Nóng: Nga bắt phóng viên Mỹ nghi hoạt động gián điệp, Nhà Trắng phản ứng gay gắt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan an ninh Nga thông báo bắt một phóng viên tờ Wall Street Journal vì nghi thu thập thông tin bí mật quốc gia về doanh nghiệp quốc phòng.

Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), hôm thứ Năm (30/3) cho biết đã mở một vụ án hình sự chống lại công dân Mỹ Evan Gershkovich vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Điện Kremlin cho biết Gershkovich đã bị "bắt quả tang" nhưng không đưa ra bằng chứng tài liệu hay video nào.

Cơ quan này cho biết Evan Gershkovich bị nghi "thu thập thông tin trong diện bí mật quốc gia về hoạt động của một trong những doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga". FSB bắt Gershkovich khi phóng viên này "tìm cách nhận thông tin mật" ở thành phố Yekaterinburg.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ vô cùng quan ngại và các quan chức đã liên lạc với gia đình của Gershkovich. Các nhóm bênh vực nhà báo yêu cầu trả tự do cho Gershkovich. Tờ Wall Street Journal ra tuyên bố rằng họ "rất lo ngại cho an toàn của Gershkovich".

Vụ việc được cho là sẽ làm xấu đi nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moscow và Washington, đặc biệt khi cả hai đều là cường quốc hạt nhân. Mỹ chính là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine chiến đấu chống lại Nga. Washington cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moscow để gây sức ép buộc nước này phải chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.

Đây được cho là vụ án hình sự đầu tiên về tội gián điệp đối với một nhà báo nước ngoài ở nước Nga thời hậu Xô Viết, một tội danh có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Evan Gershkovich, nhà báo Mỹ làm việc cho tờ Wall Street Journal bị bắt giữ tại Nga vì nghi ngờ làm gián điệp cho Washington, được áp giải ra khỏi tòa án Lefortovsky ở Moscow vào ngày 30/3/2023. (Ảnh: KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP via Getty Images)

Gershkovich, 31 tuổi, là người Mỹ nổi tiếng nhất bị Nga bắt kể từ sau ngôi sao bóng rổ Brittney Griner, người bị bắt tại Moscow chỉ một tuần trước khi Nga tấn công Ukraine và được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân 10 tháng sau đó.

Với vụ việc của Gershkovich, các nhà phân tích cho rằng Nga đang mong muốn có một sự hoán đổi tù nhân khác hoặc một đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến Washington.

Olga Oliker, một nhà phân tích của International Crisis Group, cho biết: “Họ có thể đang tìm cách trao đổi anh ấy để lấy ai đó… hoặc để giữ anh ấy làm phương án dự phòng”.

Những người theo dõi Điện Kremlin cho biết vụ việc của Gershkovich gợi nhớ lại trường hợp của nhà báo Mỹ Nicholas Daniloff, người bị Liên Xô giam giữ và buộc tội làm gián điệp vào năm 1986 trước khi được trả tự do và về nước mà không bị xét xử. Khi đó, Daniloff nói rằng mình đã bị gài bẫy.

Các chuyên gia cho biết Gershkovich, người đã gia nhập văn phòng của Wall Street Journal ở Moscow vào tháng 1/2022, có thể đã bị bắt giữ vì đưa tin về chính trị. Đó chắc chắn là một thông điệp của chính quyền tới các nhà báo trên khắp nước Nga.

Yaroslav Shirshikov, một chuyên gia chính trị ở Yekaterinburg, nói với Reuters rằng ông đã trả lời phỏng vấn Gershkovich hai tuần trước và đã hẹn gặp lại nhà báo vào thứ Năm (30/3).

Ông cho biết Gershkovich đã hỏi về thái độ của người dân địa phương đối với đội quân đánh thuê của Tập đoàn Wagner đang chiến đấu ở Ukraine. Gershkovich nói rằng mình dự định đến Nizhny Tagil, một thành phố có nhà máy sản xuất xe tăng lớn, để tìm hiểu quan điểm của người dân về cuộc chiến Ukraine.

