Anh: Châu Âu cần gánh vác trách nhiệm quốc phòng để Mỹ đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tân Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh cho biết, các quốc gia châu Âu nên gánh vác trách nhiệm bảo vệ lục địa của mình để giải phóng các nguồn lực của Mỹ, trong việc đối phó với mối đe dọa Trung Quốc đang trỗi dậy theo cấp số nhân.

Tân Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh (CGS), Tướng Patrick Sanders cho biết, Anh và các đồng minh phương Tây phải “sẵn sàng chiến đấu” nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO.

Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền hôm 13/6, Tướng Sanders nói rằng Nga có khả năng phát triển lên thành 'mối đe doạ' từ cuộc xung đột ở Ukraine thậm chí còn lớn hơn đối với an ninh châu Âu.

Nhưng ông nhấn mạnh phương Tây không thể phớt lờ mối đe dọa từ ĐCSTQ ngay cả khi nước này phải đối mặt với “tham vọng bành trướng” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

'Thách thức kinh niên' của Trung Quốc

Ông nói: "Quốc phòng không thể bỏ qua sự trỗi dậy theo cấp số nhân và thách thức kinh niên của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông mà nước này còn mở rộng sức ảnh hưởng trên phạm vi trên toàn cầu".

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Nam Xương của Trung Quốc tấn công mục tiêu trong cuộc diễn tập quân sự Trung Quốc-Nga gần Vịnh Peter Đại đế vào ngày 15/10/2021 tại Nga. (Ảnh: Sun Zifa/China News Service/Getty Images)

Ông Sanders cho biết, ông tin rằng “gánh nặng răn đe thông thường ở châu Âu sẽ ngày càng giảm đối với các thành viên châu Âu” của liên minh quân sự NATO và Lực lượng viễn chinh hỗn hợp (JEF), một liên minh của 10 quốc gia Bắc Âu bao gồm: Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Anh.

Ông nói rằng việc các nước châu Âu gánh vác nhiều trách nhiệm quốc phòng hơn là “đúng đắn”, bởi vì “gánh vác gánh nặng ở châu Âu cũng chính là việc giải phóng thêm nguồn lực của Hoa Kỳ, để đảm bảo rằng các giá trị và lợi ích của lực lượng được bảo vệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

'Khoảnh khắc năm 1937'

Phát biểu tại Hội nghị tác chiến trên bộ do Royal United Services Institute (RUSI) tổ chức ở London, ông Sanders đã ví tình hình hiện tại giống như sắp xảy ra Thế chiến II, nói rằng "sự xâm lược tàn bạo" của ông Putin ở Ukraine là mối đe dọa lớn nhất đối với hoà bình và dân chủ của Châu Âu trong nhiều thập kỷ.

“Đây là thời điểm năm 1937 của chúng ta. Chúng ta không có chiến tranh, nhưng phải hành động nhanh chóng để tránh bị lôi kéo vào một thất bại trong việc ngăn chặn việc mở rộng lãnh thổ", ông nói.

Ông Sanders đặt ra câu hỏi về quy mô tương lai của Quân đội Anh, cảnh báo rằng bất kỳ sự cắt giảm hơn nữa đối với quân đội sẽ gây "tác hại", trong bối cảnh một cuộc chiến tranh trên bộ đang diễn ra ở châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace (bên trái) nói chuyện với ông Robert Peston tại hội nghị tác chiến trên bộ RUSI 2022, tại Nhà thờ ở Westminster, trung tâm London, hôm 28/6/2022. (Ảnh: Kirsty O'Connor/PA Images/Getty Images)

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cũng cho biết cần phải tăng chi tiêu quốc phòng hơn nữa để chống lại các mối đe dọa an ninh.

Ông nói: “Mối đe dọa đang gia tăng mang tính toàn cầu và đa miền. “Đã đến lúc báo hiệu rằng, Anh quốc cần phải giải quyết mối đe dọa đang trỗi dậy và học hỏi các bài học kinh nghiệm ở Ukraine”.

Anh cần sẵn sàng ‘chiến đấu ở châu Âu một lần nữa'

Hôm 19/6, tờ Sky News dẫn lời Tướng Patrick Sanders, kêu gọi quân đội nước này cần chuẩn bị sẵn sàng “chiến đấu ở châu Âu" một lần nữa.

Trong một bức thư gửi tới quân nhân các cấp bậc và công chức, Tướng Sanders nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã "làm nổi bật mục đích cốt lõi của quân đội Anh là bảo vệ đất nước bằng cách sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong các trận chiến".

“Giờ đây, một mệnh lệnh cháy bỏng là phải đào tạo một quân đội có khả năng chiến đấu bên cạnh các đồng minh của chúng ta và đánh bại Nga trong trận chiến”, Tướng Sanders cho hay.

Theo Tướng Sanders, ông là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội Anh kể từ năm 1941 “lên nắm quyền chỉ huy dưới cái bóng của một cuộc chiến trên bộ ở châu Âu liên quan đến một cường quốc lục địa”. Ông cũng đánh giá rằng mình đang tiếp nhận những nhiệm vụ mới trong một “kỷ nguyên của sự bất an”.

“Chúng ta là thế hệ phải chuẩn bị quân đội chiến đấu ở châu Âu một lần nữa" - ông cho biết.

Tuyên bố của Tướng Sanders đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson - người vừa mới trở về sau chuyến công du bất ngờ tới Kyiv, cảnh báo: “Tôi e rằng chúng ta cần phải rèn luyện bản thân cho một cuộc chiến lâu dài, vì Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng một chiến dịch tiêu hao, cố gắng hạ gục Ukraine”.

Thủ tướng Boris Johnson gặp Tổng thống Zelenskyy tại Kyiv, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Anh)

Theo Thủ tướng Johnson, mọi thứ giờ đây phụ thuộc vào việc “liệu Ukraine có thể tăng cường khả năng phòng thủ của mình nhanh hơn so với việc Nga có thể đổi mới năng lực tấn công hay không”, do đó mục tiêu của các nước phương Tây trong việc ủng hộ Kyiv là “kéo dài thời gian cho Ukraine".

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Johnson đã đưa ra các bước hành động chính gồm: cung cấp thêm vũ khí, huấn luyện các lực lượng Ukraine, hỗ trợ “khả năng tồn tại” của nhà nước Ukraine, phát triển các tuyến đường xuất khẩu đường bộ thay thế cho Ukraine và chuyển ngũ cốc ra khỏi các cảng của Ukraine.

Anh là một trong những quốc gia chủ chốt ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Anh đã cam kết hỗ trợ kinh tế và nhân đạo hơn 1,3 tỉ bảng Anh (1,6 tỉ USD) cho Ukraine, cũng như cung cấp cho Kiev hơn 5.000 tên lửa chống tăng NLAW và nhiều hệ thống tên lửa phóng tầm xa.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Anh: Châu Âu cần gánh vác trách nhiệm quốc phòng để Mỹ đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc