Nóng: Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18, Kim Jong Un đe doạ 'phản công chết người'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tiên hôm thứ Sáu (14/4) cho biết họ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới, Hwasong-18, nhằm “thúc đẩy triệt để” khả năng phản công hạt nhân của nước này, theo hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ đạo cuộc thử nghiệm và cảnh báo nó sẽ khiến kẻ thù "trải qua một cuộc khủng hoảng an ninh rõ ràng hơn, đồng thời liên tục giáng cho chúng cảm giác bất an và kinh hoàng tột độ bằng cách thực hiện các hành động phản công gây chết người cho đến khi chúng từ bỏ suy nghĩ ngu ngốc và hành động liều lĩnh".

KCNA gọi vụ phóng này là "thành công phi thường" và là sự cải thiện về năng lực thực hiện "cuộc phản công hạt nhân" nhanh chóng của nước này.

Truyền thông Triều Tiên cũng công bố các ảnh chụp ông Kim theo dõi vụ phóng, cùng với vợ, em gái và con gái. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 được đặt trên một bệ phóng di động.

Hình ảnh vụ thử tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên. (Ảnh chụp màn hình Rodong Sinmun)

"Việc phát triển ICBM loại mới - Hwasong-18 - sẽ cải thiện sâu rộng các thành phần răn đe chiến lược của CHDCND Triều Tiên, thúc đẩy triệt để hiệu quả của hoạt động phản công hạt nhân và mang lại sự thay đổi về tính thực tiễn của chiến lược tấn công quân sự", KCNA đưa tin.

Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn cho loại tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc xuyên lục địa.

Từ lâu việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn được coi là mục tiêu quan trọng của Triều Tiên, vì nó có thể giúp Triều Tiên triển khai tên lửa nhanh hơn trong trường hợp chiến tranh.

Hầu hết các tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi chúng phải được nạp nhiên liệu đẩy tại bãi phóng - một quá trình tốn nhiều thời gian và nguy hiểm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vẫn đang phát triển loại vũ khí này và nước này cần thêm thời gian cũng như nỗ lực để làm chủ công nghệ, điều này cho thấy Bình Nhưỡng có thể thực hiện thêm nhiều vụ thử nữa.

"Đối với bất kỳ quốc gia nào vận hành lực lượng hạt nhân dựa trên tên lửa, quy mô lớn, tên lửa nhiên liệu rắn là khả năng vô cùng đáng mơ ước vì chúng không cần phải tiếp nhiên liệu ngay trước khi sử dụng", Ankit Panda, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), cho biết. "Những khả năng này giúp họ phản ứng nhanh hơn nhiều trong thời kỳ khủng hoảng".

Dù vậy, Panda cho rằng Triều Tiên gần như vẫn sẽ giữ lại một số hệ thống nhiên liệu lỏng, làm phức tạp thêm các tính toán của Mỹ và các đồng minh nếu một cuộc xung đột nổ ra.

Vann Van Diepen, cựu chuyên gia vũ khí của chính phủ Mỹ hiện đang làm việc với dự án 38 North, cho biết tên lửa nhiên liệu rắn vận hành dễ dàng và an toàn hơn, đồng thời cần ít hỗ trợ hậu cần hơn, khiến chúng khó bị phát hiện hơn và dễ sống sót hơn so với chất lỏng.

Triều Tiên lần đầu tiên phô diễn thứ có thể là ICBM nhiên liệu rắn mới trong cuộc duyệt binh vào tháng 2 sau khi thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao vào tháng 12 năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết, Mỹ có thể phân biệt được một vụ phóng bằng nhiên liệu rắn hay lỏng với các vệ tinh cảnh báo sớm, phát hiện sự khác biệt trong dữ liệu hồng ngoại do các loại tên lửa khác nhau tạo ra.

Vụ phóng mới nhất diễn ra vài ngày sau khi ông Kim kêu gọi tăng cường khả năng răn đe chiến tranh theo cách "thực tế và quyết liệt hơn" để chống lại điều mà Triều Tiên gọi là các động thái gây hấn của Mỹ.

Các quan chức cho biết tên lửa được bắn từ một địa điểm gần Bình Nhưỡng, bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên. Triều Tiên cho biết vụ thử không gây ra mối đe dọa nào đối với các nước láng giềng.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nóng: Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18, Kim Jong Un đe doạ 'phản công chết người'