Các vật thể bay bị bắn hạ trong không phận Bắc Mỹ - Chúng ta biết những gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 8 ngày qua, quân đội Mỹ đã bắn hạ 4 vật thể bay trên không phận Bắc Mỹ. Ba trong số các vật thể trên đã bị bắn hạ trong vòng ba ngày và vẫn chưa được xác định vào tối Chủ nhật (12/2). Vật thể không xác định mới nhất đã bị bắn hạ trên Hồ Huron của tiểu bang Michigan vào ngày 12/2. Dưới đây là những thông tin mà chúng ta biết về bốn vật thể này tính đến thời điểm hiện tại.

Ngày 4/2: Khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ

Ban đầu, truyền thông đưa tin đây là “vật thể không xác định” (unidentified) cho đến khi giới chức Mỹ tiết lộ đó là một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Theo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, khinh khí cầu này đã vi phạm chủ quyền của Mỹ khi tiến vào không phận Mỹ mà không có sự cho phép.

Sau khi được người dân gần Billings, tiểu bang Montana phát hiện, khinh khí cầu cao 61 mét này đã được các quan chức Mỹ cho phép đi dọc Hoa Kỳ với lý do lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, khinh khí cầu cơ động này đã bay qua các căn cứ không quân nhạy cảm và hầm chứa tên lửa hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Khinh khí cầu Trung Quốc đã trôi dạt về phía đông theo hướng Đại Tây Dương trước khi một máy bay chiến đấu của Mỹ F-22 bắn hạ ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, vào khoảng 2 giờ 39 phút chiều (theo giờ địa phương). Vào thời điểm đó, khinh khí cầu này đang lơ lửng ở độ cao khoảng 15.000 - 18.000 mét trong tầng bình lưu. Không có hoạt động giao thông hàng không thương mại nào diễn ra ở tầm cao này, vì các máy bay thương mại thường bay ở độ cao từ 10.000 – 12.800 mét.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), Bộ chỉ huy quân sự kết hợp giữa Mỹ và Canada ở khu vực Bắc Mỹ, đã theo dõi khinh khí cầu trong suốt thời gian này. Các quan chức cho biết, khinh khí cầu này có nguồn gốc từ Trung Quốc đã đi vào không phận Mỹ qua tiểu bang Alaska vào ngày 28/1. Nó bay qua Canada trước khi quay trở lại Mỹ vào ngày 31/1.

Hôm 4/2, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu này ở những địa điểm không gây nguy hiểm cho những người dân trên mặt đất. Do đó, Quân đội Mỹ đã bắn hạ khí cầu này trên không.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với The Epoch Times rằng, khinh khí cầu này có khả năng thu thập tín hiệu liên lạc.

Hôm 3/2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Tướng Pat Ryder tuyên bố rằng khinh khí cầu này cũng mang theo một "trọng tải lớn bên dưới bộ phận do thám”.

Sau đó, một quan chức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy khinh khí cầu này mang một trọng tải có khả năng gây hại.

"Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ loại vật liệu năng lượng hoặc có khả năng tấn công nào”, vị quan chức FBI nói với tờ Reuters.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đó chỉ là một khí cầu dân sự chủ yếu để nghiên cứu thời tiết, vô tình bị gió thổi chệch hướng nên mới “đi lạc” vào không phận Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cho biết, một đánh giá về những chi tiết còn sót lại của khinh khí cầu cho thấy nó được trang bị cánh quạt và bánh lái để đổi hướng. Ngoài ra, thiết bị bay này có khả năng tăng tốc, giảm tốc, đổi hướng và lơ lửng. Khí cầu này di chuyển chủ yếu nhờ vào sự chuyển động của không khí trong các luồng phản lực, mặc dù nó sẽ bị hạn chế khi di chuyển trong luồng này.

Trong một tuyên bố hôm 7/2, ông Ryder cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã từ chối yêu cầu điện đàm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin để trao đổi về vụ việc khinh khí cầu bị bắn rơi.

Ông nói: “Đường dây liên lạc giữa quân đội hai nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những thời điểm như thế này. Thật không may, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi vẫn duy trì cam kết về việc mở các đường dây liên lạc".

Ông John Kirby, Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng các khinh khí cầu tương tự khác trước đây đã vào không phận Hoa Kỳ: ba lần dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và một lần kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Ông Kirby cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với các quan chức chủ chốt của chính phủ tiền nhiệm và cung cấp cho họ các bản tóm tắt về điều tra pháp y mà chúng tôi đã tiến hành. Đồng thời, chúng tôi cũng bày tỏ sự sẵn sàng trong việc chia sẻ về những điều chúng tôi phát hiện ra”.

Trong một cuộc họp báo sau đó, Tướng Không quân Glen VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ đã dựa trên tuyên bố của ông Sullivan và nói rằng, sự thiếu hiểu biết của Lầu Năm Góc về khinh khí cầu là “lỗ hổng nhận thức”. Chính vì vậy nên Mỹ mới không thể phát hiện ra các vụ xâm nhập bằng khí cầu trước đây của Trung Quốc.

Ngày 10/2: Vật thể cỡ ô tô nhỏ bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Alaska

Vào khoảng 1 giờ 45 phút chiều (theo giờ địa phương) ngày 10/2, hai chiếc máy bay chiến đấu F-22 đã bắn hạ một vật thể bay không xác định trên vùng biển của Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển phía bắc Alaska.

Vật thể này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 9/2. Nó lơ lửng ở độ cao khoảng 12.000 mét - cũng là tầm hoạt động của các máy bay thương mại. Giới chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ vật thể này sau khi xác định nó là "mối đe dọa chính đáng" đối với sự an toàn của các chuyến bay dân sự.

