Đại sứ ‘chiến lang’ của Trung Quốc tại Mỹ ám chỉ việc từ chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Qin Gang), người bị Washington đối xử 'lạnh nhạt', gần đây đã tự nhận mình là 'chiến lang' trong một bài phát biểu tại Hoa Kỳ; đồng thời ám chỉ khả năng ông sẽ từ chức và trở về Trung Quốc.

Nhật báo Sing Tao của Hong Kong hôm 8/12 đưa tin, vào ngày 6/12, ông Tần Cương đã được mời tham dự bữa tiệc tối và lễ trao giải thường niên của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung (U.S.-China Business Council - USCBC). Trong bài phát biểu của mình, ông gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, Marc N. Casper về lời giới thiệu, đồng thời nói rằng, “Tuy nhiên, ông ấy [ông Casper] đã quên mất một điều. Ông ấy không giới thiệu Đại sứ Tần Cương như một 'chiến lang'”.

Theo nhiều nguồn tin, ông Tần Cương ám chỉ khả năng ông sẽ trở về Trung Quốc khi nói rằng: “Cảm ơn mọi người đã ủng hộ và giúp đỡ tôi trong công việc”.So với việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao khác của ĐCSTQ, thời điểm ông Tần Cương nhậm chức tại Mỹ vào ngày 28/7/2021 có chút khác biệt. Một ngày sau khi đến Washington, ông đã nộp một bản sao của Thư ủy nhiệm của mình cho Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cho đến nay, bản gốc Thư ủy nhiệm của ông vẫn chưa được đệ trình chính thức lên Tổng thống Biden.

Trong danh sách Ủy viên Trung ương Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tần Cương trở thành quan chức cấp Thứ trưởng duy nhất trong hệ thống ngoại giao. Do đó, ngoại giới dự đoán ông sẽ trở thành Bộ trưởng ngoại giao tiếp theo của ĐCSTQ.

Ông Tần Cương năm nay 56 tuổi, đã phục vụ trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ hơn 30 năm và hai lần giữ chức phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Truyền thông nước ngoài cũng coi ông Tần Cương là người có đường lối ngoại giao cứng rắn, mặc dù ông chưa từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ hay bất kỳ chức vụ nào liên quan trực tiếp đến Mỹ. Có vẻ như ông đã giành được sự tín nhiệm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đọc thêm:

Truyền thông Mỹ: Tân Đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ có phát ngôn thô lỗ, gây sốc

Phân tích: Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu?

Giới quan sát cho rằng, nếu ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng của ĐCSTQ, điều đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai.Hơn nữa, cuộc gặp của ông Tần Cương với Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra với tần suất rất thấp. Một kênh truyền thông Mỹ gần đây đưa tin rằng, trong phần lớn thời gian sau khi ông Tần Cương nhậm chức, chính quyền ông Biden tỏ ra "thờ ơ" với ông này.

Trước sự việc ông Tần Cương bị chính quyền ông Biden "xem thường", ông Chien-Kai Chen, giáo sư Khoa Các vấn đề quốc tế tại Đại học Rhodes, nói với The Epoch Times vào ngày 4/11 rằng, "Tất cả những lời nói và việc làm ngoại giao đều là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng, và bất kỳ hành động nào cũng là kết quả của sự cân nhắc. Do đó, sẽ không quá lời khi nói rằng, đó là sự xuống cấp rất trầm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung".

Ông Chien-Kai Chen tin rằng, trên thực tế, mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi kể từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, sự bùng nổ của đại dịch virus Vũ Hán và xung đột công nghệ Mỹ - Trung hiện nay.

