Lầu Năm Góc bị hắt hủi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc gặp đối tác Úc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore sau khi ông Lý từ chối gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Ông Marles đã xác nhận cuộc gặp trên Twitter, gọi cuộc gặp là một “bước quan trọng” khác hướng tới việc ổn định mối quan hệ giữa hai nước.

Trong bài phát biểu trước Phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La lần thứ bảy vào ngày 4/6, ông Marles cho biết Úc đã tìm cách ổn định mối quan hệ này sau một “giai đoạn khó khăn” khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa Úc và chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn bị đóng băng trong hơn hai năm trong thời gian COVID-19.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc hiện đang tiến hành “việc xây dựng quân đội thông thường lớn nhất” kể từ Thế chiến II.

“Và việc xây dựng này đang diễn ra mà không có lời giải thích về mục đích chiến lược của nó. Trung Quốc không cung cấp cho khu vực của chúng ta hoặc thế giới bất kỳ sự trấn an chiến lược nào”, ông cho biết.

“Với suy nghĩ này, năm ngoái, tôi đã nhấn mạnh rằng mục đích đầu tư của Úc vào năng lực quốc phòng mới, bao gồm cả thông qua AUKUS, là một đóng góp thận trọng và cần thiết cho sự cân bằng quyền lực bền vững và toàn diện, vừa ngăn chặn xung đột vừa trấn an các quốc gia rằng họ không bao giờ cần dùng đến vũ lực”.

Theo The Guardian, trong cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, ông Marles nhắc lại cam kết của Úc trong việc hỗ trợ hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương, nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo các hoạt động tương tác an toàn và chuyên nghiệp trên không và trên biển.

Ông Marles cho biết "kim chỉ nang" để Úc điều hướng mối quan hệ là “làm việc với Trung Quốc ở chỗ chúng ta có thể…, không đồng ý với Trung Quốc ở chỗ chúng ta phải làm”.

Ông nói với Sky News Australia vào ngày 4 tháng 6: “Xét về cách chúng ta giao tiếp với Trung Quốc, bạn có thể biến điều này thành hiện thực – có thể vừa đi vừa nhai kẹo cao su”.

Mất liên lạc

Cuộc gặp giữa ông Marles và ông Lý diễn ra khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục từ chối đối thoại với Lầu Năm Góc.

Ông Austin một lần nữa mời người đồng cấp Trung Quốc của mình đến bàn đàm phán, nói rằng các đường dây liên lạc cởi mở là “thiết yếu”—đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo quân sự.

“Đối với các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để nói chuyện là bất cứ lúc nào”, ông nói. “Đối thoại không phải là phần thưởng. Đó là một điều cần thiết”.

Ông Austin cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về việc Bắc Kinh không sẵn lòng gặp ông và tham gia một cách nghiêm túc hơn.

“Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm thay đổi”, ông nói.

Chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên cắt đứt liên lạc quân sự trong khu vực với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan vào năm ngoái.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã từ chối nhiều yêu cầu gặp mặt với ông Austin, các chỉ huy quân sự khu vực và thậm chí cả nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner.

“Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn”, ông chia sẻ trong cuộc nói chuyện ngày 25/5 với nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. “Chúng tôi đã nhiều lần nhận được những yêu cầu bị từ chối hoặc không được trả lời”.

Úc đã nhận được sự đóng băng tương tự trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sau khi chính phủ ông Morrison trước đây thúc đẩy các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.

Năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt mọi liên lạc cấp bộ trưởng và áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại tùy tiện đối với một số hàng hóa của Úc để đáp trả yêu cầu về COVID-19, cũng như việc Úc cấm các công ty có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei và ZTE đang tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của Úc.

Căng thẳng dường như tan băng sau khi chính phủ Lao động Albanese được bầu và các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng được nối lại.

Thủ tướng đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc sử dụng vũ lực của chế độ Bắc Kinh

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng tham dự đối thoại tại Singapore. Trong bài phát biểu quan trọng, ông bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Úc đối với những nỗ lực mới của chính quyền Biden nhằm theo đuổi các kênh liên lạc cởi mở hơn với Bắc Kinh.

“Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để hỗ trợ việc xây dựng hàng rào bảo vệ đầu tiên và cơ bản nhất đó, ông nói đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ Úc đã đặt “đối thoại làm trọng tâm trong nỗ lực ổn định mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc”.

Vào ngày 21/5, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản, ông Biden đã nói rằng ông mong đợi sự “tan băng” trong quan hệ với Trung Quốc trong thời gian ngắn. Kể từ đó, có thông tin tiết lộ rằng Giám đốc CIA William Burns đã đến thăm Trung Quốc vào tháng trước để đàm phán với các đối tác Trung Quốc đang tìm cách tăng cường liên lạc tình báo với Bắc Kinh.

Ông Burns “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường liên lạc cởi mở trong các kênh tình báo”, một quan chức giấu tên nói với Reuters vào ngày 2/6.

Tại Singapore, ông Albanese đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất trên bản ghi nhận cho Bắc Kinh khi thông báo cho chế độ này rằng họ phải “rõ ràng rằng khi có bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực: có thể là ở Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông hoặc nơi khác, nguy cơ xung đột sẽ luôn lớn hơn bất kỳ phần thưởng tiềm năng nào”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ủng hộ các bình luận của ông Albanese khi nói rằng mọi quốc gia đều có vai trò trong việc đạt được tầm nhìn về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

“Lựa chọn của các quốc gia trong khu vực phản ánh cam kết sâu sắc hơn đối với các nguyên tắc chung này”, ông nói.

Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc được cho là đã bày tỏ mối quan ngại về việc Đài Loan tìm kiếm “sự hỗ trợ từ nước ngoài” trong cuộc gặp kín giữa ông Lý và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore , Ng Eng Hen.

Theo phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, một phát ngôn viên nói rằng ông Li đã nói với ông Ng Eng Hen rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho việc Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của Đài Loan “lôi kéo sự hỗ trợ của nước ngoài” để theo đuổi “độc lập”. Quần đảo Đài Loan là một nền dân chủ tự trị từ năm 1949.

Theo The Epoch Times

Thuỷ Tiên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc bị hắt hủi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc gặp đối tác Úc