Cùng ngày, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra cảnh báo cấm bay qua không phận tiểu bang Alaska vì vật thể này đang hiện hữu tại đây. Sau đó, nó bị bắn hạ bằng tên lửa AIM-9X Sidewinder. Đây cũng là loại tên lửa đã bắn rụng khinh khí cầu do thám Trung Quốc hôm 4/2.

Ông Kirby cho biết vật thể này đã bị bắn hạ vì "quá thận trọng". Ông nói thêm: "Đây là một vật thể. Tôi xin nói rõ rằng: Hiện tại tôi không phân loại nó là một khinh khí cầu. Nó là một vật thể. Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu thêm về vật thể này".

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Ryder cho biết, vật thể này có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ và không hề giống với khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng "không có dấu hiệu nào cho thấy thiết bị này có người lái" và "không có dấu hiệu nào cho thấy nó có thể di động vào thời điểm này".

Ông nói với các phóng viên vào ngày 10/2: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa có thêm thông tin gì liên quan tới tính năng, mục đích, hay nguồn gốc của vật thể nói trên”.

Ông cho biết thêm, các lực lượng chuyên trách đang thu thập mảnh vỡ của vật thể rơi trên mặt băng trong vùng lãnh hải Hoa Kỳ.

Ngày 11/2: Vật thể 'hình trụ' bị bắn hạ trong không phận Canada

Vào ngày 11/2, một vật thể hình trụ không xác định đã bị một máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ trên bầu trời Yukon, giáp ranh với Alaska ở phía tây bắc Canada. Hoạt động này là một phần của chiến dịch phối hợp giữa NORAD và Canada. Đây là vật thể không xác định đầu tiên bị bắn rơi trong không phận Canada.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người đã ra lệnh bắn hạ vật thể, tuyên bố rằng vật thể này đã xâm nhập bất hợp pháp vào không phận Canada và gây ra "mối đe dọa chính đáng đối với máy bay dân sự”. Ông cũng cho biết, các đội thu hồi đang tìm kiếm và phân tích vật thể này.

Theo ông Ryder, một chiếc F-22 của Mỹ đã "bắn hạ vật thể trên lãnh thổ Canada bằng tên lửa AIM 9X với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Mỹ và Canada”.

Hôm 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết, vật thể này được phát hiện đang bay ở độ cao khoảng 12.000 mét và bị bắn hạ vào lúc 3 giờ 41 phút tối (theo giờ địa phương) "ở trung tâm lãnh thổ Yukon của Canada và cách biên giới Mỹ khoảng 160 km”.

Bà nói thêm rằng "đây là lần đầu tiên một vật thể trên không đã bị bắn hạ trong một chiến dịch của NORAD”.

Bà cho hay: “Vào thời điểm này, chúng tôi không có thêm thông tin nào về vật thể, ngoài chi tiết nó trông giống như một vật thể hình trụ nhỏ và nhỏ hơn vật thể đã bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển [Nam] Carolina”.

Ngày 12/2: Vật thể ‘hình bát giác' bị bắn hạ trên Hồ Huron

Hôm 12/2, Lầu Năm Góc xác nhận rằng một máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã bắn hạ một vật thể bằng một tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9x vào lúc 2 giờ 42 phút chiều (theo giờ địa phương). Trước khi bị bắn hạ, vật thể này đang lơ lửng ở độ cao khoảng 6.100 mét trong không phận Hồ Huron, tiểu bang Michigan.

"Quỹ đạo và độ cao của nó đã dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt là việc nó có thể gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng. Vị trí được chọn để thực hiện vụ bắn hạ này cho phép chúng tôi giảm thiểu tác động đối với những người trên mặt đất, đồng thời tăng cơ hội thu hồi các mảnh vỡ. Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ thường dân nào bị thương hoặc bị ảnh hưởng”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

NORAD đã phát hiện ra vật thể này vào sáng ngày 12/2. Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) xác nhận trong một tuyên bố rằng căn cứ vào quỹ đạo và dữ liệu của vật thể, có khả năng nó giống với vật thể xuất hiện trên radar ở tiểu bang Montana hôm thứ Bảy (11/2), đã bay "gần các địa điểm nhạy cảm của [Bộ Quốc phòng]".

"Chúng tôi không coi đó là mối đe dọa quân sự đối với bất kỳ thứ gì trên mặt đất, nhưng chúng tôi coi đó là mối nguy hiểm đối với an toàn bay và là mối đe dọa do khả năng do thám tiềm ẩn của nó. Nhóm của chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi vật thể để tìm hiểu thêm”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/2 với đài Fox News, Dân biểu Jack Bergman đã mô tả vật thể mới nhất có “cấu trúc hình bát giác”.

Hôm 12/2, Cục Hàng Không Liên bang Mỹ (FAA) xác nhận với The Epoch Times rằng, họ đã đóng cửa một phần không phận trên Hồ Michigan một thời gian ngắn “để hỗ trợ các hoạt động của Bộ Quốc phòng". Sau một thời gian ngắn, FAA thông báo "Không phận hiện đã mở cửa trở lại”.

Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cũng xác nhận nội dung tương tự.

"Để hỗ trợ các hoạt động của Bộ Quốc phòng, FAA đã tạm thời đóng cửa một phần không phận trên Hồ Michigan vào khoảng 12 giờ trưa (theo giờ địa phương) ngày 12/2/2023”, một phát ngôn viên của FAA nói với The Epoch Times hôm 12/2.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các vật thể bay bị bắn hạ trong không phận Bắc Mỹ - Chúng ta biết những gì?