Ông Tần Cương bị đối xử “lạnh nhạt” tại Mỹ

Tờ Politico của Mỹ ngày 2/11 đưa tin, trong thời gian đảm nhiệm vị trí Đại sứ tại Mỹ hơn một năm, ông Tần Cương bị chính quyền ông Biden đối xử "lạnh nhạt" và chỉ gặp gỡ một số quan chức Mỹ. Điều này có thể làm phức tạp thêm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, ông Tần Cương phải dựa vào cố vấn kinh doanh Hoa Kỳ Juleanna Glover để thiết lập mối quan hệ với Washington và gần đây đã gặp gỡ các nhân vật cấp cao của Hoa Kỳ.

Theo đài NTDTV, các nguồn tin liên quan tiết lộ rằng, việc Washington đối xử “lạnh nhạt” với ông Tần Cương là hành động “có qua có lại”, vì ĐCSTQ đã ngăn cản đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh gặp gỡ các quan chức Trung Quốc.

Một cựu quan chức chính phủ Mỹ cho biết, ông Tần Cương đã bày tỏ sự thất vọng với nhiều người, cho rằng chính quyền ông Biden không muốn coi ông là kênh liên lạc thiết yếu với ông Tập Cận Bình.

Ông Đinh Thụ Phạm (Ding Shufan), Giáo sư danh dự tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc lập Chính trị (National Chengchi University) Đài Loan, nói với đài NTDTV rằng, động thái này phản ánh tình trạng tồi tệ trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tờ AsiaNews đưa tin rằng, ông Tần Cương có khả năng sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao tiếp theo của ĐCSTQ. Nhưng điều này không nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung. Ngược lại, ngay cả ở Trung Quốc, ông cũng bị cáo buộc đã đi quá xa trong việc bảo vệ các chính sách của ông Tập Cận Bình. Chính vì thế nên ông đã đánh mất khả năng thiết lập mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) lại là người thành công trong việc này.

Với tư cách là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải không có nhiều phát ngôn gây hấn kiểu "chiến lang" - vốn rất phổ biến trong các nhà ngoại giao của ĐCSTQ trong những năm gần đây. Khi nhậm chức vào tháng 4/2013, cá nhân ông đã trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Mỹ Barack Obama, và hai người đã có cuộc trò chuyện để cùng đưa ra giải pháp để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Gần đây, chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ đã bị toàn cầu chỉ trích, khiến đất nước này ngày càng bị quốc tế cô lập.

Ông Tần Cương thường đưa ra những tuyên bố theo phong cách của một "chiến lang chân chính".

Ví dụ, vào tháng 2/2021, khi ông Tần Cương, người phụ trách các vấn đề châu Âu vào thời điểm đó, phải đối mặt với các phóng viên châu Âu đặt câu hỏi về đường lối “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ, ông đã sử dụng phương pháp “ngoại giao chiến lang” để chỉ trích ngược lại phương Tây - những quốc gia chỉ trích ĐCSTQ.

Theo đài RFI, khi tham dự một cuộc họp vào tháng 8/2021, ông Tần Cương, tân Đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ, đã gây sốc cho những người tham dự bởi phát ngôn khiếm nhã của ông này.

Kênh truyền thông của phái bảo thủ Mỹ National Review đưa tin hôm 10/9 rằng, ông Tần Cương đã được mời tham dự một cuộc họp trên nền tảng Zoom do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung (NCUSCR) tổ chức vào ngày 31/8. Trong cuộc họp, ông Tần đã gửi một thông điệp rất thô lỗ đến chính phủ Mỹ rằng, “Nếu không thể giải quyết những khác biệt của chúng ta, xin mời câm miệng”.

Theo bài báo, một người thạo tin nói rằng, phát ngôn của ông Tần khiến những người tham dự cuộc họp đều bị sốc. Bài báo còn nói rằng, việc ông Tần yêu cầu quan chức Mỹ “câm miệng” là rất mất lịch sự, điều này cũng ám chỉ rằng ông ta sẽ có một đường lối cứng rắn ở vị trí này.

Tác giả: Katherine Miller - TheBL

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đại sứ ‘chiến lang’ của Trung Quốc tại Mỹ ám chỉ việc từ chức