Ngoại trưởng Mỹ Blinken: Không có bằng chứng cho thấy Nga muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ sẽ xem xét mọi biện pháp để thúc đẩy ngoại giao với Nga nếu có cơ hội. Tuy nhiên, hiện tại Moscow không có dấu hiệu sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm Thứ sáu (21/10).

Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp, bà Catherine Colonna: “Mọi dấu hiệu cho thấy, Nga còn lâu mới sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao thực chất. Tổng thống Putin vẫn tiếp tục đi theo hướng ngược lại".

'Không có bằng chứng cho thấy Nga muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine'

“Mỹ sẽ xem xét mọi biện pháp để thúc đẩy ngoại giao với Nga nếu có cơ hội, tất nhiên là chúng tôi sẽ luôn cân nhắc về điều đó”, Ngoại trưởng Blinken khẳng định.

Thay vào đó, Moscow đã “tăng gấp đôi và gấp ba lần” sự hung hãn của mình, ông cho hay.

Tờ Reuters đưa tin, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng điện và nước của Ukraine trong tuần này. Ukraine và phương Tây gọi đây là chiến dịch đe dọa dân thường trước mùa đông lạnh giá.

Hôm 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, theo một tuyên bố từ Lầu Năm Góc.

Trong bài phát biểu trên truyền hình trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhà lãnh đạo Nga Putin tuyên bố tăng cường quyền hạn của các thống đốc khu vực của Nga và ra lệnh thành lập một hội đồng điều phối dưới quyền của Thủ tướng Mikhail Mishustin. Động thái này được cho là nhằm hỗ trợ "hoạt động quân sự đặc biệt" của ông ở chiến trường Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine tại Antalya, ngày 10/3/2022, 15 ngày sau khi Nga tiến hành 'chiến dịch quân sự đặc biệt' vào Ukraine. (Ảnh: Ozan Kose/Getty Images)

Hôm 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào. Ông khẳng định rằng, Moscow sẽ xem xét đề xuất này nếu nhận được lời đề nghị.

"Chúng tôi nhiều lần nói rằng chúng tôi không bao giờ từ chối các cuộc đàm phán. Chúng tôi sẽ xem xét nếu nhận được lời đề nghị".

Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết Nga sẽ không từ chối cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào giữa tháng 11 ở Indonesia.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, Washington "rất ít tin tưởng" rằng Nga đưa ra lời đề nghị đàm phán nghiêm túc. Lý do ông đưa ra là Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra tuyên bố trong vòng vài giờ sau vụ tấn công tên lửa của Nga khiến dân thường ở Ukraine thiệt mạng.

"Chúng tôi thấy đây là lời đề nghị giả tạo. Chúng tôi không coi đây là một lời đề nghị nghiêm túc mang tính xây dựng nhằm đối thoại và ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo này", ông Price nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Mỹ thực sự đã tham chiến từ lâu trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

“Theo tôi, người Mỹ thực sự đã tham gia vào cuộc chiến này từ lâu. Cuộc chiến này đang được kiểm soát bởi người Anglo-Saxon”.

Ngoại trưởng Blinken cùng các quan chức Mỹ khác đã nhiều lần nói rằng, Moscow không quan tâm đến các hoạt động ngoại giao thực chất.

Đàm phán hòa bình đi vào bế tắc

Vào cuối tháng 3, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ. Cuối tháng 9, Nga tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine nên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố loại trừ khả năng đối thoại với ông Putin.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (30/9), ông Putin kêu gọi Ukraine “chấm dứt mọi hành động thù địch, chấm dứt cuộc chiến mà nước này bắt đầu từ năm 2014 và quay trở lại bàn đàm phán”.

Tuy nhiên, cùng ngày, ông Zelenskyy tuyên bố, "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là với một tổng thống khác của Nga".

ntdvn_volodymyr-zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, hôm 11/07/2022 tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: Getty Images)

Moscow và Kyiv đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ khi các cuộc đàm phán ở Istanbul kết thúc vào cuối tháng Ba. Phía Nga ban đầu bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình nhưng sau đó cáo buộc Ukraine đã quay lưng lại với tất cả những tiến bộ đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow nói rằng họ đã mất lòng tin vào các nhà đàm phán của Kyiv.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Không ai từ chối lựa chọn đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán. Tuy nhiên, vị trí của bạn trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Ngày nay, các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành trên chiến trường".

Ông nhấn mạnh: "Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang nói rõ điều này với tất cả các đối tác, họ cũng không loại trừ khả năng đàm phán".

Hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa của Nga tại một khu mua sắm vào ngày 13/10/2022 ở Kupiansk, Kharkiv, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Cả Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau khi tiến trình đàm phán giữa hai nước đình trệ từ cuối tháng 3.

Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ được so sánh với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - cuộc đối đầu đã đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân. Chiến tranh Nga - Ukraine đặt ra câu hỏi về việc, liệu Washington và Moscow có nên tham gia vào các cuộc đàm phán để tránh mở rộng chiến tranh, bao gồm cả một cuộc đối đầu hạt nhân hay không.

Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa" nước láng giềng. Tuy nhiên, cùng với những thất bại trên chiến trường, Nga gần đây đã ra lệnh điều động một phần lực lượng trong nước và tiến hành sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine. Động thái này đã khiến Nga rơi vào bế tắc khi vấp phải làn sóng phản đối trong nước và hứng chịu các đòn trừng phạt từ phương Tây.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ Blinken: Không có bằng chứng cho thấy Nga muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine