Binh sĩ Ukraine ở 'chảo lửa' Bakhmut gửi thông điệp tới phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Bakhmut yêu cầu được hỗ trợ thêm vũ khí, khi các nhà lãnh đạo phương Tây nhóm họp ở Munich, Đức hôm 17/2 để đánh giá tình hình cuộc xung đột đã làm rung chuyển châu Âu sau gần một năm.

"Hãy cung cấp cho chúng tôi nhiều trang thiết bị quân sự hơn, nhiều vũ khí hơn và chúng tôi sẽ đối phó với quân chiếm đóng Nga, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng", Dmytro, một quân nhân đứng trong tuyết bên ngoài thành phố Bakhmut, nói trong thông qua video ghi sẵn, lặp lại yêu cầu của Tổng thống Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Munich.

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 diễn ra trong 3 ngày (từ 17/2 đến 19/2) đã khai mạc tại thành phố Munich thuộc bang Bayern, Đức.

Khoảng một năm sau cuộc xâm lược, binh lính của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía đông.

Ukraine đang dự tính một cuộc phản công vào mùa xuân và đang yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp nhiều vũ khí lớn hơn, hạng nặng hơn và tầm xa hơn.

Ông Putin tuyên bố sẽ chiến đấu vì an ninh của Nga chống lại một liên minh NATO đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó Kyiv và những người ủng hộ họ mô tả cuộc xâm lược của Nga như một cuộc chiếm đất kiểu thuộc địa ở Ukraine, nơi từng là một phần của Liên Xô do Nga thống trị.

Trên chiến trường băng giá, các quân nhân Ukraine đã chỉ cho các phóng viên nước ngoài thấy những lợi ích của xe bọc thép Bushmaster do Úc cung cấp, tại một địa điểm mà binh lính Nga đã sa lầy trong nhiều tháng để giành giật Bakhmut.

Theo Dmytro, xe bọc thép này giúp bảo vệ binh sĩ khỏi hỏa lực của đối phương, hỗ trợ trinh sát và sơ tán thương binh.

"Có những lúc mìn chống tăng được kích nổ và binh sĩ chỉ bị xây xát. Các binh sĩ không bị thương nặng. Nó đã hoạt động rất tốt".

Khói đen bốc lên sau đợt pháo kích ở Bakhmut ngày 3/2/2023 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)

Hôm 17/2, thủ lĩnh tập đoàn đánh thuê Wagner thông báo đã kiểm soát làng Paraskovievka, phía bắc thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk.

“Các chiến binh Wagner kiểm soát hoàn toàn ngôi làng Paraskovievka, bất chấp nguồn cung đạn dược tắc nghẽn, tổn thất nặng nề và những trận đánh đẫm máu", thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin nói.

Thống đốc Luhansk, một trong hai tỉnh ở Donbas mà Nga kiểm soát một phần và mong muốn kiểm soát hoàn toàn, tuyên bố các cuộc không kích đang gia tăng.

Tỉnh trưởng Serhiy Haidai của Luhansk ngày 17/2 nói Nga đã gia tăng đáng kể các hoạt động, bao gồm cả pháo kích, dọc theo chiến tuyến tại đây và khiến tình hình trở nên rất khó khăn.

"Những nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Ukraine đang diễn ra không ngừng”, ông Serhiy Haidai nói trên truyền hình địa phương, đề cập đến các cuộc giao tranh gần thành phố Kreminna của Luhansk.

Trong tuyên bố mới nhất, Nga nói rằng một loạt các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine hôm thứ Năm (16/2) đã thành công trong việc phá hủy các địa điểm cung cấp xăng và đạn dược cho lực lượng Ukraine.

Hôm 16/2, lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố, họ chỉ đánh chặn được 16/36 tên lửa Nga phóng trong đợt không kích mới.

Lực lượng phòng không Ukraine cho hay, ít nhất 1 tên lửa Nga đã bắn trúng nhà máy lọc dầu Kremenchuk. Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Ukraine, đặt tại trung tâm tỉnh Poltava (phía bắc Ukraine).

(Từ trái sang) Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lắng nghe trong phần hỏi đáp tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 vào ngày 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)

Nga: ‘Những kẻ hiếu chiến ở Mỹ’

Một số nhà lãnh đạo chủ chốt của phương Tây, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, đã tham dự Hội nghị An ninh Munich kéo dài ba ngày.

Tại cuộc họp mặt năm ngoái, phương Tây đã kêu gọi Nga không tấn công Ukraine và cảnh báo về những hậu quả thảm khốc. Năm nay, phương Tây đang vật lộn với những hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng tham gia cuộc họp thông qua video, kêu gọi các đồng minh đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Scholz và ông Macron đã bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Ngày 17/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thông báo đã đạt được thỏa thuận cấp nhân viên với Ukraine, mở đường cho các cuộc thảo luận về chương trình cho vay chính thức hỗ trợ việc Kyiv gia nhập Liên minh châu Âu (EU)

Ngoài vấn đề cấp bách của cuộc xung đột, cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh với Nga đã làm sống lại những câu hỏi về an ninh rộng lớn hơn đối với châu Âu chẳng hạn như: phụ thuộc bao nhiêu vào Mỹ, chi bao nhiêu cho quốc phòng và làm thế nào để tăng cường năng lực của chính mình.

Kyiv tuyên bố rằng chỉ có một cuộc rút quân toàn diện của Nga mới được chấp nhận.

"Các cuộc đàm phán có thể bắt đầu khi Nga rút binh lính khỏi lãnh thổ Ukraine. Các giải pháp thay thế chỉ giúp Nga có thời gian tập hợp lực lượng và nối lại chiến sự bất cứ lúc nào", cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak bình luận trên Twitter.

Lính Mỹ trên xe bọc thép M2 Bradley tham gia cuộc tập trận Warrior Strike VIII ngày 19/9/2017 tại Pocheon, Hàn Quốc. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Hôm 17/2, Lầu Năm Góc cho biết, tiểu đoàn đầu tiên của Ukraine, bao gồm khoảng 635 binh lính, đã hoàn thành khóa huấn luyện vũ khí kết hợp kéo dài 5 tuần do lực lượng Mỹ hướng dẫn ở Đức. Khóa huấn luyện tập trung vào việc sử dụng xe bọc thép M2 Bradley - loại vũ khí đang trên đường tới Ukraine.

Theo tuyên bố, đợt huấn luyện này cũng tập trung vào huấn luyện y tế và huấn luyện chiến thuật cấp tiểu đoàn.

Mỹ đã tiết lộ ý định cung cấp cho Ukraine hơn 50 xe bọc thép, loại xe này được trang bị một khẩu pháo cực mạnh và đã được Quân đội Mỹ sử dụng để vận chuyển binh lính trên khắp các chiến trường kể từ giữa những năm 1980.

Nga cáo buộc Mỹ xúi giục Ukraine leo thang chiến tranh và hiện đang trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một cuộc họp báo hàng tuần tại Bộ Ngoại giao Nga, ở Moscow, Nga hôm 1/12/2021. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Nga/Anadolu Agency/Getty Images)

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã tăng cao trong ngày 17/2 sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ ủng hộ Ukraine tấn công các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo Crimea. Bà Nuland cũng nói rằng Crimea phải được phi quân sự hóa như một phần trong giải pháp cho cuộc xung đột.

Các phát biểu trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nga. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tuyên bố của bà Nuland cho thấy Mỹ có liên quan đến cuộc xung đột.

Bà Maria Zakharova cho biết: "Những kẻ hiếu chiến ở Mỹ... gửi vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo và trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự".

Trọng tâm hiện tại của Nga là chiếm Bakhmut, một thành phố hiện đã bị phá hủy phần lớn ở vùng Donetsk, gần Luhansk. Trước chiến tranh, thành phố này từng có khoảng 70.000 người, nay hầu hết đã rời đi.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Binh sĩ Ukraine ở 'chảo lửa' Bakhmut gửi thông điệp tới phương Tây