Cầu thủ bóng rổ Dwight Howard xin lỗi Trung Quốc vì gọi Đài Loan là ‘quốc gia’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dwight Howard, cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ, gần đây đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi về chính sách đối ngoại quốc tế khi ông gọi Đài Loan là “quốc gia”.

Ông Howard đã vào vai chính trong một quảng cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan. Trong quảng cáo, được phát hành hôm thứ 5 (11/05), cầu thủ bóng rổ nói: "Tôi là Dwight Howard và kể từ khi đến Đài Loan, tôi đã có cái nhìn hoàn toàn mới về quốc gia này".

Ông Howard từng là tay chơi cho đội Los Angeles Lakers của Mỹ. Mới đây, ông đã kết thúc mùa giải đầu tiên ở giải bóng rổ T1 của Đài Loan, chơi cho đội Taoyuan Leopards. Trong video quảng bá ngành du lịch Đài Loan, ông Howard bày tỏ sự cảm kích của mình đối với lòng hiếu khách mà ông nhận được ở quốc đảo.

“Vùng đất này khiến tôi cảm thấy rất yêu mến và tôi cảm nhận được rất nhiều lòng hiếu khách, với môi trường sống thân thiện tuyệt vời, với một nền văn hóa đa dạng tuyệt vời”, ông nói.

Cầu thủ bóng rổ Howard đã đóng quảng cáo cùng với Phó Tổng thống Đài Loan William Lai. Trong quảng cáo, ông Howard nói về việc sẽ có thể gặp gỡ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khi đi ăn nhẹ vào đêm muộn trong một cơ hội được ở một đêm tại Dinh Tổng thống Đài Loan.

“Thật là phấn khích! Tôi thậm chí không biết liệu điều đó có hợp pháp ở nước tôi hay không”, ông Howard nói.

“Đó là lý do tại sao Đài Loan là một quốc gia tự do”, ông Lai trả lời.

“Tôi thích điều này”, cầu thủ Howard đáp lại.

Bên kia eo biển Đài Loan, tại Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa, quảng cáo này đã trở thành mục tiêu chỉ trích. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của CHND Trung Hoa.

Mặc dù CHND Trung Hoa chưa bao giờ nắm quyền kiểm soát hành chính đối với Đài Loan, các quan chức ĐCSTQ coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai và thường nêu quan điểm phải “thống nhất” Đài Loan. Các quan chức ĐCSTQ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được sự thống nhất này; họ cũng thường xuyên triển khai các lực lượng quân sự xung quanh Đài Loan.

Việc ông Howard cùng Phó Tổng thống Đài Loan liên tục đề cập đến Đài Loan như một quốc gia đã tạo ra ấn tượng rằng quảng cáo là lời tuyên bố gián tiếp về nền độc lập của Đài Loan.

Hashtag #HowardTaiwanindependence (#HowardDaiLoandoclap) đã lan truyền rộng rãi trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút gần 400 triệu lượt truy cập vào hôm thứ 6.

Phải xin lỗi

Thứ 6 (12/05), một ngày sau khi quảng cáo được phát hành, ông Howard đã phải lên tiếng xin lỗi Trung Quốc.

Cầu thủ bóng rổ nói rằng từ "quốc gia" (country) là cách biểu đạt mang tính thường nhật, tính đối thoại (văn nói), và những gì ông nói không nhất thiết là một tuyên bố rằng Đài Loan là quốc gia độc lập.

“Tại quê hương tôi, nếu tôi nói tôi muốn đến một đất nước/quốc gia (country), điều đó không có nghĩa nơi đó là một quốc gia. Đó chỉ là cách chúng tôi nói chuyện", ông nói với các phóng viên Đài Loan, theo CNN.

“Nếu tôi xúc phạm bất cứ ai ở Trung Quốc, tôi xin lỗi. Tôi không có ý định làm hại bất cứ ai với những gì mà tôi nói trong quảng cáo. Tôi không phải là một chính trị gia. Tôi không muốn tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào. Tôi vô cùng tôn trọng người Trung Quốc và người Đài Loan, tôi không bao giờ có ý định thiếu tôn trọng bất kỳ ai”, ông Howard nói.

