Đức thâu tóm các nhà máy lọc dầu của Nga, nhưng chưa giải quyết được vấn đề nhiên liệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Đức đã giành quyền kiểm soát các nhà máy lọc dầu Rosneft của Nga trên đất Đức. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn được đặt ra: Đức sẽ lấy dầu thô không phải của Nga từ đâu để vận hành các nhà máy lọc dầu quan trọng này?

Sau khi giành quyền kiểm soát một công ty con của Gazprom vào đầu năm nay, chính phủ Đức tiếp tục tuyên bố thâu tóm 2 công ty con tại Đức của công ty dầu khí Nga Rosneft vào ngày 16/9/2022, trong bối cảnh chính phủ gia tăng quyền kiểm soát ngành năng lượng tại quốc gia này.

"Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục giữ gìn cơ sở hạ tầng quan trọng để đạt được độc lập về năng lượng", Verena Hubertz nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz cho biết.

Chính phủ Đức có thể tiếp quản việc điều hành các công ty năng lượng bằng cách ban hành lệnh thông qua Đạo luật An toàn Năng lượng của Đức. Rosneft có lựa chọn thách thức lệnh này tại các tòa án Đức.

Rosneft gọi động thái của Đức là "bất hợp pháp" và "vi phạm tất cả các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường và nền tảng văn minh của xã hội hiện đại được xây dựng trên nguyên tắc bất khả xâm phạm đối với tài sản tư nhân". Công ty dầu khí khổng lồ của Nga cho biết họ sẽ "xem xét tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ các cổ đông của mình, bao gồm cả hành động pháp lý".

Các nhà máy lọc dầu Rosneft chiếm khoảng 12% công suất lọc dầu của Đức. Trong đó, nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt của Rosneft cung cấp khoảng 90% lượng dầu tiêu thụ ở Berlin và khu vực xung quanh, bao gồm sân bay Berlin Brandenburg.

Thủ tướng Scholz cho biết, việc tiếp quản sẽ giúp nguồn cung dầu của Đức được đảm bảo trung và dài hạn.

Đức đang tiến đến "loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga" và có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết hồi tháng 4/2022.

Vậy loại dầu không phải của Nga đó sẽ đến từ đâu? Có khả năng là Mỹ, Ba Lan, hoặc Kazakhstan.

Mỹ đã sẵn sàng soán ngôi Nga, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho châu Âu. Còn chính phủ Đức cho biết đang đàm phán với Ba Lan và Kazakhstan. Kazakhstan hiện đang vận chuyển phần lớn dầu qua lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt được thiết kế để chạy theo chế độ chỉ ăn dầu thô của Nga. Mỗi loại dầu thô đều khác nhau và các nhà máy được thiết kế để tối đa hóa lợi ích của việc chế biến các loại nguyên liệu thô cụ thể. Nếu không có những sửa đổi đắt tiền, thì PCK ở Schwedt không thể vận hành bằng bất kỳ loại dầu nào khác.

Cùng với việc thâu tóm các nhà máy của Rosneft, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán sâu hơn để nắm lấy phần lớn cổ phần trong công ty năng lượng Uniper SE nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức và hai nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác.

Uniper đã lỗ 12,4 tỉ euro trong nửa đầu năm 2022 do giá khí đốt tăng vọt sau khi Nga giảm dòng cung khí đốt vào châu Âu.

Đức đang tích cực đong đầy các kho dự trữ khí đốt và đã đong đầy gần 90% vào ngày 19/9/2022. Nhưng ngay cả khi các kho khí đốt của Đức đầy 100%, thì chúng sẽ cạn trong vòng 2,5 tháng nếu dòng khí đốt từ Nga bị ngừng hoàn toàn, theo Klaus Müller — chủ tịch cơ quan quản lý của Đức về thị trường năng lượng — cho hay.

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

Đức thâu tóm các nhà máy lọc dầu của Nga, nhưng chưa giải quyết được vấn đề nhiên liệu