WHO dự định đổi tên virus đậu mùa khỉ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ đổi tên bệnh đậu mùa khỉ trước tình hình bùng phát dịch lan rộng ở một số quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ trong những ngày gần đây.

Hôm thứ Ba (14/06), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO, xác nhận rằng cơ quan Liên Hiệp Quốc này đang “phối hợp với các đối tác và chuyên gia trên khắp thế giới để thay đổi tên của virus đậu mùa khỉ, tên của các biến chủng và tên căn bệnh do virus này gây ra".

Ông Tedros không cho biết WHO có thể đang xem xét những tên gọi cụ thể nào. Tuy nhiên, ông cho biết cơ quan này sẽ đưa ra thông báo về những tên gọi mới này trong thời gian sớm nhất có thể.

Tuần trước, khoảng 30 nhà khoa học viết rằng [chúng ta] đang có “nhu cầu cấp bách về một tên gọi không phân biệt đối xử và không kỳ thị cho virus đậu mùa khỉ” và đã đề xướng tên gọi này: “hMPXV".

Các nhà khoa học trên gợi ý rằng hMPXV, mà họ ghi nhận chỉ là một phiên bản rút gọn của “virus đậu mùa khỉ” ở người, sẽ là “một phân loại không phân biệt đối xử và không mang tính kỳ thị".

Họ tuyên bố: “Nếu tên gọi và phân loại được khuyến nghị không được ủng hộ và thông qua, sự nhiệt tình trong việc duy trì giám sát tích cực và báo cáo nhanh các mầm bệnh có khả năng xảy ra bệnh đặc hữu và đại dịch có thể suy yếu".

Một hành động đổi tên tương tự đã được WHO thực hiện hồi đầu năm 2020 sau khi COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc đại lục. Các nhà khoa học đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và WHO đổi tên nó từ “Virus Vũ Hán” (Wuhan coronavirus) thành COVID-19. The Epoch Times đã gọi COVID-19 là virus Vũ Hán kể từ khoảng thời gian đó.

Bệnh đậu mùa khỉ đã từng là bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi từ những năm 1970 và thường lây truyền từ động vật sang người chứ không phải do tiếp xúc giữa người với người. Trước đây, các quan chức cho biết loại virus giống bệnh đậu mùa này thường lây truyền qua các loài gặm nhấm như sóc và các loài linh trưởng không phải người như khỉ, tinh tinh, và khỉ đầu chó.

Ông Tedros cũng cho biết WHO sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào tuần tới để xác định xem có nên phân loại bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế, vốn đang ở mức báo động cao nhất này hay không. Trước đây, cúm heo, bại liệt, Ebola, Zika và COVID-19 đã từng được chỉ định như vậy.

Ông nói: “Sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ là bất thường và đáng lo ngại. Vì lý do đó, tôi đã quyết định triệu tập Ủy ban Khẩn cấp theo các quy định y tế quốc tế vào tuần tới để đánh giá xem đợt bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế hay không".

Vài ngày trước thông báo của WHO, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle Walensky nói với các phóng viên rằng bệnh đậu mùa khỉ không lây truyền qua không khí, khác với bệnh COVID-19.

Bà Walensky nói với các phóng viên hôm 10/06, “Những gì tôi có thể khẳng định là bệnh đậu mùa khỉ không tồn tại trong không khí như chúng ta nghĩ về định nghĩa lây truyền qua đường không khí. Tại CDC, khi chúng tôi xem xét sự lây truyền qua đường không khí, chúng tôi đang nói về các hạt virus nhỏ lơ lửng trong không khí và có thể tồn tại ở đó trong một thời gian dài".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

WHO dự định đổi tên virus đậu mùa khỉ