Châu Âu: Giá năng lượng tăng, Phá sản và nỗi lo cùng tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá năng lượng tăng cao đang đẩy nhiều doanh nghiệp ở châu Âu vào phá sản, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lo lắng về khả năng sinh tồn.

Giá năng lượng tăng cao

Chỉ số giá sản xuất tại Đức trong tháng 10/2022 cho thấy giá năng lượng đã tăng trung bình 85,6% so với cùng kỳ 2021.

Tại Anh, giá điện cho các tổ chức và doanh nghiệp đã tăng trung bình 45% trong quý II/2022 so với cùng kỳ 2021. Giá khí đốt tăng bình quân 98%.

Trong một sự kiện ngoại lệ tại Anh, hãng kinh doanh năng lượng Vitol đã bán điện phát vào chiều thứ Hai 12/12 với giá gấp khoảng 100 lần mức giá thông thường trước cuộc khủng hoảng năng lượng, theo Bloomberg đưa tin.

"Khi thời tiết lạnh giá trùng hợp với sức phát điện gió cực thấp, các nhà máy khí đốt linh hoạt sẽ có phản ứng để củng cố an ninh cung cấp điện của nước Anh, và việc này có thể ở mức giá cao", người phát ngôn của VPI — công ty sản xuất điện tại Anh của Vitol — chia sẻ với Bloomberg.

Tốc độ gió thấp đồng nghĩa với việc sản lượng điện gió giảm mạnh cần được bù đắp bằng điện sản xuất từ khí đốt. Giá khí đốt tiêu chuẩn của Anh cũng đã tăng khi nhu cầu tăng cao.

Thiếu khí đốt trong thời gian tới

Nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên chính của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) là Nga, chiếm 46% (khoảng 176 tỷ mét khối) lượng khí đốt nhập khẩu vào khối này trong năm 2018.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ra cảnh báo vào tháng 11/2022 rằng, nếu châu Âu không có khí đốt của Nga, và nếu mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trở lại bình thường, thì châu Âu sẽ thâm hụt 30 tỷ mét khối khí đốt vào mùa hè 2023 — vốn là thời điểm quan trọng để đong đầy kho chứa khí đốt.

Thêm vào đó, "Mỹ và Qatar, các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, sẽ có thêm công suất sau năm 2025, giúp giảm bớt nguy cơ khủng hoảng nguồn cung, nhưng không thể giúp châu Âu có một đợt cung khí đốt mới cho mùa đông [2023] tới hoặc mùa đông [2024] sau đó", một bài viết trên OilPrice đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình nguồn cung.

Phá sản

Tại Đức, số doanh nghiệp phá sản trong tháng 11/2022 đã tăng 1,2% so với tháng 10, theo Cục Thống kê Đức Destatis cho biết. Trước đó, số doanh nghiệp phá sản trong tháng 10 đã tăng 18,4% so với tháng 9.

Tại Anh, số doanh nghiệp phá sản trong tháng 11 đã tăng 21% so với cùng kỳ 2021, và tăng 35% so với trước đại dịch (tháng 11/2019).

"Giá năng lượng tăng sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận trên tất cả các ngành, tại cấp độ EU, và mức độ tác động phụ thuộc vào ngành và vào quốc gia. Châu Âu phải đối mặt với sự suy giảm tổng thể về lợi nhuận khoảng 20% do giá năng lượng tăng cao", theo PwC cho biết trong một báo cáo.

"Trong tương lai, nhiều công ty có thể quyết định cải tổ lại hoạt động sản xuất của họ trong châu Âu hoặc chuyển hẳn ra khỏi châu Âu", theo Andreas Späne — Giám đốc Strategy& khu vực châu Âu của PwC — cho hay.

Các doanh nghiệp đang lần lượt ngừng sản xuất: nhà sản xuất giấy vệ sinh trăm năm tuổi Hakle của Đức đã nộp đơn phá sản do chi phí năng lượng tăng vọt. Hãng sản xuất thép ArcelorMittal đã đóng cửa một phần hoạt động của mình tại Đức, với lý do "giá khí đốt và điện tăng gấp 10 lần". Những công ty khác thì đang cân nhắc di dời địa điểm, ví dụ như Volkswagen.

Nỗi lo phá sản trong tương lai

Những doanh nghiệp còn đang hoạt động thì quan ngại về tương lai.

40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Anh đang lo lắng về khả năng phá sản do suy thoái kinh tế, theo khảo sát được MoneyTransfers.com công bố vào tháng 11/2022.

Tại Ireland, 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ lo rằng sẽ phải đóng cửa vào năm 2023 do chi phí kinh doanh tăng cao, theo một cuộc khảo sát được Wise Business công bố vào cuối tháng 11.

Cũng trong tháng 11, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại Đức lo ngại về sự sống còn của mình. 12,4% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hóa chất, và 9,8% trong ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa cho rằng sự sống còn của mình bị đe dọa, theo Viện ifo cho hay.

Khủng hoảng năng lượng có thể cắt giảm đến hơn 30% sản lượng ô tô mỗi quý tại châu Âu từ nay cho đến cuối năm 2023, theo S&P Global Mobility dự báo. Một số mảng sản xuất "đang trở nên không có lợi đến mức các doanh nghiệp chỉ đơn giản là đóng cửa", theo Edwin Pope — Chuyên gia phân tích chính, bộ phận Vật liệu & Trọng lượng nhẹ tại S&P Global Mobility — cho hay.

Nhiều hộ gia đình đang cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi điều này bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Tại Anh, 68% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng khách hàng sẽ không còn khả năng mua sản phẩm của mình nữa, theo khảo sát gần đây của Nucleus Commercial Finance.

Tại Thụy Sĩ, 36% các nhà bán lẻ nhận xét rằng, khách hàng đang mua sắm bớt thường xuyên hơn và chi tiêu ít hơn, theo một cuộc khảo sát được công bố vào cuối tháng 11 bởi SumUp. Những quan sát tương tự cũng đã được ghi nhận ở Anh, Pháp, Ý, và Đức, theo SumUp lưu ý.

Tại Đức, những người được Reuters phỏng vấn cho biết mình đang trì hoãn các quyết định chi tiêu trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

45% số người trưởng thành tại Anh dự đoán mình có thể phải sử dụng phần lớn tiền tiết kiệm vào mùa đông này, khi mà 34% phải vật lộn để chi trả cho thực phẩm và 36% số phụ huynh cho rằng mình sẽ không đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc con cái, theo báo cáo của LifeSearch được công bố vào giữa tháng 11.

LifeSearch cho rằng những diễn biến này "không có gì là ngạc nhiên", vì họ nhận thấy nhiều người dân Anh đã "gần đến giới hạn rồi".

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu: Giá năng lượng tăng, Phá sản và nỗi lo cùng tăng