột kết thúc là một ví dụ điển hình. Bây giờ [ở Trung Quốc] hoàn toàn hỗn loạn", ông nói.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cố gắng cứu nền kinh tế sau 3 năm Zero-COVID