Chính sách "không COVID" của Trung Quốc liệu có hữu hiệu hay làm người dân mệt mỏi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Trung Quốc bước vào năm thứ ba của đại dịch coronavirus, quốc gia này vẫn tiếp tục áp đặt biện pháp phong tỏa các khu vực mỗi khi phát hiện chỉ cần 1 ca nhiễm mới và bắt tất cả người dân trong khu vực phải xét nghiệm PCR. Biện pháp này có thực sự hữu hiệu hay là khiến người dân căng thẳng và mệt mỏi?

Nikkei Asia đưa tin, các quan chức Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chiến lược này. Ma Xiaowei, giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết trong một bài báo ngày 1/12 đăng trên Tân Hoa xã rằng chính sách “không COVID” sẽ vẫn là trọng yếu để chống lại coronavirus.

Biện pháp chống dịch COVID nghiêm ngặt này đi kèm với chi phí lớn do các doanh nghiệp phải đóng cửa và mọi khía cạnh cuộc sống của người dân đều bị đình trệ.

Tuy nhiên, biện pháp không khoan nhượng với COVID dường như đã hữu hiệu. Thống kê gần nhất của Đại học Johns Hopkins xác nhận 267 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, nhưng trong đó chỉ có khoảng 110.000 ca từ Trung Quốc, nơi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên cách đây hai năm. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron nào.

"Chúng tôi có thể ngăn ngừa lây nhiễm nhờ các biện pháp nghiêm ngặt", một người dân cho biết, ca ngợi chính sách của chính phủ.

Nhưng hậu quả của phương pháp không khoan nhượng là điều khó có thể bỏ qua. Ruili, một thành phố giáp biên giới với Myanmar, đã từng bị nhiễm COVID-19 lẻ tẻ. Các quan chức phong tỏa thành phố mỗi khi phát hiện ổ dịch mới với tổng thời gian phong tỏa lên tới khoảng bảy tháng kể từ tháng 9 năm 2020.

Zheng, một chủ nhà hàng 29 tuổi cho biết: "Lần nào phong tỏa tôi cũng phải đóng cửa cửa hàng của mình. Lần phong tỏa lâu nhất là hai tháng". Mặc dù Zheng đã mở cửa quán ăn trở lại trong tháng này, nhưng doanh thu hàng ngày đã giảm xuống còn 400 nhân dân tệ (1,5 triệu đồng), giảm 10 lần so với thời kỳ trước đại dịch COVID. Anh cho biết, anh sẽ rời thành phố về quê ở Phúc Kiến trong thời gian tới.

Theo truyền thông Trung Quốc, Ruili đang chứng kiến một cuộc di dân, với dân số 500.000 người tụt xuống còn 200.000 người.

Vào tháng trước, tờ Ming Pao của Hong Kong Nhật báo đưa tin, khoảng 200 công dân Ruili đã tổ chức một cuộc biểu tình. Một cuộc biểu tình như vậy thực tế là chưa từng xảy ra ở Trung Quốc.

Sự gián đoạn đã tràn sang các thành phố khác. Vào cuối tháng 10, hàng chục nghìn người buộc phải ở lại bên trong Disneyland Thượng Hải do bị phong tỏa. Điều này xảy ra sau khi một khách du lịch có kết quả dương tính với COVID-19.

33.863 du khách đến Disneyland Thượng Hải đã phải xét nghiệm COVID hàng loạt vì một du khách vào ngày hôm trước đã bị nhiễm bệnh Ảnh: Getty Images

Giao thông giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới về cơ bản đã bị cắt đứt. Du khách đến đất nước này phải trải qua hai đến bốn tuần cách ly, khiến việc sắp xếp các chuyến đi như vậy rất khó khăn.

Một người Trung Quốc làm việc ở Tokyo cho biết: “Tôi đã không về nhà với gia đình ở Thượng Hải trong hai năm và tôi không thể gặp bố mẹ mình”.

Chính sách cứng rắn của Trung Quốc xuất phát từ trên xuống. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào tháng 9/2020 rằng cuộc chiến coronavirus thể hiện "tính ưu việt" của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Ông Tập dường như nói rằng chế độ độc đảng đã cứu Trung Quốc khỏi làn sóng tử vong từng xảy ra ở phương Tây.

