Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp lần đầu về căng thẳng Nga-Ukraina

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về Ukraina cho đến nay vẫn chưa thể xoa dịu căng thẳng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có một cuộc họp công khai theo yêu cầu của Mỹ, để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ rất khó có được bất cứ hành động chính thức nào từ Hội đồng Bảo an, vì Nga là một trong 5 nước nắm quyền phủ quyết trong hội đồng. Nga và Trung Quốc gọi cuộc họp này là ‘ngoại giao bằng loa’, và ‘ngoại giao micrô’.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) hôm qua đã họp công khai theo yêu cầu của Mỹ, để thảo luận về việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraina.

Sau phát biểu khai mạc của nhà ngoại giao Nga Vasily Nebenzya, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, Mỹ đã kêu gọi cuộc họp để bảo vệ hòa bình và an ninh, nói rằng các cuộc đàm phán không phải về Mỹ và Nga, mà là về hòa bình và an ninh của các quốc gia thành viên.

Bà Thomas-Greenfield nói: “Hãy tưởng tượng bạn sẽ khó chịu như thế nào, nếu có 100.000 quân ngồi ở biên giới mình”.

Ông Nebenzya, trong phát biểu khai mạc, đã trích dẫn lời kêu gọi các nước bình tĩnh của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào tuần trước. Tổng thống Zelensky đã bác bỏ những tuyên bố về sự xâm lược của Nga, nói rằng chúng là “chuyện hoang đường”.

Tổng thống Ukraina Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov cho là "không có cơ sở để tin rằng" Matxcơva đang chuẩn bị một cuộc xâm lược rất sớm, tuy nhiên cũng nói thêm là “có thể xảy ra trong tương lai”. Đặc phái viên Nga Nebenzya nói rằng, nhận xét của lãnh đạo Ukraina cho thấy, "Họ (Ukraina) không cho rằng, trong hoạt động này, chúng tôi là một mối đe dọa".

Bà Thomas-Greenfield bác bỏ cáo buộc của ông Nebenzia rằng, Washington đang cố gắng "kích động sự cuồng loạn" và sử dụng biện pháp "ngoại giao bằng loa" thông qua việc kêu gọi cuộc họp Hội đồng Bảo an đầu tiên về tình hình Ukraina-Nga.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Nga và Ukraina, Thành phố New York, 31/01/2022. (Spencer Platt / Getty Images)
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Nga và Ukraina, Thành phố New York, 31/01/2022. (Spencer Platt / Getty Images)

Matxcơva trước đó đã phát tín hiệu rằng, họ sẽ cố gắng chặn cuộc họp của Hội đồng Bảo an nếu họ nhận được sự ủng hộ từ 9 trong số 15 thành viên. Nhưng, Mỹ đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an vào hôm qua, để cuộc họp về Ukraina có thể tiếp tục, với 10 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống. Nga là một trong 5 cường quốc có quyền phủ quyết thường trực trong hội đồng cùng với Mỹ, Pháp, Vương quốc Anh, và Trung Quốc.

Sau cuộc bỏ phiếu, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các Vấn đề Chính trị Rosemary DiCarlo đã đưa ra một tóm tắt mở đầu, sau đó là các bài phát biểu của 15 thành viên hội đồng. Cực kỳ khó xảy ra bất cứ hành động chính thức nào từ Hội đồng Bảo an, vì Nga là một trong năm nước nắm quyền phủ quyết trong hội đồng, và Trung Quốc cũng thế.

Chỉ có Trung Quốc và Nga bỏ phiếu phản đối cuộc họp công khai này. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc là Trần Húc nói rằng, Bắc Kinh yêu cầu hội đồng cần “ngoại giao yên lặng” chứ không phải “ngoại giao micrô”.

Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố của Nhà Trắng hôm qua rằng, cuộc họp Hội đồng Bảo an là “một bước quan trọng trong việc tập hợp thế giới cùng lên tiếng: bác bỏ việc sử dụng vũ lực, kêu gọi giảm leo thang quân sự, ủng hộ ngoại giao như là con đường tốt nhất, và yêu cầu mọi quốc gia thành viên có trách nhiệm giải trình để kiềm chế hành động xâm lược quân sự đối với các nước láng giềng của mình”.

Xe bọc thép chở quân (APC) thuộc lữ đoàn cơ giới hóa số 92 của Lực lượng vũ trang Ukraina di chuyển đến đậu trong căn cứ gần làng Klugino-Bashkirivka, vùng Kharkiv, 31/01/2022. (Sergey Bobok / AFP, qua Getty Images)

Phiên họp đã khởi động nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao hơn trong tuần này, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga cho đến nay vẫn chưa thể xoa dịu căng thẳng. Nga có khoảng 100.000 quân gần biên giới với Ukraina. Và các cường quốc phương Tây khẳng định Nga có kế hoạch xâm lược.

Nga đã nhiều lần phủ nhận ý định tiến hành một cuộc tấn công, nhưng yêu cầu NATO hứa không bao giờ cho phép Ukraina gia nhập liên minh này, ngừng triển khai vũ khí của NATO gần biên giới của Nga, và rút lực lượng của NATO khỏi Đông Âu. NATO và Mỹ nói rằng những yêu cầu đó là không thể thực hiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết “sự cuồng loạn do Washington thúc đẩy đang gây ra sự cuồng loạn ở Ukraina, nơi mà mọi người gần như đều bắt đầu đóng đồ đi ra tiền tuyến”.

Cuộc họp quan trọng này của Hội đồng Bảo an diễn ra một ngày sau khi Mỹ tuyên bố vào 30/01 rằng, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và sẽ có hậu quả kinh tế nếu Tổng thống Vladimir Putin xâm lược Ukraina.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với Fox News: “Tôi nghĩ chúng tôi đã nói rất rõ với ông Putin về những hậu quả kinh tế có thể xảy đến với ông ấy, và con đường mà người dân Nga phải gánh chịu… xâm lược trong Ukraina”.

Cao Dương

Theo NTD Tiếng Anh

Xem thêm:

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp lần đầu về căng thẳng Nga-Ukraina