Ông Biden gọi ông Tập là ‘nhà độc tài’ sau cuộc hội đàm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa gọi lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình là ‘nhà độc tài’ sau cuộc gặp mặt trực tiếp thứ hai của họ. Cuộc hội đàm kết thúc với việc hai nước giải quyết một loạt các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm liên lạc quân sự, fentanyl và Đài Loan.

“Sau ngày hôm nay, ông vẫn gọi Chủ tịch Tập là kẻ độc tài như hồi đầu năm chứ?”, một phóng viên đã đặt câu hỏi với tổng thống trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Tập.

“Ồ, đúng vậy”, Tổng thống Biden trả lời.

“Ý tôi là ông ấy [ông Tập] là một nhà độc tài theo nghĩa ông ấy là người điều hành một đất nước là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản dựa trên một hình thức chính phủ hoàn toàn khác so với hình thức chính phủ của chúng ta”.

Bình luận của ông Biden được đưa ra sau cuộc hội đàm kéo dài hai giờ tại khu di tích lịch sử hẻo lánh, cách San Francisco khoảng nửa giờ về phía nam. Trước khi bước vào cuộc thảo luận kín, cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc gặp đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ, trong đó phía Mỹ nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là ổn định mối quan hệ song phương đầy biến động hơn là thiết lập lại hoàn toàn.

Hai bên đã nhất trí khôi phục liên lạc quân sự cấp cao giữa quân đội hai nước, mà Trung Quốc đã cắt đứt vào tháng 8/2022 sau chuyến công du tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Tổng thống Biden tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đang quay trở lại hoạt động liên lạc trực tiếp, cởi mở và rõ ràng trên cơ sở trực tiếp. Ông ấy và tôi đã đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể trực tiếp nhận cuộc gọi và chúng tôi sẽ được lắng nghe ngay lập tức”.

Bên cạnh việc nhận được cam kết của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dòng chảy tiền chất fentanyl, Tổng thống Biden cho biết ông cũng nêu ra các vấn đề như công dân Mỹ bị cấm rời khỏi Trung Quốc, vấn đề nhân quyền, “các hoạt động khắc phục” của Trung Quốc ở Biển Đông, hòa bình và ổn định xung quanh Eo biển Đài Loan. Tổng thống cho biết, họ cũng trao đổi quan điểm về chiến tranh Nga - Ukraine và cuộc xung đột ở Gaza.

Trong một cuộc họp báo ngắn gọn ngay trước buổi họp báo, một quan chức chính quyền cấp cao đã tuyên bố rằng tổng thống “không thẳng tay”.

“Ông ấy tôn trọng và rất rõ ràng”, vị quan chức cho hay.

Cuộc gặp cấp cao bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương là lần thứ hai mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt trực tiếp dưới thời chính quyền ông Biden. Lần gặp mặt trực tiếp trước đây của họ diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.

Trong hội nghị thượng đỉnh, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã miêu tả Hoa Kỳ theo hướng tích cực. Tin tức tập trung vào mối quan hệ với Hoa Kỳ và các thỏa thuận song phương đạt được trong cuộc họp.

Trong cuộc họp báo ngày 14/11, một quan chức chính quyền cấp cao tuyên bố rằng họ “tham gia cuộc họp này với mức độ tin cậy cao”.

“Tôi nghĩ Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức thực sự”, quan chức này nói với các phóng viên.

“Đây không phải là bí mật”, ông cho hay, đề cập đến tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục và tình trạng hỗn loạn trên thị trường nhà đất, cả hai đều là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc.

“Tôi chỉ muốn nói rằng tôi nghĩ chúng tôi cảm thấy hài lòng về bối cảnh mà Hoa Kỳ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Zhou Rong/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Zhou Rong/The Epoch Times)

Hội nghị thượng đỉnh đã thu hút một nhóm các nhà hoạt động đa dạng đến San Francisco, những người quyết tâm vạch trần những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Cô Jenny Zhang, một học viên Pháp Luân Công đã bị đuổi khỏi trường đại học Trung Quốc vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, nói: “Tôi muốn làm mọi thứ có thể để nói với mọi người về cuộc đàn áp ở Trung Quốc. Trong hơn hai thập kỷ, ĐCSTQ đã sách nhiễu những người theo môn tu luyện tâm linh này”.

