Đài Loan có Tổng thống mới, Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cử tri Đài Loan đã chọn ra một nhà lãnh đạo mới trong cuộc bầu cử được tổ chức dưới cái áp lực lớn của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và đã dành 8 năm qua để tăng cường các mối đe dọa đối với hòn đảo tự trị này.

Người chiến thắng, ông Lại Thanh Đức, hiện là phó tổng thống Đài Loan và bị Bắc Kinh công khai thù địch. Trung Quốc gọi ông Lại là "kẻ ly khai" nguy hiểm.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc Trần Bân Hoa chỉ ra rằng, các phát biểu của ông Lại Thanh Đức cho thấy nếu đắc cử, ông này sẽ thúc đẩy vấn đề "độc lập của Đài Loan" và gây tình hình nguy hiểm cho eo biển Đài Loan.

Ngay giữa lúc Đài Loan chuẩn bị bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Washington D.C ngày 12/1 (theo giờ Mỹ).

Trong cuộc họp này, phía Mỹ "nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và ở Biển Đông". Rõ ràng Washington đã cảm thấy áp lực ngày càng lớn của Bắc Kinh với Đài Bắc. Cuộc gặp của ông Blinken và ông Lưu Kiến Siêu cho thấy Mỹ muốn đảm bảo eo biển Đài Loan không phát sinh những tính toán sai lầm.

Cuộc bầu cử năm nay ở Đài Loan nhận được sự quan tâm lớn. Thế giới không chỉ theo dõi xem ai thắng cuộc mà còn xem người hàng xóm của Đài Loan sẽ phản ứng thế nào. Ở đó, ông Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong một thế hệ – đã gọi việc thống nhất Đài Loan với đại lục là “điều tất yếu lịch sử”, phải đạt được bằng vũ lực nếu cần thiết.

Lần gần đây nhất Đài Loan thay đổi chính phủ – khi Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền lên nắm quyền vào năm 2016 – Bắc Kinh đã cắt hầu hết liên lạc với Đài Bắc và gia tăng đáng kể áp lực kinh tế, ngoại giao và quân sự lên hòn đảo trong những năm tiếp theo. Eo biển Đài Loan thành một trong những điểm nóng địa chính trị lớn của thế giới.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này. Ông Tập đã nhiều lần nói rằng vấn đề Đài Loan “không nên được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”, gắn sứ mệnh này với mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” giữa thế kỷ của ông.

Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: “Cuộc bầu cử này đánh dấu sự thay đổi trong ban lãnh đạo vào thời điểm căng thẳng xuyên eo biển tăng cao và việc duy trì sự ổn định ngày càng trở thành một thách thức”.

“Một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Nhưng nếu một vụ bùng phát, sự phân cực sẽ được cảm nhận trên toàn cầu”, Hsiao nói.

Cả ba ứng cử viên đều tự coi mình là sự lựa chọn tốt nhất để tránh kịch bản ngày tận thế đó. Họ đều cam kết duy trì hòa bình và hiện trạng – điều mà các cuộc thăm dò liên tục cho thấy là thứ mà hầu hết người dân Đài Loan đều mong muốn.

Ông Lại Thanh Đức nhấn mạnh việc củng cố mối quan hệ của Đài Loan với các đối tác dân chủ có cùng chí hướng, như Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời duy trì lập trường của chính quyền ông rằng Đài Loan đã là một quốc gia có chủ quyền trên thực tế – một quan điểm mà Bắc Kinh cho là không thể chấp nhận được.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ vào tối 13/1, ông Lại gọi chiến thắng của mình là “chiến thắng cho cộng đồng các nền dân chủ”.

Ông nói: “Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài, chúng tôi vẫn đứng về phía dân chủ”.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi ông Lại trở thành Tổng thống đắc cử, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh Trần Bân Hoa tuyên bố cuộc bầu cử "sẽ không cản trở xu hướng thống nhất tất yếu của Trung Quốc", Tân Hoa Xã đưa tin.

Ông Trần cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy DPP "không thể đại diện cho dư luận dòng chính trên hòn đảo", sẽ “không thay đổi cục diện cơ bản và xu hướng phát triển của quan hệ hai bờ eo biển".

Ông Trần nói thêm rằng lập trường của Bắc Kinh về việc “thống nhất đất nước vẫn nhất quán và quyết tâm của chúng tôi vững chắc như đá”.

Chiến thắng của ông Lại có thể là khởi đầu cho sự gia tăng áp lực kinh tế hoặc quân sự của Trung Quốc đại lục.

Chuyên gia Wen-ti Sung, một thành viên ở Đài Loan thuộc Ban Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng ta có thể thấy Bắc Kinh cố gắng sử dụng áp lực tối đa để đặt ra các điều khoản cho 4 năm đàm phán xuyên eo biển tiếp theo”.

Ông nói: “Nó có thể bao gồm “những lời lẽ ngoại giao gay gắt chỉ trích chính quyền DPP tiếp theo, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các mặt hàng xuất khẩu có mục tiêu, cũng như việc sử dụng nhiều hơn các công cụ quân sự ở các khu vực vùng xám như một cách để thể hiện sự bất mãn của Bắc Kinh".

Chiến thuật “vùng xám” đề cập đến các hành động hung hăng mà không gây chiến tranh công khai, điều mà Trung Quốc đã sử dụng ngày càng nhiều trong những năm gần đây ở cả Biển Đông và đối với Đài Loan.

Vào tháng 5 tới đây, ông Lại sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Đó sẽ là thời điểm Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn nếu cảm thấy không hài lòng về chính quyền mới.

Vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh Đài Loan để thể hiện sự không hài lòng với chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi. Bắc Kinh đã bắn tên lửa vào vùng biển xung quanh hòn đảo và mô phỏng việc phong tỏa Đài Loan bằng máy bay chiến đấu và tàu chiến trong một cuộc phô trương lực lượng lớn nhất trong nhiều năm.

Các quan chức an ninh Đài Loan hôm 11/1 cho biết họ không thấy có dấu hiệu xuất hiện các hành động quân sự quy mô lớn từ Trung Quốc ngay sau cuộc bầu cử. Lý do là điều kiện thời tiết mùa đông không phù hợp, những khó khăn trong nền kinh tế Trung Quốc và nỗ lực của Bắc Kinh và Washington nhằm ổn định quan hệ sau hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng 11.

Chiến thắng của ông Lại đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử dân chủ Đài Loan một đảng chính trị được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba. Đó cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình không có tác dụng thuyết phục cử tri Đài Loan từ bỏ DPP.

Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tổng thống, DPP không đảm bảo được đa số trong cuộc bầu cử quốc hội, điều này có thể dẫn đến bế tắc đáng kể trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là về các vấn đề gây tranh cãi.

“Chúng tôi không ủng hộ độc lập”, Tổng thống Joe Biden nói khi được hỏi về phản ứng với cuộc bầu cử ở đảo Đài Loan. Vài giờ trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, Washington cảnh báo “sẽ không thể chấp nhận được” nếu bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào sự kiện này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chúc mừng chiến thắng của ông Lại và khẳng định Mỹ "cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển cũng như giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, không bị ép buộc và áp lực".

Mỹ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Bắc, dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo. Phản ứng thận trọng của Washington cho thấy họ không muốn chọc giận Bắc Kinh bằng cách ủng hộ bất kỳ một động thái độc lập nào của Đài Loan. Đó vẫn là "sự mơ hồ chiến lược" mà Mỹ đã duy trì qua nhiều đời Tổng thống đối với vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung này.

Viên Minh (tổng hợp)

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan có Tổng thống mới, Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?