Phim tài liệu mới của NTD cảnh báo sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Hollywood

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người trong ngành cho biết, ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ đã hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để tiếp cận thị trường lớn thứ hai thế giới. Đồng thời, điều này cũng tạo điều kiện cho ĐCSTQ định hình nhận thức về chế độ độc tài của họ thông qua phim ảnh.

Đây là một chiến lược có chủ đích của ĐCSTQ nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến nhận thức của công chúng thông qua nghệ thuật và giải trí. Chiến thuật này đã được áp dụng từ thời nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ, Mao Trạch Đông.

Bộ phim tài liệu "Hollywood Takeover: China's Control in the Film Industry" (tạm dịch: Hollywood Bị thâu tóm: Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Ngành Điện ảnh) do NTD, cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, sản xuất, đã đưa ra lời cảnh tỉnh rõ ràng về sự thâm nhập của thông điệp ĐCSTQ vào ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ. Bộ phim dài một giờ này đã ra mắt tại nhà hát Harmony Gold ở Los Angeles (Mỹ) vào ngày 6/3.

Thông qua các cuộc phỏng vấn với các nhà sản xuất, diễn viên và chuyên gia an ninh quốc gia, bộ phim sẽ phác họa lịch sử về sự ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với nội dung phim Mỹ, những tác động đến văn hóa Mỹ và những nỗ lực của một số nhà làm phim nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này.

Sự cám dỗ của lợi nhuận và ảnh hưởng của ĐCSTQ lên phim Mỹ

Theo nhà sản xuất phim Chris Fenton, lợi nhuận béo bở từ thị trường giải trí đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nhà làm phim, bao gồm cả ông, dễ dàng bị chi phối bởi áp lực từ ĐCSTQ.

Ban đầu, những yêu cầu sửa đổi có vẻ vô hại, như xóa dây phơi quần áo khỏi bối cảnh đô thị Trung Quốc để tránh ám chỉ rằng cuộc sống của người dân thiếu thốn. Dần dần, bản chất và phạm vi của những thay đổi leo thang, dẫn đến việc tô vẽ hình ảnh cuộc sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ, thậm chí còn lý tưởng hóa hơn so với cuộc sống tại Hoa Kỳ.

Ông Fenton, người từng tham gia sản xuất các bộ phim bom tấn như "Iron Man 3", đã mô tả, trong số những sự việc khác, cảnh quay cuối cùng của bộ phim "Looper" năm 2012, có sự tham gia của Joseph Gordon-Levitt, Bruce Willis và Emily Blunt, đã được chuyển bối cảnh từ Pháp sang Trung Quốc, miêu tả một tương lai lý tưởng dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Theo nhà làm phim và nhà hoạt động Jason Jones, nhiều bộ phim đã bị thay đổi để miêu tả kẻ thù của ĐCSTQ thành những kẻ khủng bố. Ông Jones cho biết một ví dụ điển hình là phiên bản live-action năm 2020 của bộ phim "Mulan" do Disney sản xuất. Phim có cảnh quay gần các trại tập trung giam giữ người Duy Ngô Nhĩ - một dân tộc thiểu số bị đàn áp ở tây bắc Trung Quốc.

Ông Jones nói với The Epoch Times: "Disney đang biến người Duy Ngô Nhĩ thành những nhân vật phản diện đáng sợ trong phim của họ".

Ngôi sao hành động John Cena từng khiến Trung Quốc phật ý khi tuyên bố Đài Loan là một quốc gia vào năm 2021. Trung Quốc luôn coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình. Hậu quả là diễn viên John Cena buộc phải đưa ra lời xin lỗi ĐCSTQ bằng tiếng Quan Thoại.

Diễn viên Jason Jones chia sẻ: "Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Bắc Kinh đang cố gắng định hình cách chúng ta nhìn nhận hệ thống của họ”.

Ảnh hưởng đến văn hóa Mỹ

Theo cặp đôi Hollywood Kevin và Sam Sorbo, những diễn viên từng tham gia loạt phim "Hercules" và sản xuất các bộ phim giải trí cho gia đình như "Soul Surfer" và "God's Not Dead", thông điệp của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến văn hóa Mỹ.

"Khi tách rời con người khỏi quá khứ, ta dễ dàng kiểm soát tương lai của họ", bà Sorbo nhận định, đề cập đến vấn đề bóp méo lịch sử ngày càng phổ biến trong các tác phẩm giải trí.

“Sự thao túng này đã xảy ra từ lâu trước khi nó ảnh hưởng đến Hollywood; nó đã len lỏi vào các trường học của chúng ta", bà Sorbo nhấn mạnh. “Hollywood đã trở nên dễ bị thao túng hơn”.

