Căng thẳng biên giới Ba Lan - Belarus làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang vũ trang ở cửa ngõ châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tháng qua, thành viên NATO - Ba Lan - đã tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Belarus, một đồng minh thân cận của Nga. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng với sự hậu thuẫn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đức sẵn sàng hỗ trợ Ba Lan bảo vệ sườn phía đông của liên minh quân sự này.

Ngày hôm sau, Đặc phái viên của Moscow tại Minsk, ông Boris Gryzlov, cảnh báo rằng Nga và Belarus, vốn có ràng buộc bởi liên minh quân sự song phương, sẵn sàng đẩy lùi mọi mối đe dọa đối với an ninh tập thể của họ.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Gryzlov: "Warsaw và phương Tây nói chung nên nhận ra rằng chúng tôi sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ mối đe dọa nào... Chúng tôi có đủ khả năng để làm điều đó”.

"Bước đầu tiên của quân đội NATO hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác qua biên giới Belarus sẽ là bước cuối cùng của họ".

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, hợp tác quân sự giữa Moscow và Minsk đã tăng lên đáng kể. Năm ngoái, Moscow đã gửi hàng nghìn binh sĩ và khí tài quân sự trọng yếu tới Belarus.

Đầu năm nay, Moscow tiết lộ ý định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus. Hồi tháng 6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố nước này đã nhận được một số vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga.

Ba Lan: Sự hiện diện của Wagner ở Belarus là một sự 'Khiêu khích'

Căng thẳng dọc theo đường biên giới dài hơn 400 km đã gia tăng với sự hiện diện gần đây của Tập đoàn Wagner Nga ở Belarus, nơi họ đang hỗ trợ huấn luyện quân đội Belarus.

Khóa huấn luyện diễn ra tại một địa điểm quân sự gần biên giới Ba Lan.

Tháng trước, thủ lĩnh của Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, cùng với hàng nghìn chiến binh, đã phát động một cuộc binh biến ngắn ngủi nhằm đe dọa Moscow.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng bị dập tắt sau khi ông Lukashenko làm trung gian cho một thỏa thuận giảm leo thang giữa ông Prigozhin và Moscow.

Theo thỏa thuận, các chiến binh Wagner được phép chuyển đến Belarus, làm dấy lên lo ngại rằng sự hiện diện của họ có thể gây bất ổn cho một khu vực vốn đã căng thẳng.

Ông Stanislaw Zaryn, Thứ trưởng Bộ Điều phối các lực lượng đặc biệt của Ba Lan, hồi đầu tháng 7 cho biết: "Chúng tôi cho rằng Wagner tới Belarus để thực hiện một nhiệm vụ chứ không phải để hồi phục sức khỏe".

"Nhiệm vụ này có thể nhằm vào Ba Lan, nhưng cũng có thể nhắm vào Litva hoặc Ukraine”, ông lập luận.

Warsaw đã công bố kế hoạch triển khai thêm lực lượng quân sự gần biên giới Belarus để đối phó với sự hiện diện của các chiến binh Wagner.

Ông Zbigniew Hoffmann, người đứng đầu ủy ban an ninh của chính phủ Ba Lan, cho biết Warsaw đã quyết định "di chuyển đội hình quân sự từ phía tây sang phía đông Ba Lan" để đối phó với "các mối đe dọa tiềm ẩn".

Phát biểu với hãng thông tấn PAP của Ba Lan ngày 19/7, ông Hoffman tiếp tục mô tả sự hiện diện của Tập đoàn Wagner là một “sự khiêu khích”.

Đây không phải là hoạt động triển khai quân sự đầu tiên kiểu này ở Ba Lan.

Sau khi cuộc nổi dậy của ông Prigozhin thất bại, Warsaw đã cử 500 sĩ quan tới biên giới Belarus. Một tuần sau, Ba Lan xác nhận triển khai khoảng 1.000 binh sĩ ở phía đông đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết: "Đó là minh chứng cho thấy chúng tôi sẵn sàng đáp trả những nỗ lực gây bất ổn gần biên giới".

Để mắt đến 'Lãnh thổ lịch sử'

Tuy nhiên, Moscow và Minsk nhìn việc triển khai quân đến biên giới Ba Lan từ một góc độ khác, cho thấy Warsaw có thể có những động cơ thầm kín.

Tại cuộc họp ngày 21/7 của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ba Lan đã ấp ủ tham vọng lâu dài ở Belarus và Ukraine.

Ông cho rằng Warsaw đang cố gắng thành lập một "liên minh" dưới sự bảo trợ của NATO với mục đích "can thiệp trực tiếp vào Ukraine để giành 'miếng bánh' lớn hơn cho mình".

Ông Putin cũng ám chỉ về một âm mưu bị cáo buộc của phương Tây nhằm thành lập một lực lượng chung Ba Lan-Litva. Lực lượng này có nhiệm vụ chiếm đóng miền tây Ukraine.

Ông tuyên bố rằng lực lượng này, bao gồm cả các phần tử Ukraine, sẽ tiến vào miền tây Ukraine dưới vỏ bọc "lực lượng gìn giữ hòa bình" nhưng trên thực tế sẽ được sử dụng "để chiếm đóng các vùng lãnh thổ này".

