Liên Hợp Quốc từ chối tranh luận về cuộc đàn áp nhân quyền tại Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thống nhất không tổ chức tranh luận về những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về việc tổ chức tranh luận về tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, vào hôm 6/10/2022. Kết quả bỏ phiếu là 19 phiếu chống, 17 phiếu ủng hộ, 11 phiếu trắng.

Mỹ, Canada, và Anh nằm trong số những quốc gia đã đưa ra đề nghị tổ chức tranh luận về vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.

Đứng về phía Trung Quốc bỏ phiếu chống lại động thái này là Bolivia, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Cuba, Eritrea, Gabon, Indonesia, Kazakhstan, Mauritania, Namibia, Nepal, Pakistan, Qatar, Senegal, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Uzbekistan, và Venezuela.

Ngoài ra còn có 11 phiếu trắng bao gồm Ấn Độ, Mexico, và Ukraina.

"Việc Ukraina bỏ phiếu trắng đã phản bội lại các tiêu chuẩn đoàn kết và trách nhiệm giải trình mà quốc gia này kêu gọi", Phil Lynch giám đốc tổ chức ISHR (Phục vụ Nhân quyền Quốc tế) nhận xét.

Việc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chống lại một cuộc tranh luận về vấn đề Tân Cương được giới quan sát coi là một bước xuống dốc đối với uy tín của Liên Hợp Quốc.

"Một ngày đen tối cho nhân quyền. Trung Quốc và 18 quốc gia khác đã ngăn cản Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thảo luận về tình hình nhân quyền ở Tân Cương. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho nhân quyền ở Tân Cương và trên toàn thế giới", Bộ Ngoại giao Đức cho biết.

Phil Lynch — giám đốc tổ chức ISHR (Phục vụ Nhân quyền Quốc tế) — thì gọi kết quả của cuộc bỏ phiếu này là "đáng xấu hổ".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, phương Tây đã cố gắng sử dụng các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc như một công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời thêm rằng "các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là về nhân quyền. Chúng là về việc chống lại chủ nghĩa khủng bố bạo lực, cực đoan hóa, và chủ nghĩa ly khai".

Tháng 8/2022, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khi đó là bà Michelle Bachelet đã công bố một báo cáo từ các cuộc phỏng vấn với những người từng bị giam giữ ở Tân Cương. "Có một chủ đề nhất quán là sự mô tả về tình trạng đói triền miên, và do đó, sụt cân từ mức nhiều đến mức nghiêm trọng trong thời gian họ ở các cơ sở" (được Trung Quốc gọi là các Trung tâm giáo dục và đào tạo nghề).

"Hầu như tất cả những người được phỏng vấn đều mô tả [đã bị] tiêm, [bị cho uống] thuốc viên, hoặc [bị áp dụng] cả hai một cách thường xuyên".

Những hành vi ngược đãi thường xuyên cũng bao gồm việc tước đi giấc ngủ và không cho cầu nguyện. Ngoài ra, những người bị giam giữ còn bị buộc phải hát những bài hát yêu nước.

"Một số người cũng nói về các hình thức bạo lực tình dục khác nhau, bao gồm một số trường hợp cưỡng hiếp", báo cáo cho biết. "Một số phụ nữ đã kể lại việc phải khám phụ khoa xâm lấn, trong đó có một phụ nữ đã mô tả rằng việc này đã diễn ra giữa một nhóm người [chứ không phải riêng tư]".

Báo cáo kêu gọi Trung Quốc "Điều tra ngay lập tức các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề và các cơ sở giam giữ khác, bao gồm các cáo buộc tra tấn, bạo lực tình dục, đối xử tệ bạc, cưỡng bức điều trị y tế, cũng như cưỡng bức lao động và các báo cáo về các trường hợp tử vong khi bị giam giữ".

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

Liên Hợp Quốc từ chối tranh luận về cuộc đàn áp nhân quyền tại Tân Cương