Bộ Tài chính Mỹ: Quỹ an sinh xã hội sẽ cạn tiền năm 2033

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo mới của chính phủ Mỹ cho thấy, quỹ ủy thác chính của hệ thống An sinh xã hội sẽ cạn kiệt vào năm 2033, làm tăng thêm lo ngại về khả năng thanh toán của quỹ này.

Bộ Tài chính đã công bố một báo cáo sau cuộc họp của Hội đồng Thụ ủy An sinh Xã hội, trong đó cảnh báo rằng quỹ ủy thác đầu tư của chương trình Bảo hiểm Người cao tuổi và Người sống sót (OASI) của liên bang sẽ trở nên không đủ khả năng tài chính trong vòng 10 năm tới.

Quỹ ủy thác OASI chủ yếu được sử dụng để chi trả các khoản trợ cấp hưu trí, chi trả cho vợ/chồng, và cho người sống sót, áp dụng cho các cá nhân đủ điều kiện và gia đình của họ.

Một báo cáo nêu chi tiết những phát hiện của Hội đồng Thụ ủy cho thấy tình hình tài chính xấu đi của chương trình An sinh xã hội chủ yếu là do bức tranh kinh tế xấu đi, một phần do lạm phát. Đến năm 2026, các dự báo về sản lượng kinh tế bị giảm xuống khoảng 3% so với báo cáo cho năm 2020, dẫn đến ngày mà quỹ sẽ hết tiền sớm hơn.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một bức thư ngày 31/3/2023 rằng "dự trữ của quỹ ủy thác OASI sẽ giảm xuống còn dưới 20% chi phí hàng năm vào đầu năm dương lịch 2033, và sẽ cạn kiệt vào năm 2033, nếu không có luật để giải quyết sự mất cân bằng này giữa doanh thu và trợ cấp dự kiến".

Bà Yellen kêu gọi các nhà lập pháp có "hành động nhanh chóng" để giải quyết cuộc khủng hoảng sắp xảy ra về khả năng thanh toán, có thể bằng cách tăng doanh thu, giảm dòng tiền chảy ra bằng cách sửa đổi các yêu cầu hoặc mức độ đủ điều kiện nhận trợ cấp, hoặc kết hợp cả hai.

Kilolo Kijakazi — người tạm thời đứng đầu Sở An sinh Xã hội — cho biết Quốc hội nên hành động nhanh chóng, để có thể thực hiện dần những thay đổi cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt tài chính của quỹ ủy thác.

"An sinh xã hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của 67 triệu người thụ hưởng và 180 triệu người lao động cùng gia đình của họ trong năm 2023. Với sự thảo luận có đầy đủ thông tin, tư duy sáng tạo, và hành động lập pháp kịp thời, An sinh xã hội có thể tiếp tục bảo vệ các thế hệ tương lai", bà Kijazaki nói trong một tuyên bố.

Cách khắc phục là gì?

Các thành viên đảng Dân chủ đã đề xuất củng cố tài chính của quỹ bằng cách yêu cầu những người Mỹ giàu có hơn đóng nhiều thuế dựa vào tiền lương hơn, với thuế An sinh xã hội hiện được giới hạn ở mức 6,2% của 160.200 USD đầu tiên của tiền lương nhân viên.

Một kế hoạch được đưa ra gần đây bởi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập – Bang Vermont) và Elizabeth Warren (Dân chủ – Bang Massachusetts), cùng Dân biểu Jan Schakowsky (Dân chủ – Bang Illinois) và Val Hoyle (Dân chủ – Bang Oregon), đề xuất tăng thuế lương cho 7% số người có thu nhập cao nhất, điều này sẽ giữ cho quỹ OASI có khả năng chi trả cho đến năm 2096.

"Luật mà chúng tôi giới thiệu hôm nay sẽ làm tăng các khoản trợ cấp An sinh xã hội thêm 2.400 USD một năm và sẽ mở rộng khả năng thanh toán An sinh xã hội trong 75 năm tới", ông Sanders nói trong một tuyên bố.