Phản ứng của Trung Quốc đối với những gì cầu thủ bóng rổ Howard nói về Đài Loan và lời xin lỗi sau đó của ông ấy tương tự như phản ứng của họ trong một vụ việc năm 2021, khi đô vật chuyên nghiệp kiêm diễn viên John Cena gọi Đài Loan là một quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 08/05/2021 để quảng bá cho phần mới nhất của loạt phim “Fast & Furious”, ông Cena nói: “Đài Loan là quốc gia đầu tiên [trên thế giới] sẽ chiếu Fast & Furious 9 (F9)”. Câu nói này đã thu hút sự chú ý của khán giả Trung Quốc, bao gồm cả hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times. Ông Cena đã phải làm một video xin lỗi ngay sau đó.

“Tôi đã mắc lỗi. Ngay bây giờ, tôi phải nói một điều rất, rất, rất quan trọng”, ông Cena nói bằng tiếng Quan Thoại. “Tôi yêu và tôn trọng Trung Quốc cùng người dân Trung Quốc. Tôi rất, rất xin lỗi về sai lầm của mình. Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, tôi rất lấy làm tiếc. Các bạn phải hiểu rằng tôi rất yêu mến, rất kính trọng Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc".

Nhiều người hâm mộ người Mỹ của ông Cena đã lên tiếng chỉ trích ông vì đã làm vui lòng ĐCSTQ bằng video xin lỗi đó.

Nhiều quan chức Mỹ bị đe dọa vì ủng hộ Đài Loan

Nhiều nhà lập pháp ở Mỹ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích và đe dọa từ Bắc Kinh vì đã gặp gỡ và thể hiện sự ủng hộ của họ dành cho giới chức Đài Loan.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mang tính phô trương lực lượng xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi (Dân chủ - California) đến thăm quốc đảo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên án người kế nhiệm bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California), sau khi ông tiếp đón bà Thái Anh Văn tại California vào tháng 4 vừa qua.

“Đây là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và các điều khoản trong 3 thông cáo chung Trung - Mỹ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiếp đón bà Thái Anh Văn. “Nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời gửi một tín hiệu cực kỳ sai lầm tới các lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’. Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ điều đó”.

Cùng khoảng thời gian ông McCarthy gặp bà Thái ở Hoa Kỳ, Dân biểu Michael McCaul (Cộng hòa - Texas) đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội Mỹ đến Đài Loan. Vào thứ 6, ông McCaul nói với NTD News rằng ông từng nhận được email đe dọa từ ĐCSTQ, yêu cầu ông không được đến thăm Đài Loan.

“Khi tôi đặt chân lên hòn đảo [Đài Loan], tôi nhận được thông báo từ quân đội của chúng tôi rằng họ [Trung Quốc] đang bắt đầu bao vây hòn đảo bằng đội tàu chiến của họ, 10 chiếc, bao gồm một tàu sân bay, và 70 máy bay chiến đấu vào thời điểm đó; 2 ngày sau, khi chúng tôi đang rời đi, họ đã bao vây toàn bộ hòn đảo. Và họ đã cố đe dọa tôi, nhưng chúng tôi sẽ không để họ đe dọa mình”, ông McCaul nói.

"Và sau đó, cuối cùng, khi rời khỏi đất nước [Đài Loan], tôi được thông báo rằng tôi đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc trừng phạt, nhưng [sự thật là] tôi có quyền đến thăm Tổng thống Thái Anh Văn theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Và thành thật mà nói, tôi xem đó [việc bị trừng phạt] như một huy hiệu danh dự”, ông nói thêm.

Dân biểu Ashley Hinson (Cộng hòa - Iowa) cũng nói về việc từng nhận được email đe dọa tương tự vì đã gặp gỡ các quan chức Đài Loan.

“Tôi nghĩ rằng những kẻ bắt nạt ấy [Trung Quốc], họ phản ứng khi đối mặt với sức mạnh. Và phản ứng của tôi với họ là họ không thể điều khiển tôi sẽ gặp ai hoặc sẽ gặp ở đâu”, bà nói.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cầu thủ bóng rổ Dwight Howard xin lỗi Trung Quốc vì gọi Đài Loan là ‘quốc gia’