Xuất hiện động thái bất thường tại cơ sở hạt nhân của Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ hoạt động cao tại cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên, sau khi ông Kim Jong Un ra lệnh tăng cường sản xuất nhiên liệu bom để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Reuters ngày 1/4 dẫn báo cáo của 38 North, dự án giám sát Triều Tiên của tổ chức nghiên cứu Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên đang có mức độ hoạt động cao.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh từ ngày 3/3 và 17/3, 38 North chỉ ra rằng lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm (ELWR) tại Yongbyon sắp hoàn thành và chuyển sang trạng thái hoạt động.

Báo cáo cho biết hình ảnh cho thấy một lò phản ứng 5 megawatt tại Yongbyon tiếp tục hoạt động và việc xây dựng đã bắt đầu trên một tòa nhà hỗ trợ xung quanh ELWR. Hơn nữa, nước thải đã được phát hiện từ hệ thống làm mát của lò phản ứng đó. Việc xây dựng mới cũng đã bắt đầu xung quanh nhà máy làm giàu uranium của Yongbyon, có thể nhằm mở rộng năng lực của nó.

Toàn cảnh khu lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên ở Yongbyon. Bản quyền hình ảnh thuộc về Pleiades NEO © Airbus DS 2023. (Ảnh chụp màn hình 38 North)

"Những diễn biến này dường như phản ánh chỉ thị gần đây của ông Kim Jong Un nhằm tăng cường sản xuất vật liệu phân hạch để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của đất nước", báo cáo cho biết thêm.

Trước đó, ông Kim ngày 27/3 đã đến thăm Viện Vũ khí Hạt nhân và chỉ thị mở rộng quy mô sản xuất vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí để tăng cường kho khí tài nguyên tử của nước này. Ông đồng thời tuyên bố rằng kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên phải trong tình trạng sẵn sàng để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Trong chuyến đi của ông Kim, Triều Tiên còn tiết lộ đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới được đặt tên là Hwasan-31. Động thái được thực hiện trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận chung.

Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố hình ảnh các đầu đạn hạt nhân mà họ khẳng định có thể gắn vào tên lửa tầm ngắn. Giới chuyên gia cho rằng, những hình ảnh này có thể cho thấy bước tiến của Triều Tiên trong việc thu nhỏ đầu đạn vốn đủ mạnh nhưng quá lớn để gắn vào các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hiện không rõ liệu Triều Tiên đã phát triển đầy đủ các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cần thiết để lắp vào các vũ khí nhỏ hơn mà nước này trưng bày hay chưa. Các nhà phân tích cho rằng việc hoàn thiện các đầu đạn như vậy rất có thể sẽ là mục tiêu chính nếu nước này nối lại vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo từ đầu năm 2022 rằng Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử hạt nhân bất cứ lúc nào.

Reuters dẫn lời chuẩn đô đốc Hàn Quốc Kim Ji-hoon cho biết các cuộc tập trận chung nhằm cải thiện khả năng răn đe mở rộng của Mỹ để chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên. Chỉ huy nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz, chuẩn đô đốc Christopher Sweeney, nói các tàu của ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào, đồng thời khẳng định không tìm kiếm xung đột với Bình Nhưỡng.

Trong một báo cáo đưa ra năm 2022, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính Triều Tiên đã lắp ráp tới 20 đầu đạn hạt nhân và có thể sở hữu đủ vật liệu phân hạch cho khoảng 45 - 55 thiết bị hạt nhân.

Tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên thông qua luật mới trong đó tuyên bố là quốc gia hạt nhân, và cho phép quyền sử dụng tấn công phủ đầu bằng hạt nhân để tự vệ.

Theo Reuters, luật mới được thông qua đã khiến cho tình trạng hạt nhân của Triều Tiên trở nên không thể đảo ngược, đồng thời cấm mọi cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa. Triều Tiên sau đó nói rằng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chính sách này do sự thù địch của Washington.

Triều Tiên đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch vào năm 2017, trước khi tuyên bố đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân. Bình Nhưỡng luôn khẳng định rằng chỉ dùng các vũ khí này cho mục đích phòng thủ.

Ông Kim Jong-un từng tuyên bố Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân dù bị trừng phạt "hàng trăm năm".

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện động thái bất thường tại cơ sở hạt nhân của Triều Tiên