Khủng hoảng năng lượng đe dọa chuỗi cung ứng thuốc men của châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chi phí năng lượng tăng vọt ở châu Âu đang thúc đẩy sự dịch chuyển của một loạt các doanh nghiệp y dược. Điều này đã gây rủi ro cho các chuỗi cung ứng y tế vốn đã căng thẳng do thiếu hụt nguồn cung trong suốt thời kỳ đại dịch.

Một số loại thuốc có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị các căn bệnh mãn tính cũng như phục vụ các cuộc phẫu thuật. Các loại thuốc này cũng thường không được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, giá của chúng được cho là thấp nhất, do cơ quan y tế quốc gia hoặc hiệp hội các công ty bảo hiểm thuộc các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

Áp lực về giá đối với các loại thuốc thông thường này từ lâu đã khiến các nhà sản xuất phải chuyển cơ sở sản xuất API ra khỏi lãnh thổ. Đây là thành phần tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.

Theo đó, các nhà sản xuất này buộc phải dịch chuyển từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc, bởi vì đây là những nơi có mức giá về cơ bản thấp hơn đáng kể.

API (Active Pharmaceutical Ingredient) là hoạt chất hay thành phần dược phẩm hoạt tính được sử dụng để tạo ra thuốc (viên nang, viên nén, thuốc tiêm, v.v.). Đây cũng là một trong 2 thành phần chính trong thuốc, thành phần còn lại là tá dược.

Tập đoàn công nghiệp dược phẩm Teva hiện nay là một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới. Tập đoàn này cho hay, cuộc xung đột Ukraine, cũng như các vấn đề kinh tế và năng lượng kéo theo, có nguy cơ "làm suy giảm ngành dược phẩm của lục địa này đối với các loại thuốc quan trọng", theo một báo cáo được công bố hôm thứ Năm (27/10).

Theo phân tích của Teva, nguy cơ này có thể dẫn đến việc biến mất của các loại thuốc quan trọng khỏi thị trường châu Âu trong 5 đến 10 năm tới. Trong đó có thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường và thuốc điều trị ung thư. Động thái này sẽ khiến châu Âu phải phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Các quan chức của Teva đã nêu rõ tình trạng thiếu hụt gần đây của tamoxifen, một hoạt chất được sử dụng trong một liệu pháp điều trị ung thư vú quan trọng ở Đức.

Theo đó, nhà sản xuất tamoxifen API của Châu Âu duy nhất đã ngừng sản xuất loại thuốc này vì nó khá đắt đỏ. Điều này đã khiến các nhà sản xuất thuốc thành phẩm của Châu Âu không khỏi bất ngờ và chỉ để lại một số nhà cung cấp Châu Á.

Một ví dụ khác là paracetamol. Cơ sở y tế cuối cùng của châu Âu sản xuất paracetamol đã đóng cửa vào năm 2008, khiến cho châu Á trở thành nguồn cung chính của sản phẩm này.

Vào lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, đã có sự xung đột nghiêm trọng về nguồn cung paracetamol ở châu Âu. Bởi vì khu vực này không có "đòn bẩy cũng như năng lực hậu cần để tăng cường sản xuất trong thời gian tới", theo nghiên cứu.

Đồng thời, Ấn Độ - nhà sản xuất paracetamol lớn nhất thế giới - đã tạm thời cấm xuất khẩu thành phần này để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Do đó, châu Âu tạm thời thiếu hụt API trong ngắn hạn.

Với bối cảnh kinh tế như hiện nay, người đứng đầu các vấn đề chính sách của Teva ở châu Âu, ông Erick Tyssier, tuyên bố, "Những gì chúng ta đang thấy chính là sự gia tăng của xu hướng đó".

Liên quan đến danh mục thuốc ở châu Âu, Teva hiện cung cấp 40% API từ các trang web của chính họ ở châu Âu, trong khi phần còn lại được thuê ngoài, Philippe Drechsle, Phó chủ tịch quản lý danh mục đầu tư của EU tại Teva Europe, nói với tờ Reuters.

Teva hiện đang chấp nhận chi phí sản xuất thuốc tăng cao ở châu Âu, nhưng sẽ không lâu, ông Drechsle cho hay.

Tất cả mới chỉ là bắt đầu

Theo ông Drechsle, quá trình sản xuất API thường mất từ sáu đến mười hai tháng. Nhiều nhà sản xuất API đã sở hữu các hợp đồng năng lượng, do đó, họ sẽ ít phải chịu tổn thất khi giá năng lượng tăng vọt.

Ông Rex Clements, Giám đốc điều hành của Centrient Pharmaceuticals, có trụ sở tại Hà Lan, cho biết: “Đây mới chỉ là khởi đầu ... còn rất nhiều sự gián đoạn vẫn đang diễn ra".

Chi phí năng lượng cho nhà máy Centrient của Hà Lan đã tăng gần gấp đôi. Do đó, nhà máy này đang hoạt động với công suất khoảng 70% đến 75% so với năm ngoái, ông nói thêm.

"Không phải vì chúng tôi không có nhu cầu ... mà vì chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu đó", ông giải thích và cho biết thêm rằng các nhà sản xuất API châu Âu khác cũng đang bị buộc phải giảm hoặc cắt giảm sản lượng.

"Tôi rất lo ngại về vấn đề này", ông tiếp tục, với tư cách là một quốc gia châu Âu phụ thuộc vào hệ thống y tế của khu vực.

Giá năng lượng tăng vọt cũng sẽ làm suy yếu động lực của châu Âu trong việc tăng cường sản xuất thuốc để giúp khu vực này tăng khả năng tự cung tự cấp.

Theo ông Tyssier của Teva, không có thay đổi đáng kể nào trong chuỗi cung ứng thuốc ở châu Âu kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng năng lượng đe dọa chuỗi cung ứng thuốc men của châu Âu