Máy bay chở khách của Mỹ suýt lao xuống biển, hành khách trải qua một phen 'khiếp vía'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi cất cánh từ một sân bay ở Hawaii, một chuyến bay của hãng hàng không Mỹ United đã khiến hành khách trải qua một phen ‘khiếp vía’ khi đột ngột lao xuống Thái Bình Dương từ độ cao 430 mét và chỉ cách mặt biển 240 mét.

Theo trang theo dõi chuyến bay Flightradar24, sự cố trên xảy ra vào lúc 2 giờ 49 phút chiều (theo giờ địa phương) ngày 18/12, chỉ 71 giây sau khi chuyến bay United UA1722 cất cánh từ sân bay Kahului trên đảo Maui đến San Francisco.

Theo ấn phẩm hàng không The Air Current, khi vừa đạt độ cao hơn 600 mét, chiếc Boeing 777-200 đột ngột lao xuống biển Maui với tốc độ 2.600 m/phút. Toàn bộ thời gian xảy ra sự cố chỉ vỏn vẹn trong 45 giây kinh hoàng.

Khi chỉ còn cách mặt biển 240 mét, rất may mắn là cơ trưởng của chuyến bay đã lấy lại được kiểm soát và điều khiển máy bay đạt đến độ cao hành trình là 10.000 mét.

Máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay San Francisco sớm 27 phút sau chuyến bay kéo dài 4 giờ 15 phút, theo tờ New York Post.

Theo trang The Air Current, “hai nguồn thạo tin cho biết việc lấy lại độ cao sẽ tạo ra lực tác dụng lên máy bay và hành khách gấp 2,7 lần so với lực hấp dẫn”.

Theo đó, một chiếc máy bay chuyển động bao giờ cũng chịu tác dụng của 4 lực: lực kéo, lực cản của không khí, lực hấp dẫn và lực nâng. Ngoài ra, máy bay càng lên cao thì chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài càng lớn.

“Do đó, hành khách chắc chắn đã bị ảnh hưởng [do áp suất không khí thay đổi đột ngột]”, theo tờ Hawaii News Now.

Tờ The Air Current cho biết, sự cố này không được đưa tin hoặc xuất hiện trên mạng xã hội cho đến khi ấn phẩm này lần đầu tiên đăng tải câu chuyện vào hôm 12/2.

Ấn phẩm này dẫn lời một quan chức cấp cao về an toàn hàng không cho biết, việc máy bay đột ngột "bổ nhào" như vậy thường sẽ buộc phi công phải liên lạc với kiểm soát viên không lưu để đảm bảo rằng máy bay không bị cướp hoặc vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tờ The Air Current nói rằng, không rõ liệu các kiểm soát viên không lưu (ATC) ở Maui có nhận thấy sự cố này hay không vì các đoạn ghi âm không đề cập đến bất kỳ trao đổi nào về sự cố này.

Sau khi chuyến bay hạ cánh, phi hành đoàn của United đã báo cáo sự cố với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Đây là một phần của chương trình báo cáo an toàn tự nguyện.

Phát ngôn viên của hãng hàng không United Josh Freed cho biết hãng này đã phối hợp với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Hiệp hội Phi công Hàng không Quốc tế (ALPA) để điều tra, và kết luận phi công điều khiển chuyến bay 1722 cần khóa đào tạo bổ sung.

“An toàn vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông nói thêm.

Ông Freed cũng nói rằng hai viên phi công đã có tổng cộng 25.000 giờ bay và "hoàn toàn hợp tác" với cuộc điều tra. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết giờ bay trên chiếc Boeing 777 là bao nhiêu hoặc ai là người điều khiển máy bay vào thời điểm xảy ra sự cố.

Theo The Air Current, hãng hàng không United đã không báo cáo sự cố này cho Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB). Hãng hàng không United cho rằng, sự cố này không nằm trong tiêu chí báo cáo của NTSB. Tiêu chí này quy định các hãng hãng không bắt buộc phải báo cáo sự cố khi máy bay bị hư hại hoặc khi có thương tích đối với hành khách, phi hành đoàn hoặc những người khác trên mặt đất.

Không có ai bị thương trong vụ việc vào ngày 18/12 và vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ việc.

Vụ việc này xảy ra cùng ngày với sự cố từ hãng hàng không Hawaiian. Theo đó, chuyến bay của hãng này cất cánh từ Phoenix đến Honolulu và gặp gặp nhiễu động nghiêm trọng ở khu vực Maui, khiến 25 người bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng, tờ Hawaii News Now đưa tin.

Vào thời điểm chuyến bay của hãng United khởi hành, Maui đang trải qua "nhiều cơn mưa rào và giông bão... có khả năng tạo ra gió mạnh và mưa đá", theo một bài đăng của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Honolulu trên Twitter. Ngoài ra, The Air Current cũng đưa tin rằng, đảo Maui cũng nhận được một cảnh báo lũ quét vào hôm 18/12.

Theo The Air Current, cũng chính cơn bão ở Thái Bình Dương này đã "tạo ra một cơn bão tuyết khổng lồ, trải dài khắp miền tây và miền trung Hoa Kỳ”. Chỉ vài ngày sau, cơn bão này đã khiến nhiều chuyến bay phải hoãn và hủy trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Máy bay chở khách của Mỹ suýt lao xuống biển, hành khách trải qua một phen 'khiếp vía'