Chính sách cứng rắn cũng nhằm bù đắp những gì đã bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp của Bắc Kinh đối với đợt bùng phát ban đầu. Thứ Tư ngày 8/12 đánh dấu tròn hai năm kể từ khi hàng chục bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh với COVID-19 ở Vũ Hán được công bố chính thức.

Tuy nhiên, tờ South China Morning Post của Hong Kong cho biết trong một báo cáo tháng 3/2020 rằng số trường hợp mắc bệnh từ năm 2019 là hàng trăm trường hợp. Vào thời điểm Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1, dịch bệnh đã nằm ngoài tầm kiểm soát.

Zhang Hai, một người đàn ông 51 tuổi có cha qua đời ở Vũ Hán cho biết, sự lây lan của dịch bệnh là do chính quyền thành phố Vũ Hán đã che đậy thông tin trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh.

Nhưng Bắc Kinh không cho phép chỉ trích chính sách ‘không COVID’. Vào tháng 8, cảnh sát đã bắt giữ một giáo viên ở tỉnh Giang Tây, người đã viết một bài đăng trực tuyến nói rằng mọi người có thể "sống chung với coronavirus." Người giáo viên đã bị giam 15 ngày, theo các quan chức tỉnh cho biết.

Trung Quốc tổ chức ít nhất hai sự kiện lớn trong năm tới: Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai và Đại hội Đảng Cộng sản kéo dài hai lần trong một thập kỷ - quyết định vị trí lãnh đạo cao nhất - vào mùa thu.

Một nguồn tin trong giới ngoại giao Trung-Nhật cho biết, quan điểm rộng rãi của giới chức Trung Quốc là sẽ tiếp tục chính sách ’Không COVID’ trong ít nhất một năm nữa, theo Nikkei Asia.

Theo BBC đưa tin, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên áp đặt các hạn chế để chống lại đại dịch này và Trung Quốc cũng sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng nới lỏng các biện pháp này.

Khi nói chuyện với những người Trung Quốc bình thường trên đường phố, bạn sẽ thấy rằng nhiều người dường như không bận tâm đến các biện pháp phong tỏa virus nghiêm ngặt được tiếp tục áp dụng miễn là chúng được giữ an toàn.

Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng, các biện pháp phong tỏa virus nghiêm ngặt nên được tiếp tục áp dụng cho đến khi đại dịch được giải quyết ổn thỏa vì an toàn xã hội là số một. Nhiều người khác cho rằng, vì vẫn chưa hiểu rõ về loại virus này, và mức độ hữu hiệu của vaccine, nên các biện pháp phong tỏa là vì lợi ích ổn định xã hội tốt nhất.

Tỷ lệ tiêm chủng cao có nghĩa là mọi người vẫn có thể nhiễm Covid-19, mà chỉ giảm nhẹ triệu chứng và ít phải đến bệnh viện hơn.

Do đó, nhiều quốc gia đang mở cửa biên giới. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, thị thực cho người nước ngoài vẫn khó khăn và người Trung Quốc vẫn không được gia hạn hộ chiếu sau khi hết hạn.

Ở những quốc gia khác, mọi người đang "sống chung với virus". Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các biện pháp vẫn được áp đặt như trước khi có vaccine.

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh cho thấy, họ không có khuynh hướng thay đổi cách tiếp cận này, ngay cả khi một số nhà khoa học Trung Quốc kêu gọi suy nghĩ lại.

Giáo sư Guan Yi, một nhà virus học từ Đại học Hong Kong và là cố vấn cho chính phủ, đã kêu gọi chuyển từ xét nghiệm axit nucleic hàng loạt (tìm ra bệnh nhiễm trùng) sang xét nghiệm kháng thể hàng loạt (có thể giúp các nhà khoa học hiểu được hiệu quả của vaccine).

Trong một cuộc phỏng vấn với Phoenix TV, ông nói rằng về lâu dài, không có cơ hội nào để chiến lược ‘không Covid’ có thể hoạt động trong điều kiện loại bỏ hoàn toàn.

Ông nói: “Virus hiện nay đã và sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó cũng giống như bệnh cúm, sẽ lưu hành trong cộng đồng trong một thời gian dài".

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách "không COVID" của Trung Quốc liệu có hữu hiệu hay làm người dân mệt mỏi?