Chuyên gia: ĐCSTQ đang 'gây chiến' với Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ đang gây chiến với Hoa Kỳ, nhưng phần lớn giới lãnh đạo chính trị và quân sự của nước Mỹ không nhận ra điều đó. Theo lời của tướng Robert Spalding, đó là bởi vì họ không được đào tạo để hiểu cách thức kết hợp của ĐCSTQ về năng lực kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ và truyền thông để tiến hành cuộc chiến không hạn chế chống lại Washington, đối thủ chính của Bắc Kinh.

Tôi đã nói chuyện với ông Spalding trong tập mới nhất của chương trình "Over the Target Live" về lý do tại sao thật khó để hiểu về bản chất và tầm quan trọng của mối đe dọa ĐCSTQ.

“Tôi đã phải tự nghiên cứu để nhận ra những hình mẫu này. Bởi vì đó là một cách thức suy nghĩ hoàn toàn khác và bộ não của chúng ta không được mã hóa để hiểu chiến tranh chính trị ở cấp độ như ĐCSTQ và Quân giải phóng nhân dân (PLA). Đó là cách họ được huấn luyện. Còn tôi đã được dạy về một kiểu chiến tranh khác", một sĩ quan Không quân đã nghỉ hưu lái máy bay ném bom tàng hình B-2 cho biết.

Theo ông Spalding, việc nghiên cứu chiến tranh chính trị của ĐCSTQ đòi hỏi ông phải “hiểu về bối cảnh chiến tranh, nó liên quan nhiều đến cảm xúc và tâm lý, cũng như kiểm duyệt tin tức".

Ông Spalding từng là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump và sau đó chuyển đến Nhà Trắng, nơi ông là giám đốc cấp cao về hoạch định chiến lược. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, ông quyết tâm giáo dục người Mỹ về cuộc chiến của ĐCSTQ chống lại phương Tây và vạch trần “những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lật đổ Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị và hệ tư tưởng trên thế giới”.

Theo ông Spalding, học thuyết quân sự cốt lõi của ĐCSTQ được phác thảo trong một cuốn sách nhỏ năm 1999 do hai đại tá Quân đội Giải phóng Nhân dân, Qiao Liang và Wang Xiangsui viết, có tên là Unrestricted Warfare (Chiến tranh không hạn chế). Trong cuốn sách được xuất bản gần đây của ông Spalding War Without Rules (Cuộc chiến bất quy tắc), ông đã giải mã học thuyết đó của ĐCSTQ và nhận định rằng, những lý luận khó khăn, dày đặc và quanh co dường như đã xác định đường lối của các chiến dịch không ngừng của Bắc Kinh chống lại Mỹ bằng mọi công cụ theo ý họ.

Ông Spalding giải thích, hai vị đại tá trên đã xây dựng chiến lược của ĐCSTQ để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 1996 ở eo biển Đài Loan.

“Khoảng thời gian là khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm tới eo biển Đài Loan vì ĐCSTQ đang bố trí tên lửa nhắm vào eo biển này, và ông Clinton muốn họ hạ gục nó", ông Spalding nói với “Over the Target Live”.

Ông Spalding nói, vì Trung Quốc đang phải đối mặt với “một cỗ máy chiến tranh đáng kinh ngạc", cho nên hai vị đại tá được giao nhiệm vụ đưa ra một học thuyết để đối phó với một Hoa Kỳ hùng mạnh.

Bài học cốt yếu mà họ rút ra là tránh xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ. Thay vào đó, ĐCSTQ đã dựa vào các công cụ do Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác cung cấp, chẳng hạn như quan hệ kinh tế và thương mại, cùng các thể chế quốc tế mà họ có thể chuyển hướng có lợi cho mình. Các đại tá nhận thấy rằng toàn cầu hóa và nền tảng thông tin rộng lớn được cung cấp bởi internet sẽ nâng cao thương hiệu chiến tranh của ĐCSTQ.

Như ông Spalding đã viết trong “Cuộc chiến bất quy tắc”, chiến tranh không hạn chế sử dụng “tất cả các phương tiện, bao gồm cả lực lượng vũ trang hoặc phi vũ trang, quân sự và phi quân sự, các phương tiện sát thương và phi sát thương để buộc kẻ thù chấp nhận sức ảnh hưởng của mình”. Quy tắc duy nhất trong chiến tranh không hạn chế, ông Spalding viết là "bất quy tắc".

Cho đến nay, chiến dịch thành công nhất của ĐCSTQ là sử dụng virus COVID-19. Trong “Cuộc chiến bất quy tắc”, ông Spalding phân biệt giữa suy đoán “rằng người Trung Quốc đã phát triển virus COVID-19 trong phòng thí nghiệm như một vũ khí sinh học” và “ĐCSTQ đã lợi dụng một cuộc khủng hoảng bất ngờ để thúc đẩy lợi ích của chính mình và làm tổn thương các đối thủ của họ".

