Giới chức Mỹ - Trung tham gia hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út nhưng thiếu Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã có cuộc gặp ngắn với một nhà ngoại giao Trung Quốc tại Ả Rập Xê Út tại một hội nghị thượng đỉnh để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine mà không có Nga.

Hôm 7/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và quyền Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đã gặp Đặc phái viên Trung Quốc về Á - Âu Lý Huy (Li Hui).

Ông Miller không tiết lộ bất cứ thông tin nào về cuộc gặp gỡ.

Tuy nhiên, ông ca ngợi sự tham gia của Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh này là “có ích".

Ông Miller nói: “Chúng tôi từ lâu đã tuyên bố rằng sẽ rất hữu ích nếu Trung Quốc đóng vai trò chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nếu Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức vào ngày 5/8 - 6/8 tại thành phố cảng Jeddah của Ả Rập Xê Út nhằm cố gắng thông qua các nguyên tắc thiết yếu để ngăn chặn cuộc xung đột của Nga ở Ukraine. Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ hai sau một sự kiện tương tự vào đầu mùa hè này tại Copenhagen, Đan Mạch.

Tại sự kiện này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tuyên bố trước các quan chức hàng đầu từ 42 quốc gia về đề xuất hòa bình 10 điểm của ông nhằm chấm dứt đổ máu ở Jeddah.

Trung Quốc được cho là ủng hộ vòng đàm phán thứ ba nhằm tìm ra khuôn khổ cho hòa bình ở Ukraine sau hội nghị thượng đỉnh lần này.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các quan chức Trung Quốc một lần nữa đệ trình kế hoạch 12 điểm của Bắc Kinh về ngừng bắn và đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Các quan chức châu Âu cảnh báo rằng một lệnh ngừng bắn vô điều kiện có thể sẽ chỉ đơn giản là ngđóng băng cuộc xung đột và cho phép Nga củng cố quyền kiểm soát đối với lãnh thổ Ukraine mà họ đã chiếm đóng.

Trung Quốc ban đầu đưa ra đề xuất hòa bình vào tháng 2 năm nay, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine nhưng không yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Thay vào đó, họ yêu cầu các quốc gia phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Cả Ukraine và các nước phương Tây đã bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cố gắng thể hiện mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, nhưng phương Tây đã đặt câu hỏi về tính trung lập của Bắc Kinh, vì họ ủng hộ Nga.

Kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine hồi tháng 2, các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ chối coi cuộc tấn công là một cuộc xâm lược và đã ủng hộ Moscow trong suốt cuộc chiến. Họ đã thúc đẩy thương mại với Nga, cung cấp cho nước này một huyết mạch kinh tế trước các lệnh trừng phạt quốc tế, gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây đã lên án Bắc Kinh vì tàu hải quân Trung Quốc cản trở và chặn tàu Philippines ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng nếu Hải quân Philippines bị tấn công thì Mỹ sẽ tung đòn đáp trả.

Tuần trước, Trung Quốc và Nga cũng đã tiến hành một chiến dịch hải quân phối hợp gần Alaska.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết trong một tuyên bố hôm 5/8 rằng 11 tàu chiến Nga và Trung Quốc đã tiếp cận bờ biển Alaska, theo cách mà ông gọi là "một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên xâm lược độc tài mới do các nhà độc tài của Bắc Kinh và Moscow lãnh đạo”.

Ông Sullivan, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói với đài Fox News hôm 5/8 rằng Hải quân Hoa Kỳ đã điều động 4 tàu khu trục để hộ tống các tàu Trung Quốc và Nga ra khỏi bờ biển Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thông tin chi tiết về hoạt động tập trận chung Trung - Nga vẫn còn rất ít ỏi. Mặc dù Bộ Tư lệnh phía Bắc của Hoa Kỳ không phản hồi ngay lập tức yêu cầu xác nhận và cung cấp thêm thông tin chi tiết từ The Epoch Times, nhưng một phát ngôn viên của cơ quan này nói với The Wall Street Journal rằng, ngoài các tàu hải quân, các khí tài của lực lượng không quân Mỹ cũng được điều động khẩn cấp.

"Dưới sự chỉ huy của chúng tôi, các khí tài của lực lượng không quân và hải quân đã tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ và Canada. Cuộc tuần tra vẫn ở trong vùng biển quốc tế và không được coi là một mối đe dọa”, tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức của Bộ Tư lệnh phía Bắc của Hoa Kỳ.

Theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cuộc tuần tra kết hợp không nhằm chống lại Mỹ.

Việc Trung Quốc và Nga thành lập đội hình trên diễn ra một tháng sau khi Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo về mối quan tâm của Trung Quốc ở Bắc Cực và việc Nga mở rộng quân sự ở đó.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Giới chức Mỹ - Trung tham gia hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út nhưng thiếu Nga