“Nếu các đơn vị Ba Lan tiến vào Lviv hoặc một số vùng lãnh thổ khác ở Ukraine, họ sẽ ở lại đó mãi mãi”, ông Putin khẳng định.

Ông cũng trích dẫn tiền lệ lịch sử, tuyên bố rằng quân đội Ba Lan đã kiểm soát khu vực Lviv phía tây Ukraine sau Thế chiến I.

Ngày 22/7, ông Gryzlov cho biết đợt triển khai lực lượng gần đây của Ba Lan có thể được coi là "sự chuẩn bị cho... các hành động xâm lược trên quy mô lớn hơn".

Ông cũng lặp lại tuyên bố của ông Putin rằng Ba Lan "muốn can thiệp vào Ukraine dưới sự bảo trợ của NATO để giành lại cái gọi là lãnh thổ lịch sử ở phía tây Ukraine và có thể là một phần của Belarus”.

Vấn đề này cũng hiện diện trong các cuộc thảo luận gần đây giữa ông Putin và ông Lukashenko, người đã có chuyến thăm ba ngày tới Nga vào tuần trước.

Theo hãng tin TASS, ông Lukashenko đã nói với người đồng cấp Nga hôm 23/7 rằng “sự chia cắt miền tây Ukraine, sự chia cắt đất nước Ukraine, là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”.

Trước những tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói với các phóng viên ngày 24/7 rằng: "Chính Nga chứ không phải Ba Lan mới là quốc gia duy nhất trong khu vực không chỉ thể hiện dã tâm mà còn sẵn sàng xâm lược các nước láng giềng".

"Tôi xin nhấn mạnh quan hệ đồng minh mạnh mẽ của chúng tôi với Ba Lan. Ba Lan là một thành viên của NATO và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO nếu cần thiết".

Một biển báo ở thành phố Lviv, Ukraine, vào ngày 25/3/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)
Một biển báo ở thành phố Lviv, Ukraine, vào ngày 25/3/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

'Liên minh thiện chí’

Đây không phải là lần đầu tiên Nga cáo buộc Ba Lan đã ấp ủ kế hoạch lâu dài ở miền tây Ukraine.

Hồi tháng 4/2022, ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, tuyên bố rằng Moscow biết về các kế hoạch bí mật giữa Warsaw và Washington nhằm nhằm duy trì "sự kiểm soát quân sự và chính trị của Ba Lan đối với 'lãnh thổ lịch sử' của họ ở Ukraine”.

Ông Naryshkin cho biết theo kế hoạch, lực lượng Ba Lan sẽ tiến vào miền tây Ukraine dưới chiêu bài "bảo vệ nước này trước sự xâm lược của Nga".

Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng kế hoạch sẽ được thực hiện bởi một “liên minh thiện chí” và sẽ không cần sự cho phép của NATO.

Phản ứng trước những tuyên bố trên, ông Zaryn nói rằng "những lời dối trá về cáo buộc Ba Lan có kế hoạch tấn công miền tây Ukraine đã được lặp đi lặp lại trong nhiều năm".

"Mục đích của hoạt động tuyên truyền này của Nga là để thúc đẩy sự ngờ vực giữa Ukraine và Ba Lan".

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Litva, cựu Tổng thư ký liên minh NATO, ông Anders Rasmussen, cho biết các thành viên NATO có thể sẽ tự gửi quân tới Ukraine nếu liên minh này “không thể thống nhất về một con đường rõ ràng cho Ukraine [gia nhập NATO]”.

Ông nói với tờ The Guardian của Anh vào ngày 7/6: “Có khả năng một số quốc gia sẽ hành động riêng lẻ”.

Đặc biệt, Ba Lan "rất quan tâm đến việc cung cấp hỗ trợ cụ thể cho Ukraine", theo ông Rasmussen.

Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài hơn 530 km với Ukraine, là một trong những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

Ông Rasmussen, nhà lãnh đạo NATO từ năm 2009 cho biết: “Tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ can dự mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh này... và được các nước vùng Baltic nối gót, có thể bao gồm cả khả năng triển khai lực lượng bộ binh”.

Các quốc gia vùng Baltic mà ông Rasmussen trích dẫn cũng chính là các thành viên NATO, gồm: Estonia, Latvia và Litva, đều là những đồng minh nhiệt thành của Ukraine.

Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Litva, Ukraine đã hy vọng nhận được lời mời tham gia liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Nhưng cuối cùng, nước này thất vọng khi chỉ nhận được những lời hứa mơ hồ về khả năng trở thành thành viên trong tương lai.

Ông Rasmussen gần đây nói với tờ The Guardian rằng nếu Kyiv "không đạt được kết quả gì" tại hội nghị thượng đỉnh NATO, thì Warsaw có thể xem xét triển khai binh lính tới Ukraine như một phần của "liên minh thiện chí".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng biên giới Ba Lan - Belarus làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang vũ trang ở cửa ngõ châu Âu