Mỹ: Thêm hai tiểu bang ban hành lệnh cấm TikTok vì lo ngại về an ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai tiểu bang Louisiana và West Virginia là những bang mới nhất tại Mỹ cấm sử dụng TikTok - ứng dụng mạng xã hội do Trung Quốc sở hữu - trên các thiết bị của chính phủ.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, tự hào có ít nhất 100 triệu người dùng chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ.

Các cơ quan chính phủ ở cả hai tiểu bang trên đã cấm ứng dụng này trên tất cả các thiết bị do chính phủ sở hữu vào ngày 19/12, do lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sử dụng ứng dụng này để theo dõi công dân Mỹ và kiểm duyệt nội dung.

Ngoại trưởng tiểu bang Louisiana Kyle Ardoin đã viết một lá thư cho Thống đốc John Bel Edwards về lý do tại sao ông cấm TikTok trên tất cả các thiết bị công, trong thư viện dẫn các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.

“Là Ngoại trưởng [tiểu bang], tôi có trách nhiệm nghiêm túc trong việc bảo vệ thông tin nhận dạng cá nhân của cử tri. Đó là lý do tại sao tôi đã thực hiện lệnh cấm sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị do cơ quan của tôi sở hữu hoặc thuê", ông Ardoin viết.

“Tôi tin tưởng rằng, quyết định này ở cấp độ toàn tiểu bang sẽ bảo vệ dữ liệu của chúng tôi và tái khẳng định cam kết của chúng tôi về việc bảo vệ quyền riêng tư cho các cử tri của mình", ông nói thêm.

Kiểm toán viên trưởng tiểu bang West Virginia JB McCuskey cũng cấm TikTok vì những lý do tương tự.

Ông McCuskey nói: “Chúng tôi nhận thấy mối đe dọa mà Trung Quốc và chính phủ của họ đặt ra đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi, và động thái này là một cách tiếp cận chủ động để bảo vệ những người nộp thuế ở West Virginia".

Tổng chưởng lý tiểu bang Louisiana Jeff Landry cũng yêu cầu Google và Apple tăng giới hạn độ tuổi tải TikTok - nền tảng truyền thông xã hội do ĐCSTQ sở hữu - về thiết bị lên 17+ vào cuối năm nay.

Đọc thêm:

Làn sóng cấm TikTok tại Mỹ sau cảnh báo của Giám đốc FBI

Hôm thứ Tư (7/12), Thống đốc tiểu bang Texas, ông Greg Abbott, đã ra lệnh cho tất cả cơ quan chính phủ trong toàn bang cấm ứng dụng video TikTok của Trung Quốc trên toàn bộ thiết bị do chính phủ cung cấp với lý do lo ngại về an ninh mạng.

“TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu từ các thiết bị của người dùng - bao gồm thời gian, địa điểm và cách họ tiến hành các hoạt động trên Internet - và cung cấp kho thông tin nhạy cảm này cho chính quyền Trung Quốc”, ông Abbott viết trong một lá thư gửi đến các cơ quan tiểu bang (pdf).

Động thái của Texas diễn ra ngay sau khi các tiểu bang khác do Đảng Cộng hòa lãnh đạo như Alabama, North Dakota, South Dakota, Iowa, Maryland, Utah và Virginia cũng cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang vì lo ngại về rủi ro bảo mật.

Tờ Al Jazeera đưa tin, tiểu bang Washington cũng đang xem xét việc cấm sử dụng TikTok trong hoạt động kinh doanh của chính quyền. Động thái này đưa Washington trở thành tiểu bang đầu tiên do Đảng Dân chủ lãnh đạo cân nhắc việc hạn chế sử dụng nền tảng video này.

Tổng chưởng lý tiểu bang Indiana Todd Rokita đã đệ đơn kiện TikTok vào ngày 7/12, với cáo buộc rằng, công ty này đã lừa dối người dùng vì các nhân viên Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của họ, đồng thời cáo buộc ứng dụng này khiến trẻ vị thành niên tiếp xúc với nội dung người lớn.

