Điểm nóng Philippines

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines và các vùng biển lân cận vẫn là mối lo ngại.

Các cuộc chiến tranh nóng thường xảy ra ở những nơi ít có ai ngờ tới nhất, hoặc khi sự chú ý bị phân tán sang nơi khác. Cuộc xâm lược của Triều Tiên vào Hàn Quốc vào tháng 6/1950, Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, vụ thảm sát Rwandan năm 1994, cuộc khủng hoảng Kosovo 1998 - 1999 và các cuộc xung đột quân sự khác đã khiến nhiều người sửng sốt vì tính chất đột ngột và nghiêm trọng của chúng.

Thế giới bắt đầu dồn sự chú ý đến Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược nước này từ tháng 2/2022, trong khi Eo biển Đài Loan đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế do Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) gia tăng đe dọa trong vùng hải phận và không phận xung quanh Đài Loan những năm 2022 và 2023.

Liên quan đến vấn đề Đài Loan, sự hiếu chiến ngày càng tăng của PLA ở Đông và Nam Á đang gây báo động cho các quốc gia nằm trong vành đai của Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan. Nhiều người coi việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) "sáp nhập" Hong Kong và cuộc đàn áp đang diễn ra đối với những người bất đồng chính kiến (bao gồm cả những người đã trốn chạy khỏi Hong Kong) như một điềm báo trước - một điềm báo trước cho những gì sắp xảy ra.

Trong khi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào những nơi khác, liệu xung đột quân sự với Philippines có phải là "những điều sắp xảy ra"? Chúng ta hãy “mổ xẻ” vấn đề này.

Sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc

Đông Á có một danh sách dài các vùng lãnh thổ tranh chấp: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Senkaku, quần đảo Ryukyu, và một loạt các rạn san hô nhân tạo và tự nhiên, bãi cạn, và các thực thể đất liền khác ở biển Nam và biển Hoa Đông.

Theo ghi nhận của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một trong những lý do chính dẫn đến tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines và Nhật Bản là vấn đề kinh tế, bao gồm cả nghề cá rộng lớn và "ước tính khoảng 11 tỷ thùng dầu chưa được khai thác và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên" trong khu vực.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã chiếm đóng các thực thể tranh chấp trên đất liền và xây dựng các căn cứ đảo trên các đảo san hô ở Biển Đông nhằm mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ và quân sự của họ đối với toàn bộ khu vực. Dưới đây là một số ví dụ:

Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) của quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông (đảo kia là đảo Linh Côn). Đảo Phú Lâm là thực thể đất tự nhiên lớn nhất mà Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông, và đảo này đã bị quân sự hóa với các bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một căn cứ không quân, như đã nêu trước đây.

Bãi cạn Scarborough đã bị PLA chiếm đóng vào năm 2012, nhưng Philippines đã giành được chiến thắng về mặt pháp lý vào năm 2016 khi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) quyết định trao quyền tài phán hàng hải cho Manila đối với bãi cạn này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở đó cùng với nhiều tàu Cảnh sát biển và các tàu khác, về cơ bản là quân sự hóa bãi cạn.

Theo báo The Guardian, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa tại ba đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (bao gồm cả Đá Vành Khăn) bằng cách lắp đặt "các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và laser cùng máy bay chiến đấu”.

Trung Quốc gây sức ép với Philippines

ĐCSTQ rõ ràng cũng hành động tuân theo các câu ngạn ngữ “Đồng tiền đi liền với khúc ruột” và “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Trung Quốc cũng thường xuyên vi phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không bị trừng phạt.

Vào tháng 11/2021, Trung Quốc đã can thiệp vào một nhiệm vụ tiếp tế thông thường của tàu Philippines đến tiền đồn của họ trên Bãi Cỏ Mây. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào thời điểm đó, hai chiếc thuyền dân sự đang vận chuyển hàng tiếp tế “đã bị ba tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chặn và tấn công bằng vòi rồng”.

Đài ABS-CBN News hôm 7/7 đưa tin một sự cố gần đây ở Biển Tây Philippines rằng "48 tàu cá Trung Quốc bao vây Đá Iroquois và 5 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân [được phát hiện] gần Bãi cạn Sabina" ở Biển Tây Philippines.

Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ, "Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Philippines có quyền kinh tế đối với khu vực này, bất chấp việc Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết và tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của họ”.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Philippines đã đệ trình 97 công hàm phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines, nhưng sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở những khu vực này - và các hành động đe dọa như trên - thực tế đã diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Theo tờ Philippine Star, Mỹ đang xây dựng các căn cứ quân sự ở Cagayan phía Bắc Luzon tại Căn cứ Hải quân Camilo Osias và Sân bay Lal-lo như một phần của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) giữa Mỹ và Philippines.

Đây là một trong bốn căn cứ được đề xuất theo hiệp ước phòng thủ chung, trong đó chính quyền mới của Tổng thống Fernand Marcos đã thổi luồng sinh khí mới vào chính sách đối ngoại của ông hướng tới Hoa Kỳ và tách rời Trung Quốc. Có lẽ người Philippines đã mệt mỏi với những đòi hỏi ngày càng leo thang của Trung Quốc và đang tìm đến đồng minh cũ thời chiến của họ để được giúp đỡ.

Nước cờ của Trung Quốc

Ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc có ít nhất ba mục tiêu:

  1. Giành quyền kiểm soát hoàn toàn các nguồn tài nguyên của khu vực theo các điều kiện của Trung Quốc.
  2. Đe dọa các nước láng giềng trên thực tế phải phục tùng các mục tiêu và mục đích của Trung Quốc trong khu vực.
  3. Gia tăng các mối nguy hiểm trong việc triển khai và sử dụng các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương theo thời gian.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Cảnh sát biển Trung Quốc, Hải quân PLA và đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc hoàn thành hai mục tiêu đầu tiên.

Các ví dụ về điều sau được các Báo cáo của Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information Systems) ghi nhận bao gồm “các vụ đánh chặn rủi ro cao đối với máy bay trinh sát của Hoa Kỳ trên Biển Đông và các cuộc diễn tập gây hấn gần đây của một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc nhằm cản trở một tàu khu trục của Mỹ ở Eo biển Đài Loan, suýt dẫn đến một vụ va chạm".

Nhưng nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có ý định khác đối với Philippines thì sao?

Chắc chắn là ông ấy đang rất “khó chịu” trước sự xoay chuyển trong quan hệ Trung Quốc - Philippines do Tổng thống Marcos, Jr. lãnh đạo. Có lẽ ông ấy muốn dạy cho những ai từ chối “tình hữu nghị” của Trung Quốc một bài học bằng cách khơi mào một sự cố trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà có thể leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự và thậm chí là chiến tranh toàn diện.

Đây sẽ là phép thử đối với quyết tâm của Philippines và Mỹ theo EDCA, đồng thời là thước đo tốc độ và phản ứng của Mỹ đối với một đồng minh bị đe dọa. Nói cách khác, đây là một hoặc hai điểm dữ liệu khác trong tính toán của PLA về một cuộc xâm lược qua Eo biển Đài Loan.

Kết luận

Trong khi phần lớn sự chú ý của thế giới ở Đông Á tập trung vào việc phỏng đoán khi nào (chứ không phải nếu) Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì những “trò láu cá” của Trung Quốc ở nhiều nơi khác trong khu vực có thể trở thành điểm nóng đầu tiên của PLA/PLAN. Và Philippines có thể lọt vào tầm ngắm của ông Tập.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. vào ngày 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dường như hiểu rõ mối đe dọa này. Bộ trưởng Austin "ghi nhận với mối quan ngại về hành vi hoạt động nguy hiểm và cưỡng chế gần đây của Trung Quốc nhằm vào các tàu Philippines đang hoạt động an toàn và hợp pháp ở Biển Đông, đặc biệt là gần Bãi Cỏ Mây".

Đặc biệt quan trọng, ông tuyên bố rằng EDCA “mở rộng cho các tàu công cộng, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines - bao gồm cả lực lượng Cảnh sát biển của nước này - ở Thái Bình Dương, kể cả bất cứ nơi nào ở Biển Đông”.

Đó là một tín hiệu tốt cho thấy Hoa Kỳ nghiêm túc trong việc giúp đỡ Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung, và họ đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những nơi khác ở Đông Á.

Một dấu hiệu đáng khích lệ khác mà các quốc gia khác đang chú ý là việc Ấn Độ điều chỉnh lập trường của mình trong Vụ kiện Trọng tài Biển Đông năm 2016 để "ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Manila đối với Trung Quốc", theo báo cáo của Viện Hải quân Hoa Kỳ hôm 5/7.

Ông Tập Cận Bình thậm chí còn kích động hơn nữa khi ông chứng kiến Ấn Độ tiến tới mục tiêu của Bộ Tứ (Quad) về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở. Bộ Tứ là một liên minh không chính thức gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Liệu những nỗ lực này có đủ để ngăn chặn một điểm bùng phát tiềm ẩn ở Biển Tây Philippines hoặc các vùng biển lân cận? Quan trọng là cần phải cảnh giác, sẵn sàng và chuẩn bị cho kịch bản trên.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Điểm nóng Philippines