Các nhà sản xuất phim tài liệu "Hollywood Takeover" (tạm dịch: Sự thâu tóm Hollywood) đã đưa ra một quan điểm đáng chú ý: ĐCSTQ coi nghệ thuật và giải trí như một vũ khí chiến tranh.

Bà Tiffany Meier, nhà sản xuất kiêm người dẫn chương trình của bộ phim, đồng thời là người dẫn chương trình "China in Focus" của đài NTD, chia sẻ với The Epoch Times: "ĐCSTQ hiểu rằng, nếu kiểm soát được văn hóa, họ sẽ kiểm soát được chính trị. Trung Quốc thực sự sử dụng nghệ thuật như một vũ khí, trong khi ở Mỹ, chúng tôi coi đó là nơi thể hiện tự do sáng tạo. Đây là cách họ [ĐCSTQ] hủy hoại đất nước chúng tôi mà không cần đến chiến tranh”.

Chuyên gia phản gián Casey Fleming đã gọi nỗ lực này là "chiến tranh phi giới hạn", bao gồm cả việc ĐCSTQ tuồn fentanyl vào Hoa Kỳ. Ông nói, truyền thông cũng là một trong những phương thức đó.

"Đó là chiến tranh nhận thức, bao gồm cả chiến tranh thông tin", ông Fleming nói. "Đó chính là những gì chúng ta đang bàn đến”.

"Chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc chiến", ông Sorbo nói. "Chúng ta phải lên tiếng về những điều chúng ta sẽ không làm, đó là không để bị đe dọa, không bị ép buộc phải làm những điều làm thay đổi văn hóa của đất nước này".

Đảo ngược tình thế

Trước đây, ông Fenton từng hối hả chạy theo sự hợp tác với ĐCSTQ trong các dự án phim nhằm gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, giờ đây ông đã dần nhận thức được những thiệt hại tiềm ẩn của điều này đối với văn hóa Mỹ. Hiện tại, ông đang hợp tác với các giám đốc điều hành điện ảnh và một số thành viên Quốc hội Mỹ để giải quyết vấn đề này.

Theo ông, giải pháp nằm ở việc đối thoại thẳng thắn và phản kháng lại những nỗ lực thao túng quá mức vào ngành công nghiệp điện ảnh.

"Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của các nhà làm phim", ông Fenton tuyên bố. "Hollywood là thành trì của sự sáng tạo. Chúng tôi cần bảo vệ điều đó; nếu không, chúng tôi sẽ biến thành công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ và bị chi phối nội dung sản xuất".

Ông Fenton cũng đề cập đến sự gia tăng của phong trào kêu gọi cấm TikTok, ứng dụng mạng xã hội phổ biến thuộc sở hữu của Trung Quốc. Phong trào này xuất phát từ lo ngại về việc TikTok có thể được sử dụng như một công cụ cho chiến tranh thông tin.

Nhiều chuyên gia tin rằng TikTok đang bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng để thu thập dữ liệu người dùng và lan truyền thông tin sai lệch. Do đó, nhiều người lo ngại rằng ứng dụng này có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến quan điểm của người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Buổi ra mắt bộ phim "Hollywood Takeover" của đài NTD tại rạp Harmony Gold ở Los Angeles vào ngày 6/3/2024. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Buổi ra mắt bộ phim "Hollywood Takeover" của đài NTD tại rạp Harmony Gold ở Los Angeles vào ngày 6/3/2024. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)

Theo các chuyên gia, sự lựa chọn của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bức tranh văn hóa của Hoa Kỳ.

Ông Sorbo cũng kêu gọi mọi người ủng hộ những bộ phim nhỏ mang những thông điệp ý nghĩa.

Ông Fleming thậm chí còn đề xuất cắt giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc bằng cách ngừng mua hàng hóa và rút quỹ đầu tư khỏi quốc gia này. Lý do là vì Trung Quốc hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Nhà phê bình phim Christian Toto cho rằng giải pháp cuối cùng là Hollywood cần phục hồi tình yêu dành cho nước Mỹ và quay trở lại sản xuất những bộ phim tôn vinh những nét đẹp nhất của cuộc sống và văn hóa Hoa Kỳ.

Mô hình tuyên truyền của Trung Quốc rất hung hãn và ông Toto không muốn điều đó xảy ra ở Mỹ. Thay vào đó, ông cho rằng Hollywood nên tôn vinh những quyền tự do mà người Mỹ có được trên màn ảnh. Phim ảnh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu bản sắc dân tộc của Hoa Kỳ với thế giới.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phim tài liệu mới của NTD cảnh báo sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Hollywood