Chuyên gia: Các biện pháp Liên minh Châu Âu đề xuất không giải quyết được khủng hoảng năng lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Liên minh Châu Âu chính thức công bố đề xuất các biện pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, chúng đã bị chỉ trích là sẽ không mang về thêm chút khí đốt nào cho châu lục này.

Những quan ngại

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố một gói các biện pháp can thiệp vào thị trường năng lượng trong một bài phát biểu hôm 14/9/2022, trong đó lên kế hoạch huy động hơn 140 tỷ euro để chống lại giá năng lượng tăng cao bằng cách rút lấy doanh thu từ các công ty điện và khiến các công ty sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch chia sẻ lợi nhuận.

Tiến sĩ Olivér Hortay Trưởng Bộ phận Kinh doanh Năng lượng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Századvég ở Hungary đã nêu lên quan ngại rằng các biện pháp mà Ủy ban Châu Âu công bố "đặt ra nhiều câu hỏi hơn những gì chúng được mong đợi giải quyết".

Ủy ban Châu Âu đề xuất chính phủ các nước thành viên rút lấy doanh thu từ các công ty năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hạt nhân, và than non, bằng cách áp đặt giới hạn doanh thu ở mức 180 euro/MWh. Ủy ban Châu Âu cũng muốn thu thêm thuế từ các công ty dầu khí, than, và lọc dầu.

Tiến sĩ Hortay cho rằng việc soạn thảo các quy định về thuế là thẩm quyền của từng quốc gia thành viên, do đó đề xuất của Ủy ban Châu Âu gây ra một vấn đề về chủ quyền. Ngoài ra, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp tương tự, do đó, Tiến sĩ Hortay đặt câu hỏi làm thế nào để đề xuất từ trung ương Liên minh Châu Âu có thể hài hòa với các hệ thống mà các quốc gia thành viên hiện có.

Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cũng đề xuất "nghĩa vụ giảm tiêu thụ điện ít nhất 5% trong những giờ cao điểm nhất định".

Tiến sĩ Hortay lập luận rằng, vì giờ cao điểm thường vào cuối giờ chiều hoặc đầu giờ tối, khi hầu hết mọi người đi làm về và bắt đầu sử dụng các thiết bị điện, việc Ủy ban Châu Âu yêu cầu các hộ gia đình không sử dụng các thiết bị điện sau khi đi làm về là "cực kỳ lố bịch".

Ông cũng cho biết, việc sử dụng hỗn hợp năng lượng như thế nào là quyền tài phán của các quốc gia thành viên. Do đó, việc Ủy ban Châu Âu muốn bắt buộc giảm tiêu thụ điện cũng gây ra vấn đề về chủ quyền, và việc giảm tiêu thụ điện không thể được ra lệnh từ trung ương Liên minh.

Ngay cả khi bỏ qua hai luận điểm trên, thì Tiến sĩ Hortay cũng đặt ra câu hỏi về cách mà Liên minh Châu Âu có thể thực hiện và kiểm tra việc cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc.

Ông cho rằng "Nhiệm vụ của chính sách năng lượng là hỗ trợ để nhu cầu năng lượng được đáp ứng một cách chắc chắn, chứ không phải là giải thích cho người tiêu dùng lý do tại sao họ không thể có được năng lượng".

"Lời chỉ trích chính về gói này là việc đưa ra các đề xuất sẽ không cho nhiều khí đốt hơn đến được châu Âu, vì vậy chúng cùng lắm chỉ có thể làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng chúng sẽ không giải quyết được vấn đề chính của châu Âu", Tiến sĩ Hortay kết luận.

Vấn đề năng lượng trong các ngành công nghiệp

Phản ứng sau khi Ủy ban Châu Âu giới thiệu kế hoạch giải quyết khủng hoảng năng lượng, European Aluminium hiệp hội ngành nhôm ở châu Âu cho rằng các biện pháp khẩn cấp được đề xuất "là cần thiết nhưng không đủ để giúp ngành nhôm tồn tại trong mùa đông".

"Những biện pháp này là không đủ và sẽ không cứu được ngành công nghiệp nhôm sử dụng nhiều năng lượng khỏi việc cắt giảm sản lượng, mất việc làm, và có thể là sụp đổ hoàn toàn", hiệp hội cho biết thêm.

Trong một bức thư gửi các quan chức hàng đầu Liên minh Châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, hiệp hội ngành kim loại châu Âu Eurometaux đã cho biết rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là "mối đe dọa sống còn" đối với tương lai châu lục này.

Ngành phân bón châu Âu cũng đang chịu ảnh hưởng từ giá khí đốt tự nhiên gấp 15 lần mức trước khủng hoảng, gấp 10 lần mức giá của Mỹ, và cao hơn nhiều mức giá ở châu Á, hiệp hội phân bón châu Âu Fertilizers Europe cho biết vào tuần trước trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen.

"Đối với nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, hiện tại không có đề án kinh doanh nào cho phép tiếp tục sản xuất ở châu Âu, cũng không có tương lai trông thấy nào hay sự chắc chắn nào cho các khoản đầu tư và phát triển tiếp theo. Ảnh hưởng của việc đóng cửa cũng bắt đầu có tác động nghiêm trọng đến chuỗi giá trị của chúng tôi, gây nguy hiểm rộng rãi hơn cho nền công nghiệp châu Âu và sự có mặt của các sản phẩm thiết yếu", Fertilizers Europe cho biết.

Cũng trong tuần trước, trước khi Ủy ban Châu Âu đưa ra các đề xuất, Kristian Ruby Tổng thư ký hiệp hội ngành điện châu Âu Eurelectric cho biết: "Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt và việc chúng ta nghiện nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Các chính phủ nên tìm cách giải quyết vấn đề này thay vì sử dụng các biện pháp can thiệp đột xuất, méo mó vào thị trường điện. Song song đó, chúng tôi cũng khuyến khích các biện pháp đúng mực để tiết kiệm năng lượng trong mùa đông sắp tới".

Bước tiếp theo

Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu sẽ bỏ phiếu cho gói năng lượng này vào ngày 30/9/2022. Gói này cần có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên để được chính thức ban hành. Nhưng các quốc gia thành viên Liên minh đang không nhất trí với kế hoạch này.

Ba Lan phản đối việc thu thêm thuế đối với các công ty năng lượng trên toàn Liên minh Châu Âu, nhưng quốc gia này có thể đưa ra một giải pháp tương tự một cách độc lập, theo Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa cho biết.

Bồ Đào Nha thì không thấy cần thiết thu thêm thuế các công ty năng lượng vì quốc gia này đã đang áp dụng biện pháp tương tự, theo Bộ trưởng Tài chính Fernando Medina cho biết.

Giám đốc điều hành bộ phận Ngành công nghiệp Khí đốt châu Âu, Trung Đông, và châu Phi, thuộc mảng Thông tin chi tiết về Hàng hóa Toàn cầu của S&P Global chia sẻ với Financial Times rằng, các đề xuất mới của Ủy ban Châu Âu là "đều cực kỳ phức tạp" và "sẽ không thể hoàn thành và thực hiện kịp thời cho mùa đông ngay cả khi có sự đồng thuận chính trị đằng sau đó — mà điều này vốn không có".

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Các biện pháp Liên minh Châu Âu đề xuất không giải quyết được khủng hoảng năng lượng