Ông Rokita cho biết trong một tuyên bố: “Ứng dụng TikTok là một mối đe dọa nguy hiểm và độc hại do một công ty Trung Quốc gây ra cho những người tiêu dùng Indiana cả tin. Với hai vụ kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ buộc TikTok chấm dứt các hành vi sai trái, lừa đảo và gây hiểu lầm, vi phạm luật của tiểu bang Indiana".

Một số cơ quan liên bang Mỹ, bao gồm Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao, cũng đã cấm ứng dụng này vì vấn đề an ninh quốc gia.

TikTok đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng họ “rất thất vọng vì rất nhiều tiểu bang Mỹ đang ban hành các chính sách dựa trên những thông tin sai lệch vô căn cứ về TikTok, và động thái này sẽ không giúp ích gì cho việc tăng cường an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Tòa Bạch Ốc lên tiếng về những tiết lộ trong vụ 'Twittergate'
Giám đốc FBI Christopher Wray tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 25/05/2022. (Ảnh: Bonnie Cash/Pool/Getty Images)

Hôm thứ Sáu (2/12), Giám đốc FBI Christopher Wray tiếp tục vạch ra các mối đe dọa do ứng dụng video TikTok gây ra và nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ có thể sử dụng phần mềm của ứng dụng để thao túng nội dung hoặc người dùng.

“Họ cũng có khả năng truy cập phần mềm thông qua các thiết bị. Trong khi đó, chúng ta có hàng triệu thiết bị và điều đó mang lại cho họ khả năng tham gia vào các hoạt động mạng độc hại khác nhau", ông cho hay.

Giám đốc FBI cho biết: “Tất cả những điều này đều nằm trong tay của một chính phủ không có chung các giá trị với Mỹ và có sứ mệnh rất mâu thuẫn với lợi ích cốt lõi của chúng ta. Mỹ rất quan ngại về điều đó".

Ít nhất 19 trong số 50 tiểu bang Mỹ hiện đã áp đặt lệnh cấm (một phần hoặc hoàn toàn) đối với ứng dụng TikTok do lo ngại rằng dữ liệu người dùng sẽ bị TikTok thu thập. Hầu hết các hạn chế trên được áp đặt trong vòng hai tuần sau tuyên bố của Giám đốc FBI.

Quốc hội Mỹ dự định cấm TikTok

Thượng nghị sĩ Josh Hawley từng có nhận xét rất thẳng thắn: “TikTok là bộ máy giám sát của Bắc Kinh”, ông nói với The Atlantic vào năm 2020. “Ứng dụng này là con ngựa thành Troy trên điện thoại của mỗi người”.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã tài trợ cho một dự luật của Thượng viện Mỹ vào tuần trước với sự ủng hộ của lưỡng đảng nhằm cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng của ĐCSTQ trên các thiết bị do chính phủ sở hữu.

Đề xuất lệnh cấm kể trên cũng nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Hạ viện sắp mãn nhiệm Nancy Pelosi và Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy.

Lệnh cấm TikTok sẽ nằm trong một bản dự luật gồm nhiều mục cho năm 2023 và sẽ được được bỏ phiếu trong tuần này. Bản dự luật này gây tranh cãi vì trị giá 1,7 nghìn tỷ USD và số tiền sẽ được cấp cho chính phủ liên bang.

TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc đã bị chính phủ Ấn Độ chính thức cấm vào tháng 6/2020.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng áp đặt lệnh cấm TikTok trên toàn quốc vào năm 2020, nhưng đã thất bại trong một loạt các vụ kiện tụng.

Tổng thống Joe Biden sau đó đã đảo ngược mọi nỗ lực của liên bang nhằm cấm ứng dụng TikTok ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền ông Biden và đại diện của TikTok hiện đang đàm phán về một thỏa thuận an ninh quốc gia nhằm giải quyết những lo ngại về việc ĐCSTQ truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một tổ chức liên bang tập trung vào các rủi ro nước ngoài, trong nhiều tháng đã cố gắng thiết lập một thỏa thuận an ninh quốc gia để bảo vệ dữ liệu của người dùng TikTok tại Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Thêm hai tiểu bang ban hành lệnh cấm TikTok vì lo ngại về an ninh