Mỹ xác nhận từng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đáp lại nguồn tin tình báo cho biết Tổng thống Nga Vladmir Putin đã cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine vào mùa xuân năm ngoái, chính quyền ông Biden đã hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác để đồng loạt phản đối nhằm ngăn cản ông Putin “bấm nút hạt nhân”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken xác nhận hôm thứ Năm (23/2).

Trao đổi với Tổng biên tập Tạp chí Atlantic Jeffrey Goldberg, ông Blinken cho biết, vào mùa xuân năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ hành động "thiếu lý trí" vì đã nhận được thông tin tình báo từ Moscow cho thấy ông Putin "đang cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật" ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, động thái leo thang của ông Putin được châm ngòi bởi một cuộc phản công thành công của Ukraine trước đó.

Cuộc phản công năm ngoái đã chứng kiến Ukraine trục xuất quân đội Nga khỏi các khu vực trọng yếu phía bắc xung quanh thủ đô Kyiv, đẩy họ về phía đông và buộc lực lượng Nga phải tập hợp lại.

Nhiều cường quốc trên thế giới cũng đưa ra các tuyên bố công khai vào thời điểm đó, bày tỏ lo ngại về những hành động tiếp theo của ông Putin.

Vào tháng 4/2022, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã kêu gọi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov "kiềm chế", và nói rằng thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa "thực sự" về chiến tranh hạt nhân. “Không ai muốn chứng kiến Thế chiến III nổ ra”, ông Uông Văn Bân cảnh báo.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu và cảnh báo rằng Nga không nên sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Không bên nào nên sử dụng giải pháp hạt nhân vì triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí phóng xạ đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của loài người", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố vào tháng 10/2022.

Ngoại trưởng Blinken cho rằng những động thái này xuất phát từ chiến dịch gây ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

"Chúng tôi đã kêu gọi các quốc gia khác - những quốc gia có sức ảnh hưởng nhiều hơn một chút với Nga như Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, như Ấn Độ - hãy trực tiếp nói chuyện với ông [Putin] và bày tỏ sự phản đối dứt khoát của họ đối với bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào. Chúng tôi biết rằng họ đã truyền tải những thông điệp đó và tôi nghĩ điều đó đã phát huy tác dụng".

Những lo ngại về việc Nga vượt qua lằn ranh đỏ đã bùng lên, sau khi một cuộc điều tra của tình báo Na Uy cho thấy các tàu nổi của Hạm đội Phương Bắc của Moscow có thể mang theo vũ khí hạt nhân.

"Phần trọng tâm của tiềm năng hạt nhân nằm trên các tàu ngầm và tàu nổi của Hạm đội phương Bắc. Vũ khí hạt nhân chiến thuật trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong một số tình huống tác chiến có thể dính líu đến các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", theo báo cáo của Na Uy.

Tàu sân bay duy nhất của Nga và soái hạm của Hạm đội phương Bắc đã rời cảng vào sáng sớm thứ Tư (22/2). Con tàu đã không được triển khai kể từ năm 2016.

Tình báo Litva từ năm ngoái đã chứng thực các tuyên bố của Na Uy, nói rằng Nga sở hữu năng lực hạt nhân ở khu vực Baltic.

Trao đổi với tờ Newsweek, Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết, Ukraine sẽ tiến hành cuộc phản công thứ hai sớm nhất là vào tháng 4.

Quân đội Ukraine sẽ sớm được trang bị xe tăng chiến đấu M1 Abrams và Leopard 2 từ nhiều nhà tài trợ châu Âu, tên lửa đất đối không từ Hoa Kỳ và xe bộ binh bọc thép từ cả hai châu lục. Ông Gerashchenko cho biết, Ukraine sẽ phản công ngay khi nhận được số vũ khí trên.

Bất chấp căng thẳng leo thang, chính quyền ông Biden vẫn cam kết cung cấp vũ khí cho Kyiv.

"Tôi xin nói rõ: chúng tôi đang hỗ trợ người Ukraine trong cuộc chiến do Nga khơi mào”, bà Sabrina Singh, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, nói với The Epoch Times hôm thứ Tư (22/2).

"Chính quyền ông Biden đã cam kết [sẽ sát cánh] với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, bà khẳng định

Trong một bài phát biểu tại Ba Lan hôm thứ Ba (21/2), Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng, "Ông Putin không còn nghi ngờ sức mạnh của liên minh của chúng ta”, đề cập đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng chính quyền của ông sẵn sàng tài trợ cho một cuộc xung đột kéo dài.

"Chúng tôi sẽ không bỏ rơi Ukraine. NATO sẽ không bị chia rẽ, và chúng tôi sẽ không mệt mỏi".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ xác nhận từng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine