Mỹ dự kiến điều chỉnh chiến thuật khi Hải quân và Không quân Trung Quốc tái cấu trúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASI), một tổ chức tư vấn có liên kết với Không quân Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu chuyển giao các đơn vị hàng không của Hải quân Trung Quốc cho lực lượng không quân từ đầu năm 2023.

Theo nghiên cứu, "vào giữa năm 2023, Quân Giải phóng nhân dân (PLA) đã chuyển giao phần lớn các lực lượng máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, radar, phòng không và sân bay của PLAN [Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân] cho Lực lượng Không quân PLA (PLAAF)”.

"Tổng cộng, PLA đã chuyển giao ít nhất 3 lữ đoàn máy bay chiến đấu, 2 trung đoàn máy bay ném bom, 3 lữ đoàn radar, 3 lữ đoàn phòng không và nhiều trạm sân bay”.

Nghiên cứu cho biết việc tái cấu trúc sẽ đặt ra yêu cầu lớn hơn đối với hệ thống chỉ huy chung của PLA, vì hải quân Trung Quốc cần phải tận dụng khả năng động học từ các quân chủng khác.

Hơn nữa, nghiên cứu mới của CASI còn cho rằng việc chuyển giao các máy bay JH-7 và H-6 sẽ tước đi phần lớn năng lực rà phá thủy lôi trên không của lực lượng hải quân.

Theo đó, nghiên cứu nói rằng các tài sản được chuyển giao sẽ cung cấp năng lực trọng yếu cho Không quân Trung Quốc, nơi các máy bay ném bom H-6 trước đây được vận hành trong Hải quân Trung Quốc cho phép không quân lập thêm các đơn vị máy bay ném bom có khả năng mang tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết việc tái cấu trúc trên nằm trong nỗ lực hiện đại hóa một bộ chỉ huy chung về khả năng tấn công trên không, trên biển, đồng thời mang lại hai lợi ích rõ ràng đối với các hoạt động không quân của PLA.

Thứ nhất là hợp lý hóa bộ máy hành chính/cải thiện tiêu chuẩn hóa giữa các đơn vị. Thứ hai là thống nhất tất cả các hoạt động phòng thủ trên không dưới quyền chỉ huy của lực lượng không quân thay vì tách biệt giữa hai quân chủng.

Lực lượng hàng không dựa trên tàu sân bay

Nghiên cứu của CASI cũng vạch ra những thay đổi cho phép PLAN tập trung vào các tàu sân bay của mình.

Nghiên cứu cho biết: “Bên cạnh những cải tiến đối với các hoạt động trên không của PLA, việc tổ chức lại này hỗ trợ các tham vọng dài hạn của PLAN nhằm xây dựng một lực lượng hàng không trưởng thành dựa trên tàu sân bay”.

“Bằng cách loại bỏ hàng nghìn chỗ ở tạm cho binh sĩ, nhiều phần cơ sở hạ tầng và nhiều khung máy bay, PLAN hiện có thể tự do theo đuổi một lực lượng lấy tàu sân bay làm trung tâm hơn trong những hạn chế về mức độ nguồn lực hiện tại", CASI viết trong nghiên cứu mới.

"PLAN hiện triển khai 2 lữ đoàn máy bay chiến đấu trên tàu sân bay và có dấu hiệu cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay của PLAN đang thường xuyên hoạt động bên ngoài một trong các Sân bay Phi Đông của PLAN ở Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ”.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ở Hawai, nói với The Epoch Times rằng việc tái cấu trúc trên có thể hợp lý hóa cơ cấu hành chính của lực lượng không quân của Bộ Tư lệnh Chiến khu.

Ông nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu hợp nhất tất cả các phương tiện tấn công trên không, phòng thủ, tác chiến điện tử và giám sát của Hải quân PLA dưới một đơn vị lực lượng không quân duy nhất.

Tuy nhiên, điều này sẽ hạn chế năng lực của lực lượng hải quân bằng cách bổ sung thêm một tầng quản lý khác cho các hoạt động không quân của hải quân, đặc biệt là trong các tình huống phản ứng nhanh.

Theo ông Schuster, các lực lượng PLAN hoạt động ở phía đông chuỗi đảo bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, một số khu vực của Philippines và Indonesia có thể không nhận được sự hỗ trợ về sức mạnh không quân như trước đây.

Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải thích nghi với những thay đổi này của Bắc Kinh.

Ông nói thêm: “Mỹ sẽ phải sửa đổi các kịch bản và chiến thuật trong trò chơi chiến tranh của mình vì việc tái tổ chức này có nghĩa là Bộ Tư lệnh Chiến khu PLA và Lực lượng Không quân PLA có thể tập trung nhiều sức mạnh không quân hơn một cách nhanh chóng hơn”.

Đáp lại các câu hỏi của The Epoch Times về việc tái cấu trúc PLA, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Lt. Martin Meiners đã đề xuất “Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2022”.

Cụ thể, báo cáo nêu rõ Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 xác định Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế.

Báo cáo cho biết ĐCSTQ cũng đặt ra thách thức mang tính hệ thống và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cũng như hệ thống quốc tế tự do và cởi mở.

Báo cáo nêu rõ: “Điều quan trọng là phải hiểu được đường lối chiến tranh của Quân Giải phóng Nhân dân, khảo sát các hoạt động và năng lực hiện tại của lực lượng này, đồng thời đánh giá các mục tiêu hiện đại hóa quân đội trong tương lai”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ dự kiến điều chỉnh chiến thuật khi Hải quân và Không quân Trung Quốc tái cấu trúc