Shirshikov cho biết Gershkovich đã không đề cập đến việc muốn có thông tin về một nhà máy quân sự và anh ta không phải là "kẻ thù của nước Nga".

Maria Snegovaya, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết việc giam giữ Gershkovich cho thấy Nga ngày càng coi thường các biện pháp trừng phạt và danh tiếng quốc tế của mình.

“Đó có thể là một tín hiệu để các nhà báo nước ngoài biết ranh giới của họ, và cũng có thể là dành cho cả các nhà báo Nga”, Snegovaya nói.

Bà cũng lưu ý rằng Gershkovich đang nghiên cứu một chủ đề nhạy cảm - Tập đoàn Wagner - vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo Nga đang rất chú ý đến những thất bại trên chiến trường và thái độ của công chúng Nga đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Nga đã thắt chặt các biện pháp kiểm duyệt thông tin kể từ khi xua hàng trăm nghìn binh sĩ tiến đánh Ukraine vào tháng 2/2022. Chính quyền mở rộng định nghĩa về những gì cấu thành bí mật nhà nước và áp án tù cho những người bị coi là "làm mất uy tín" của quân đội.

“Vấn đề là luật pháp mới cập nhật gần đây của Nga và cách giải thích của FSB về hoạt động gián điệp ngày nay cho phép bỏ tù bất kỳ ai chỉ quan tâm đến các vấn đề quân sự”, Tatiana Stanovaya, một người theo dõi Điện Kremlin và là người sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik, cho biết.

Việc hoán đổi tù nhân để trả tự do cho Gershkovich sẽ trở nên phức tạp. Bởi cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan vẫn đang tiếp tục bị giam giữ tại Nga với cáo buộc gián điệp, điều mà Washington cũng cho là nguỵ tạo.

Chính quyền Biden đã phải đối mặt với những lời chỉ trích khi ngôi sao bóng rổ Griner được trả tự do còn Whelan thì tiếp tục bị giam giữ.

Những người Nga nổi tiếng hiện đang bị cầm tù ở Mỹ bao gồm: Roman Seleznev, con trai của một nhà lập pháp Nga bị bắt vì gian lận thẻ tín dụng trực tuyến, hay doanh nhân giàu có Vladislav Klyushin, bị kết tội hack mạng máy tính của Mỹ để lấy thông tin cho các giao dịch chứng khoán.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết còn quá sớm để nói về khả năng trao đổi.

Gershkovich là ai?

Evan Gershkovich, phóng viên của tờ Wall Street Journal bị bắt ở Nga vì tội gián điệp, 31 tuổi, là công dân Mỹ, đã đưa tin về Nga cho nhiều hãng tin khác nhau trong 6 năm.

Tại Wall Street Journal, Gershkovich đã báo cáo nhiều tin tức về hậu quả của cuộc chiến Ukraine.

Trong các cuộc trò chuyện với bạn bè, Gershkovich nói rằng vai trò của mình là kể câu chuyện về cuộc chiến đã thay đổi nước Nga như thế nào và bản thân biết rằng có thể phải đối mặt với nguy hiểm khi làm công việc này. Bởi luật kiểm duyệt nghiêm ngặt được chính phủ Nga thông qua ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Một bức ảnh của nhà báo Evan Gershkovich chụp vào ngày 24/7/2021. (Ảnh: DIMITAR DILKOFF/AFP via Getty Images)

Bạn của Gershkovich, nhà báo Joshua Yaffa của tờ New Yorker viết trên Twitter rằng: “Evan không phải là không biết hay ngây thơ về những rủi ro. Anh ấy là một nhà báo chuyên nghiệp, tận tụy, đã dũng cảm đến Nga để đưa tin về những câu chuyện được cả thế giới quan tâm".

Là một người nói tiếng Nga lưu loát, sinh ra từ một gia đình Liên Xô di cư và lớn lên ở New Jersey, Gershkovich chuyển đến Moscow vào cuối năm 2017 để tham gia tờ Moscow Times tiếng Anh, và sau đó làm việc cho hãng thông tấn quốc gia Pháp Agence France-Presse (AFP).

