Mỹ - Trung - Philippines cạnh tranh ở Biển Đông: Mỹ, Nhật tập trận, Trung Quốc điều tàu do thám

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 31/1, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và các tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tiến hành tập trận chung trên Biển Đông. Máy bay chiến đấu Mỹ đã cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson trong khi hai tàu do thám của Trung Quốc lảng vảng cách đó khoảng 7 hoặc 8 km để do thám.

Theo Wall Street Journal, Thiếu tướng Hải quân Carlos Sardiello, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, cho biết cuộc tập trận là cơ hội tuyệt vời để tập hợp nhanh chóng các nền tảng lớn, đa năng và linh hoạt trên Biển Đông.

Hải quân Hoa Kỳ mô tả phạm vi của cuộc tập trận vào thời điểm đó bao gồm các bài tập phòng không, giám sát hàng hải, các bài tập trên boong và các bài tập chiến thuật. Mục đích của cuộc tập trận là nâng cao "khả năng tác chiến cao cấp độc đáo" của quân đội Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021 có nhiều tàu sân bay Mỹ tập trận trong khu vực. Tham gia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson còn có nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.

Tàu do thám Trung Quốc giám sát chặt chẽ

Trong khi Thiếu tướng Sardiello và các sĩ quan hải quân khác phát biểu trên boong tàu USS Carl Vinson, một tàu trinh sát lớp Dongdiao của Trung Quốc được sử dụng để chặn bắt thông tin liên lạc có thể được nhìn thấy cách đó vài dặm. Thuyền viên trên tàu USS Carl Vinson cho biết một tàu trinh sát khác của Trung Quốc đã liên tục ở gần đó trong suốt cuộc tập trận.

Thiếu tướng Sardiello cho biết, các tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động và huấn luyện trong khu vực mặc dù có khả năng dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công.

Ông Sardiello nói: “Các Thủy thủ của chúng tôi được huấn luyện bài bản để chiến đấu, sống sót và hoàn thành nhiệm vụ bất chấp mọi mối đe dọa trong môi trường Biển Đông đầy thách thức”.

Đáy biển Philippine sâu hàng chục nghìn feet tính từ rìa phía tây của nó. Huari dẫn lời một số nhà phân tích quân sự cho rằng độ sâu và đặc điểm thanh học rõ ràng khiến vùng biển này trở thành môi trường lý tưởng cho tàu ngầm hoạt động.

Ông Sardiello, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson cho biết, tác chiến dưới nước là một trong những nội dung trong cuộc huấn luyện của tàu sân bay Carl Vinson với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Các nhóm tác chiến tàu sân bay đôi khi bao gồm cả tàu ngầm, nhưng Hải quân Mỹ không tiết lộ hoạt động của tàu ngầm.

Nhật Bản đã tích cực chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan. Do vị trí địa lý, việc bùng nổ chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản. Ngoài việc tăng ngân sách quân sự, Nhật Bản còn tăng cường tập trận quân sự với Mỹ với hy vọng răn đe Trung Quốc.

Về cuộc tập trận chung có sự tham gia của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, quân đội Nhật Bản tuyên bố: "Mục đích của cuộc huấn luyện này là nhằm nâng cao kỹ năng chiến thuật và khả năng tương tác với Hải quân Mỹ. Mối quan hệ của chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tại sao hoạt động này lại gây lo ngại sâu sắc cho Trung Quốc? Chủ yếu là do tầm quan trọng của biển Philippine.

Vào ngày 31/1/2024, Hoa Kỳ và Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận hàng hải kéo dài ba ngày ở Biển Philippine, một máy bay chiến đấu F/A-18 cất cánh từ boong tàu sân bay USS Carl Vinson. (Richard A. Brooks/AFP qua Getty Images)

Vị trí chiến lược của biển Philippine

Biển Philippine là một khu vực rộng lớn với diện tích hơn 2 triệu dặm vuông, nằm ở phía tây giáp Đài Loan và Philippines, phía bắc giáp Nhật Bản, phía đông giáp Quần đảo Mariana bao gồm đảo Guam.

Huari phân tích nếu có bất kỳ xung đột nào giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan hay Biển Đông thì việc kiểm soát biển Philippine sẽ là mục tiêu then chốt. Đối với quân đội Mỹ, các tàu chiến, quân đội và quân nhu của Mỹ được triển khai từ các căn cứ ở Guam hoặc Hawaii có thể sẽ phải đi qua vùng biển này.

Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn tuyến đường của Mỹ nói trên. Các nhà phân tích quân sự cho rằng nếu vấn đề Đài Loan gây ra xung đột toàn diện, Trung Quốc sẽ tìm cách sử dụng khu vực biển Philippine để tấn công các căn cứ quân sự của Đài Loan ở vùng núi phía đông Đài Loan hoặc áp đặt lệnh phong tỏa đối với chúng.

"Bất kể cuộc chiến nào xảy ra ở Đông Á, việc kiểm soát biển Philippines sẽ là một mục tiêu quân sự then chốt", ông Brent Sadler, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ cho biết.

Biển Philippine hiện đã trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức tập trận quân sự trong khu vực. Ba tháng trước, máy bay chiến đấu quân sự Trung Quốc đã cất cánh và hạ cánh hàng trăm lần từ một tàu sân bay Trung Quốc. Điều này gây ra sự chú ý đặc biệt từ Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tàu Sơn Đông và các tàu chiến khác của Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận kéo dài 9 ngày tại khu vực này, bắt đầu từ ngày 28/10 năm ngoái. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay khoảng 420 lần.

Biển Philippine cũng là một tuyến thương mại quan trọng. Các nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc chiếm vị trí thống trị trong khu vực, nước này có thể tạo ra thế bóp nghẹt đối với Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách kiểm soát việc vận chuyển dầu và các nhiên liệu khác đến hai nước này.

Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản từ lâu đã hoạt động ở biển Philippine và gần đây đã mở rộng hoạt động huấn luyện. Cuộc tập trận vào tháng 1 năm nay là một cuộc tập trận khác diễn ra sau đợt huấn luyện tương tự vào tháng 6 và tháng 11 năm ngoái.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Trung - Philippines cạnh tranh ở Biển Đông: Mỹ, Nhật tập trận, Trung Quốc điều tàu do thám