Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos bị hủy bỏ vì khủng hoảng Omicron

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 20/12, cho biết sự kiện thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, đã bị hoãn lại cho đến giữa năm 2022 do sự không chắc chắn về sự lây truyền của Omicron.

Theo ông Adrian Monck - Giám đốc Điều hành về Tương tác Công chúng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) - cuộc họp thường niên đáng lý sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2022, đã được hoãn lại sang đầu mùa hè năm sau. Ông Monck nói: “Các điều kiện đại dịch hiện nay khiến việc tổ chức một cuộc gặp trực tiếp toàn cầu là vô cùng khó khăn. Bất chấp các giao thức nghiêm ngặt về sức khỏe của cuộc họp, khả năng truyền của Omicron và tác động của nó đối với việc đi lại và di chuyển đã khiến việc trì hoãn trở nên cần thiết”.

Omicron là một biến thể đột biến cao và dễ lây lan hơn của virus Corona Vũ Hán (còn được gọi là SARS-CoV-2). Chủng biến thể này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào tháng trước ở miền nam châu Phi. Hôm 18/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa tin rằng, các ca nhiễm Omicron hiện đã được báo cáo ở 89 quốc gia. Ngoài ra, số ca nhiễm bệnh cũng tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những khu vực có sự lây lan trong cộng đồng.

Mặc dù các chỉ định sơ bộ cho thấy Omicron có thể ít độc tính hơn và ít nguy hiểm hơn, nhưng WHO cho biết vẫn còn ít dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của nó.

Hôm 16/12, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết: “Nhiều báo cáo ban đầu cho rằng, những người bị nhiễm Omicron có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn, nhưng nó không có nghĩa là không nguy hiểm, không có nghĩa là nó được trích dẫn theo kiểu 'chỉ ở mức độ nhẹ'”. Bà Kerkhove là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 tại WHO.

Bà tiếp tục: “Với khả năng lây truyền ngày càng tăng, bạn sẽ gặp nhiều trường hợp hơn. Nhiều trường hợp hơn đồng nghĩa với việc nhập viện nhiều hơn. Nhập viện nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với nhiều ca tử vong hơn”.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế ở Nam Phi cho biết, Omicron không làm gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở nước này ở một mức độ đáng kể. Trong một thông cáo hôm 16/12, Bộ Y tế Nam Phi cho biết: “Theo các nghiên cứu khoa học, loại virus này đang lây lan nhanh hơn so với các đợt trước, nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong vẫn tương đối thấp”.

Nhưng một nghiên cứu mới của Đại học Imperial ở London không tìm thấy “bằng chứng” nào về việc Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta, mặc dù nó lưu ý rằng dữ liệu nhập viện vẫn “rất hạn chế tại thời điểm này”.

Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron cao hơn gấp 5 lần so với Delta, có nghĩa là khả năng bảo vệ chống lại Omicron do nhiễm bệnh COVID-19 trước đó có thể thấp tới 19%.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos bị hủy bỏ vì khủng hoảng Omicron