Gã khổng lồ BlackRock của Mỹ mua 'Nhà máy điện ảo' ở New Zealand với giá 60 triệu USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty đầu tư khổng lồ của Mỹ BlackRock sẽ mua lại công ty năng lượng mặt trời của New Zealand có tên solarZero, với giá 100 triệu NZD (60 triệu USD). Đây là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh năng lượng sạch vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Được thành lập vào năm 2008, solarZero cho biết họ đã xây dựng "nhà máy điện ảo" (virtual power plant) lớn nhất khu vực và lắp đặt hệ thống trên hơn 9.000 ngôi nhà.

Mô hình kinh doanh của công ty độc đáo ở chỗ, họ lắp đặt các tấm pin và pin miễn phí cho chủ nhà, đồng thời SolarZero duy trì quyền sở hữu đối với phần cứng. Các hệ thống này kết hợp với nhau để tạo thành một nhà máy điện ảo có thể chuyển điện đến những nơi cần thiết.

Mô hình này đã giúp đẩy nhanh quá trình triển khai solarZero, trong đó công ty tuyên bố rằng họ sẽ lắp đặt một hệ thống mới sau mỗi 35 phút. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch đầu tư 1 tỷ dollar NZD vào các tấm pin và năng lượng mặt trời trên khắp New Zealand trong 10 năm tới.

Thiết bị tạo năng lượng mặt trời tại lưới điện mặt trời dùng chung cho cộng đồng các doanh nghiệp ở Sandringham, Auckland ở New Zealand, hôm 26/9/2019. (Ảnh: Dave Rowland/Getty Images)

Hiện tại, toàn bộ mạng lưới tạo ra 89 gigawatt/giờ năng lượng mỗi năm, và lưu trữ khoảng 48 megawatt mỗi giờ.

Công nghệ pin được đồng phát triển với Panasonic. Phía solarZero cho biết mạng lưới đã giúp khách hàng thoát khỏi “tình trạng mất điện và chi phí năng lượng tăng cao”.

“Đây là thiết kế nền tảng pin đầu tiên trên thế giới và chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng với SolarZero và nhóm Cơ sở hạ tầng khí hậu BlackRock để đưa công nghệ đột phá này ra toàn cầu”, ông Stewart Fowler, giám đốc điều hành của Panasonic New Zealand, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/9.

Trong khi đó, ông Andrew Booth, người sáng lập và Giám đốc điều hành của SolarZero, cho biết đến năm 2030, khoảng 50% năng lượng trên thế giới sẽ được tạo ra ở Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất.

Ông nói: “Bộ đôi năng lượng 'năng lượng mặt trời cộng với bộ lưu trữ' là một trong số ít những con đường thực sự dẫn đến an ninh năng lượng, giá điện ổn định, sự thịnh vượng và (đảm bảo) cho một hành tinh có thể sinh sống được".

Ông Charlie Reid, đồng trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng khí hậu của BlackRock, cho biết, đây là khoản đầu tư đầu tiên vào New Zealand của nhà quản lý tài sản Hoa Kỳ.

Ông nói: “SolarZero là công ty tiên phong toàn cầu và chúng tôi mong muốn hỗ trợ việc mở rộng sang các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương khác, đồng thời thúc đẩy hành trình net-zero của New Zealand".

Thuật ngữ net-zero có nghĩa là đạt được sự cân bằng giữa carbon thải vào khí quyển và carbon loại bỏ khỏi khí quyển.

Để đạt được mức net-zero, cần phải cắt giảm lượng khí thải từ nhà cửa, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Nói cách khác, các ngành này sẽ phải giảm lượng carbon thải vào khí quyển. Nhưng trong một số lĩnh vực, như hàng không, sẽ quá phức tạp hoặc tốn kém để cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải.

Những lượng khí thải còn sót lại sẽ cần phải được loại bỏ khỏi khí quyển bằng cách thay đổi cách chúng ta sử dụng đất của mình để đất có thể hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn hoặc bằng cách được chiết xuất trực tiếp thông qua các công nghệ được gọi là thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon.

BlackRock điều hướng các dòng chảy ngược để tiếp tục chiến dịch năng lượng sạch

Việc chuyển sang New Zealand là sự kiện mới nhất trong một loạt các quyết định đầu tư từ BlackRock và diễn ra sau khi hãng này đầu tư 1 tỷ AUD (701 triệu USD) vào Akaysha Energy của Úc và 9 dự án pin của nước này.

Các khoản đầu tư khác trong khu vực bao gồm Năng lượng Xanh Mới của Đài Loan (Taiwan’s New Green Power), Tập đoàn Vận hành và Phát triển Năng lượng Tái tạo Hàn Quốc và nhà cung cấp mạng lưới sạc xe điện của Úc JOLT.

Sự thúc đẩy mạnh mẽ của BlackRock vào các khoản đầu tư vào năng lượng sạch diễn ra sau khi công ty ghi nhận khoản lỗ 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Bên cạnh đó, công ty cũng hứng chịu áp lực từ 19 bộ trưởng tư pháp các bang của Hoa Kỳ và giải thích động thái của họ trong việc nắm bắt net-zero và đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ ủy thác đối với cổ đông.

Biểu tượng giao dịch của BlackRock tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York, hôm 14/7/2017. (Ảnh: Bryan R. Smith/AFP/Getty Images)

Một vấn đề quan trọng là liệu BlackRock có đang vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình khi công ty tham gia vào “hoạt động” bao gồm các sáng kiến ​​về biến đổi khí hậu hay không.

Trên thực tế, ông Steve Baxter, nhà đầu tư khởi nghiệp công nghệ và là ngôi sao của loạt chương trình truyền hình Úc Shark Tank, cho biết các yêu cầu công bố thêm thông tin có thể tiết lộ mức độ đầu tư vào năng lượng sạch so với cổ phiếu truyền thống.

“Nếu các quỹ này đang gây áp lực buộc các công ty phải làm những điều mà họ thấy kém hiệu quả, thì quý vị phải tự hỏi động cơ nào thúc đẩy hoạt động bên trong quỹ đó ?”, ông từng nói với The Epoch Times trước đó.

“Họ có được thưởng cho những khoản đầu tư kém hiệu quả không? Họ có tính phí nhiều hơn cho các khoản đầu tư ESG để bù đắp cho (người quản lý quỹ) với áp lực phi logic mà họ đang phải gánh chịu đối với danh mục đầu tư của mình hay không?".

Thanh Hải
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Gã khổng lồ BlackRock của Mỹ mua 'Nhà máy điện ảo' ở New Zealand với giá 60 triệu USD