Kế hoạch này, được gọi là Đạo luật Mở rộng An sinh Xã hội, kêu gọi áp dụng thuế lương đối với tất cả thu nhập trên 250.000 USD mỗi năm, cùng với các điều khoản khác.

Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation — một tổ chức theo tư tưởng bảo thủ đã chỉ trích đề xuất này — ước tính rằng Đạo luật Mở rộng An sinh Xã hội sẽ áp đặt tổng cộng 33,8 nghìn tỷ USD tiền thuế mới, làm trầm trọng thêm khó khăn đối với người lao động và gia đình, "làm tình hình xấu đi cho tất cả mọi người, trừ những thế hệ già nhất" và gây "thiệt hại kinh tế đáng kể".

Mặc dù Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để giải quyết cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán An sinh xã hội, nhưng ông đã nói trong một văn kiện về ngân sách rằng, chính quyền mình mong muốn được làm việc với Quốc hội "để củng cố An sinh xã hội một cách có trách nhiệm, bằng cách đảm bảo rằng những người có thu nhập cao phải đóng góp công bằng".

Trong khi đó, đảng Cộng hòa có một cách tiếp cận khác, đề xuất điều chỉnh các tiêu chí đủ điều kiện được hưởng trợ cấp và tư nhân hóa các bộ phận của An sinh xã hội.

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence cho biết vào tháng 2/2023 rằng, nên có các cuộc thảo luận về cải cách An sinh xã hội.

"Có những cải cách vừa phải về quyền lợi có thể được thực hiện, mà không gây bất lợi cho bất kỳ ai tại thời điểm cần thiết", ông Pence nói với khán giả tại cuộc họp của Hiệp hội các nhà bán buôn – nhà phân phối quốc gia.

Ông Pence cho rằng, chính phủ có thể cho phép những người Mỹ trẻ tuổi gửi một phần đóng góp An sinh xã hội của họ vào một tài khoản tiết kiệm tư nhân chịu sự giám sát của chính phủ. Quỹ này có khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn tài khoản An sinh xã hội hiện tại.

Tương tự, Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng hòa – Bang Utah) cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 với tờ Daily Herald rằng, sau khi giải quyết được vấn đề thanh toán của quỹ An sinh xã hội, các nhà lập pháp nên xem xét việc cho phép người dân đưa một phần các khoản đóng góp an sinh xã hội vào tài khoản cá nhân.

Thượng nghị sĩ Bill Cassidy (Cộng hòa – Bang Louisiana), trong một cuộc phỏng vấn gần đây với MSNBC, cũng đề xuất thành lập một quỹ đầu tư riêng để bổ sung cho quỹ An sinh xã hội.

"Trọng tâm là tạo ra một quỹ — tách biệt với An sinh xã hội — để cho phép có một chiến lược đầu tư mà sẽ phát triển theo thời gian và giúp ích cho [quỹ An sinh] xã hội", ông Cassidy nói. "Điều chính mà chúng tôi nói đến trong cách tiếp cận của chúng tôi là quỹ đầu tư này, mà nó thực sự giúp [quỹ An sinh] xã hội [thoát khỏi khó khăn]".

Ông Cassidy nói rằng, cách tiếp cận này sẽ có rủi ro thấp đối với những người nhận trợ cấp hiện tại, vì quỹ riêng biệt này sẽ chịu phần lớn rủi ro đầu tư.

Những người ủng hộ đề xuất này đã lập luận rằng nó đưa ra một giải pháp thiết thực cho một vấn đề cấp bách, trong khi những người phản đối cho rằng thật liều lĩnh khi bắt tiền thuế phải chịu rủi ro cao liên quan đến các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tài chính Mỹ: Quỹ an sinh xã hội sẽ cạn tiền năm 2033