Nga tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2/2022, ngay khi Gershkovich đang ở London và chuẩn bị trở về Nga để gia nhập văn phòng của Wall Street Journal ở Moscow.

Toà báo phân công rằng Gershkovich sẽ sống ở London nhưng thường xuyên đến Nga để đưa tin với tư cách là phóng viên được Bộ Ngoại giao công nhận.

Chính trong một chuyến đi như vậy, tới thị trấn công nghiệp Yekaterinburg ở vùng núi Ural, Gershkovich đã bị FSB, cơ quan có tiền thân là KGB của Liên Xô, bắt giữ trong tuần này.

Vào thời gian cuộc chiến, Gershkovich đã đến Belarus, chứng kiến ​​​​các xe cứu thương của quân đội Nga lùi lại tại một bệnh viện cách biên giới Ukraine 50 km trong một báo cáo cho thấy Minsk đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga và chỉ ra rằng các lực lượng Nga đang chịu thương vong nặng nề.

Gershkovich đã nói chuyện với một người lính Nga để đưa ra một bản tường trình chi tiết về những sai lầm trong kế hoạch xâm lược của Nga, đồng thời đóng góp cho một bài báo lập luận rằng một Tổng thống "cô lập và đa nghi" như Vladimir Putin đã xây dựng một cấu trúc quyền lực thúc đẩy những tính toán sai lầm của ông ta trong chiến dịch.

Gershkovich cũng đưa tin từ các vùng biên giới của Nga, xem xét thái độ của người dân địa phương trước một chiến dịch tuyên truyền dữ dội của Điện Kremlin về cuộc xung đột có nguy cơ tràn vào thị trấn của họ.

Hôm thứ Năm (30/3), các nhóm nhân quyền, các nhà hoạt động và đồng nghiệp đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Gershkovich, vì một tòa án ở Moscow cho biết Gershkovich sẽ bị giam giữ trước khi xét xử ít nhất đến ngày 29/5.

'Cáo buộc gián điệp nực cười'

Trong diễn biến liên quan, Nhà Trắng chỉ trích Nga bắt phóng viên tờ Wall Street Journal là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi công dân Mỹ lập tức rời nước này.

"Chính phủ Nga nhắm vào các công dân Mỹ là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc bắt ông Gershkovich", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ngày 30/3. "Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng công dân Mỹ nên lắng nghe cảnh báo từ chính phủ Mỹ, không di chuyển đến Nga. Công dân Mỹ đang cư trú hoặc du lịch ở Nga nên rời đi ngay lập tức".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo hàng ngày tại Phòng họp báo Brady tại Nhà Trắng vào ngày 30/3/2023 ở Washington, DC. Jean-Pierre được hỏi về phản ứng của Chính quyền Biden đối với vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal ở Nga. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Bà Jean-Pierre bình luận ngay sau khi FSB thông báo bắt Evan Gershkovich vì nghi hoạt động gián điệp cho chính phủ Mỹ.

"Cáo buộc gián điệp thật nực cười", bà Jean-Pierre nói với báo giới. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về sự việc. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã liên hệ với phía Nga đề nghị được tiếp xúc lãnh sự với Gershkovich.

Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận thông tin. "Thông qua các kênh ngoại giao, phía Mỹ đã đề nghị tiếp xúc lãnh sự với công dân Mỹ Evan Gershkovich", theo người phát ngôn Maria Zakharova. "Việc tiếp xúc lãnh sự sẽ được cho phép trong thời gian tới".

FSB bắt Gershkovich trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Moscow, đặc biệt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Vụ bắt diễn ra sau khi Mỹ trao đổi "lái súng tử thần" Viktor Bout lấy vận động viên bóng rổ Brittney Griner, bị Nga bắt với cáo buộc tàng trữ ma túy và lĩnh án 9 năm tù.

Giới chuyên gia phương Tây từng nhận định sự kiện trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ hồi tháng 12/2022 cho thấy hai bên vẫn duy trì kênh liên lạc, bất chấp căng thẳng còn cao.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nóng: Nga bắt phóng viên Mỹ nghi hoạt động gián điệp, Nhà Trắng phản ứng gay gắt