Mỹ và Philippines hợp lực chống Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines về các đảo và quyền tài nguyên ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã vạch rõ một ranh giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ (MDT) sau các hành động khiêu khích của tàu hải cảnh Trung Quốc với Philippines.

Phản ứng trước các cuộc đối đầu giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc và Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/4 tuyên bố rằng bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào các tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) sẽ kích hoạt một Hiệp ước phòng thủ chung.

“Mỹ sát cánh với các đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ và tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông, nhằm vào lực lượng vũ trang, thuyền công vụ hoặc máy bay của Philippines, bao gồm cả máy bay và tàu thuyền của Lực lượng Tuần duyên Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ đối với Biển Đông vào năm 1951", tuyên bố của phát ngôn viên này cho biết.

Các cuộc tấn công tương tự được cho là đã xảy ra nhiều lần. Hồi tháng 2, Philippines đã công bố video bằng chứng về việc tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser cấp độ quân sự vào Lực lượng Tuần duyên Philippines. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.

Kể từ năm 1995, Trung Quốc đã chiếm đóng lãnh thổ của Philippines tại Đá Vành Khăn ở Biển Đông, chưa kể nhiều đảo nhân tạo khác trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ quy định: “Mỗi Bên thừa nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang ở Khu vực Thái Bình Dương nhằm vào một trong hai Bên sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của chính mình, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ hành động để đáp trả những mối nguy hiểm chung theo quy trình hiến pháp của mình. Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào như vậy và tất cả các biện pháp được thực hiện do hậu quả của cuộc tấn công đó sẽ được báo cáo ngay lập tức cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các biện pháp này sẽ chấm dứt khi Hội đồng Bảo an thi hành những biện pháp cần thiết để khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".

Do đó, các quân nhân Hoa Kỳ có thể được huy động để bảo vệ các tàu tuần duyên của Philippines trước các tàu hải cảnh, hải quân hoặc dân quân biển của Trung Quốc, tất cả đều thuộc thẩm quyền của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc.

Bởi lẽ Trung Quốc và Nga gần như chắc chắn sẽ phủ quyết bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ Philippines, do đó vẫn còn phải xem liệu Hoa Kỳ và một liên minh sẵn sàng (gồm những bên tham gia tiềm năng như: Vương quốc Anh, Nhật Bản và Úc) có bảo vệ Philippines trước hành động gây hấn đang diễn ra của PLA hay không.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến Hiệp ước Phòng thủ chung là một sự leo thang đáng kể về vấn đề Biển Đông mà ít có phương tiện truyền thông nào đưa tin đầy đủ. Đây cũng là một dấu hiệu khác cho thấy tân Tổng thống Philippines, ông "Bongbong" Ferdinand Marcos, Jr., sẽ thắt chặt mối quan hệ với Mỹ hơn so với người tiền nhiệm khó tính của ông, ông Rodrigo Duterte.

Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nổi tiếng với việc cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ để xoay trục sang Trung Quốc để kêu gọi khoản vay hỗ trợ phát triển trị giá 180 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ phê duyệt 422 triệu USD. Điều này đã khiến cho các nhà ủng hộ Trung Quốc của đất nước này thất vọng và có lẽ khiến cho cử tri Philippines vỡ mộng về tình hữu nghị của Trung Quốc đối với Philippines.

Trong khi đó, Philippines đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ. Vào ngày 28/4, 18.000 quân nhân Hoa Kỳ và Philippines đã hoàn tất cuộc tập trận quân sự kéo dài ba tuần, đánh dấu cuộc tập trận lớn nhất từ ​​trước đến nay giữa hai đồng minh.

Đầu tháng này, Mỹ và Philippines đã công bố 4 căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Philippines, trong đó có một căn cứ trên đảo Palawan, giáp Biển Đông và 2 căn cứ ở phía bắc Philippines, gần Đài Loan. Hai căn cứ phía bắc sẽ hỗ trợ hải quân và không quân cho các lực lượng luân phiên của Hoa Kỳ, giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Một chiếc máy bay quân sự cánh lật đa nhiệm V-22 Osprey cất cánh từ tàu sân bay USS Wasp trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự chung thường niên giữa Hoa Kỳ và Philippines trên bờ biển San Antonio, hướng ra Biển Đông, thuộc tỉnh Zambales, Philippines, hôm 11/4/2019. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Căn cứ thứ 4 nằm ở trung tâm Luzon, phía bắc Manila. Với địa thế này, căn cứ ở Luzon có thể hỗ trợ 2 căn cứ phía bắc và khởi động chiến dịch của ông Marcos nhằm chống lại quân du kích địa phương đã chiến đấu trong cuộc chiến kéo dài 50 năm chống lại Manila.

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thất hứa, xâm lược lãnh thổ đối với hầu hết các nước láng giềng và tuyên bố quyền bá chủ khu vực ở châu Á đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn giữa các nước láng giềng của Trung Quốc. Đây là những nước đang cố gắng ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược lãnh thổ nào của Trung Quốc thông qua hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Ấn Độ, Bhutan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Đáp lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ĐCSTQ bày tỏ mong muốn đưa nước này trở thành bá chủ khu vực bằng cách loại trừ các siêu cường châu Á khác.

Ngày 30/4, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra văn bản nêu rõ: “Là một quốc gia ngoài khu vực, Mỹ không được phép can thiệp vào vấn đề Biển Đông hoặc lợi dụng vấn đề Biển Đông để gieo rắc bất hòa giữa các nước trong khu vực”.

Cả Bắc Kinh và Moscow đều đang nỗ lực khẳng định phạm vi ảnh hưởng đối với khu vực châu Á, đồng thời ngăn cản sự can dự của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) ở châu Á hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - tương tự như những gì Mỹ từng làm đối với khu vực Mỹ Latinh trong thế kỷ 19. Một số quan chức và học giả của Mỹ và Nga thậm chí còn lập luận rằng các quốc gia trong những khu vực này thiếu chủ quyền vì chính quyền khu vực tập trung ở Bắc Kinh và Moscow.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực này lại có tư duy khác và họ có sự hậu thuẫn của luật pháp quốc tế cũng như sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ, EU và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc. Miễn là Bắc Kinh và Moscow không sử dụng "tham nhũng" để giành chiến thắng, các nền dân chủ trên thế giới có thể và nên chống lại những nỗ lực của họ nhằm đạt được quyền bá chủ khu vực. Nỗ lực này có thể dẫn đến một cuộc xung đột giành quyền bá chủ toàn cầu vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Một nền hòa bình bền vững chỉ có thể tồn tại nếu Moscow và Bắc Kinh dân chủ hóa và hợp lực với những nhà đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, thay vì chống lại chính những giá trị này.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/Thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và Philippines hợp lực chống Trung Quốc