Ông Spalding cho biết trong cuộc phỏng vấn với “Over The Target Live" rằng, "Nếu hiểu rõ bản chất của chiến tranh không hạn chế, quý vị có thể nhận thấy những gì ĐCSTQ đang làm với coronavirus. Đó không phải là vấn đề về virus, mà là gieo rắc nỗi sợ hãi rằng virus vẫn đang tồn tại. Và bởi vì mối liên hệ của ĐCSTQ với phương Tây, họ có thể tận dụng những mối liên hệ đó để đẩy nỗi sợ đó vào các xã hội phương Tây".

Để gieo rắc nỗi sợ hãi, ĐCSTQ đã sử dụng các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mà giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus được cho là chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ. Ông Spalding cho biết, khi Trung Quốc lần đầu tiên phong tỏa, WHO cho biết “Đây là điều chưa từng có. Đây không phải là một phần của giao thức đại dịch của chúng tôi”.

Và sau đó thông điệp của tổ chức đã thay đổi hướng đi, có vẻ như là do mối quan hệ của tổ chức với ĐCSTQ. Theo ông Spalding, WHO sau đó đã tuyên bố rằng việc phong tỏa đã ngăn chặn virus lây lan. "Vì vậy điều này đã khuyến khích phần còn lại của thế giới tự do về cơ bản chấp nhận các chính sách phong tỏa".

Một tổ chức khác mà ông Spalding trích dẫn là Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Imperial College London). Tổ chức này đã phát triển các mô hình dự báo phóng đại hoàn toàn về sự nguy hiểm của COVID-19 và sau đó đưa ra các nghiên cứu ca ngợi các cuộc phong tỏa của ĐCSTQ. Ông Spalding cho biết: "Bắc Kinh “đã trả hàng chục triệu USD cho Đại học Hoàng gia Luân Đôn. Bản thân ông Tập Cận Bình đã đến thăm Đại học Hoàng gia Luân Đôn vào năm 2015”.

Sử dụng các thể chế phương Tây làm công cụ chiến tranh chính trị để gieo rắc nỗi sợ hãi, ĐCSTQ đã định hình những quyết định cuối cùng nhằm hủy hoại nền kinh tế, cộng đồng, gia đình và cuộc sống của người dân Trung Quốc. Hơn nữa, các chiến thuật mà các quan chức phương Tây sử dụng như phong tỏa, kiểm duyệt báo chí và phương tiện truyền thông xã hội rộng rãi về quan điểm y tế thách thức các bản tường thuật chính thức của COVID và ép buộc tiêm vaccine, đã vi phạm các quyền tự do vốn là nền tảng của xã hội phương Tây.

Và đó chính xác là điểm mấu chốt của chiến dịch chiến tranh chính trị của ĐCSTQ - nhằm làm suy yếu vị thế của phương Tây với tư cách là người bảo vệ tự do. Theo ông Spalding, Bắc Kinh “đang gây chiến với các nguyên tắc dân chủ”.

Ông Spalding nói: “ĐCSTQ coi tự do là một mối đe dọa hiện hữu đối với họ. ĐCSTQ thường xuyên lo ngại rằng người dân của họ có thể bị thức tỉnh bởi những nguyên tắc tự do đang tồn tại. Và vì vậy họ làm mọi thứ có thể để đảm bảo tách biệt với phương Tây. Nhưng cách thực sự để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của họ là đảm bảo phương Tây không tồn tại với tư cách là một nền dân chủ”.

Câu hỏi đặt ra đối với Mỹ và các nền dân chủ phương Tây là, làm cách nào để chúng ta bảo vệ các nguyên tắc và dân tộc của mình trước một chế độ độc tài toàn trị, sẵn sàng sử dụng bất kỳ công cụ nào theo ý mình, kể cả những công cụ được phát triển vì mục đích hòa bình, để vây hãm chính chúng ta? Vấn đề còn phức tạp hơn bởi thực tế là phần lớn giai cấp thống trị phương Tây đã bị tổn hại bởi cuộc chiến không hạn chế của ĐCSTQ chống lại nước Mỹ, hoặc tệ hơn nữa là nhiều người còn sẵn sàng cộng tác với ĐCSTQ trong chiến dịch đó.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Tác giả Lee Smith là một nhà báo kỳ cựu có tác phẩm xuất hiện trong Real Clear Investigations, The Federalist và Tablet. Ông là tác giả của "Cuộc đảo chính vĩnh viễn" và "Âm mưu chống lại Tổng thống".



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: ĐCSTQ đang 'gây chiến' với Mỹ