Cô nói thêm rằng các đồng tu của cô ở Trung Quốc đã bị đưa đến các trại lao động và bị buộc phải làm đồ trang trí Giáng sinh. Những sản phẩm này có thể sẽ được đưa đến các hộ gia đình ở Hoa Kỳ.

Cô nói với The Epoch Times rằng mọi người nên góp phần chấm dứt những hành vi lạm dụng này.

Khoảng giữa trưa ngày thứ Tư (15/11), hàng trăm người biểu tình chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuần hành qua trung tâm thành phố San Francisco, hô vang các khẩu hiệu như “Tây Tạng tự do” và “Hong Kong tự do”.

Một số lượng lớn các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cũng tập trung bên ngoài khu di tích lịch sử nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Biden - Tập, đã giương cao các biểu ngữ có dòng chữ như “virus ĐCSTQ”.

Họ hô vang khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản hãy hạ đài!”. Bên cạnh họ, những người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh vẫy những lá cờ đỏ lớn của ĐCSTQ.

The Epoch Times đã đưa tin rằng các lãnh sự quán Trung Quốc đang trả tiền cho cộng đồng người Trung Quốc để khuyến khích họ tham gia vào các cuộc phản biểu tình.

Anh Cruz Fairfield ở San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)
Anh Cruz Fairfield ở San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)

Anh Cruz Fairfield, một thanh niên 18 tuổi đến từ Central Valley, California, là một trong những người biểu tình đơn độc đã tổ chức các cuộc biểu tình nhiều ngày ở trung tâm thành phố San Francisco.

“Mọi người trên các phương tiện truyền thông của chúng tôi, kể cả tổng thống của tôi, đều gọi nhà độc tài Trung Quốc là Chủ tịch. Trung Quốc không có Chủ tịch, Trung Quốc có một nhà độc tài”, anh Fairfield nói với The Epoch Times vào ngày 14/11.

Anh Fairfield giương tấm biển ghi “Trung Quốc có trại tập trung”.

“Tôi chỉ ở đây để truyền bá nhận thức", anh nói. Ông hy vọng rằng khi mọi người nghĩ đến hội nghị thượng đỉnh kinh tế, họ sẽ nghĩ rằng tôi không muốn mua sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Tổng thống Biden trước đây từng mô tả ông Tập là một “nhà độc tài”. Vào tháng 6, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở về sau chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, Tổng thống Biden nhớ lại sự cố khinh khí cầu do thám và nói rằng việc bắn hạ khinh khí cầu khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc rất tức giận vì ông Tập “không biết nó ở đó”.

Ông Biden đưa ra nhận xét này tại một buổi gây quỹ ở tiểu bang California: “Lý do khiến ông Tập Cận Bình cực kỳ khó chịu khi tôi bắn hạ quả khí cầu đó với hai ô tô chở đầy thiết bị gián điệp là vì ông ta không biết nó ở đó”, ông Biden nói trong buổi gây quỹ.

“Đó là một sự hổ thẹn lớn đối với các nhà độc tài khi họ không biết chuyện gì đã xảy ra. Chuyện đó đáng lẽ không nên có”, ông Biden nói thêm.

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền Washington “đưa ra những kết quả cụ thể” thay vì nhượng bộ trước cuộc gặp song phương.

“Liệu Tổng thống Biden có đối đầu với Chủ tịch Tập vì ĐCSTQ dùng TikTok để theo dõi và thao túng người Mỹ?”, các thành viên của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện đã đặt câu hỏi trong một tuyên bố đưa ra trước cuộc họp.

“Liệu Tổng thống Biden có buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những lời dối trá mà nước này lan truyền trong đại dịch COVID-19 - đã giết chết hơn một triệu người Mỹ không?”

Trong khi đó, Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về ĐCSTQ, lưu ý rằng ông Tập sẽ tổ chức một bữa tiệc tối sau hội nghị thượng đỉnh với các giám đốc điều hành doanh nghiệp đã trả hàng nghìn USD để tham dự.

Ông viết trong một tuyên bố: “Thật vô lương tâm khi các công ty Mỹ có thể trả hàng nghìn USD để tham gia ‘tiệc tối chào mừng’ do chính các quan chức ĐCSTQ tổ chức, những người đã tạo điều kiện cho một cuộc diệt chủng nhắm vào hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội ở Tân Cương”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden gọi ông Tập là ‘nhà độc tài’ sau cuộc hội đàm