Quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2024 liệu có nổi sóng gió?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày cuối cùng của năm 2023, tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc ra bài viết “Tiếp nối quá khứ hướng tới tương lai, thúc đẩy quá trình ‘Khởi động lại’ quan hệ Trung-Mỹ”. Sang ngày đầu tiên của năm 2024, tờ Tân Hoa Net lại cao giọng đưa tin, “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trao đổi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. Rồi lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các đặc phái viên ở nước ngoài “phải can đảm và giỏi giang trong việc chiến đấu hết mình”. Thế nhưng, Bắc Kinh tự biết mình yếu thế, nên chỉ có thể đưa ra lời kêu gọi với Mỹ. Rõ ràng là lãnh đạo Trung Nam Hải đang rất lo lắng về giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm 2024 có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ‘sóng to gió lớn’ mới.

Trung Quốc sợ các nhà ngoại giao thông đồng với kẻ thù

Từ ngày 27 - 28 /12, Trung Quốc tổ chức hội nghị công tác đối ngoại, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổng kết 10 thất bại trong công tác đối ngoại thành 10 “thành tựu mang tính lịch sử”. Hội nghị lần này trước tiên là sự cần thiết cho đấu tranh nội bộ.

Hội nghị khăng khăng nói rằng tính chủ động trong công tác đối ngoại của Trung Quốc đã “gia tăng đáng kể”, nhưng trên thực tế nó ngày càng trở nên thụ động. Hội nghị không đưa ra được chiến lược mới nào, tất nhiên đại đa số quan chức chỉ có thể ngồi im lắng nghe, chứ không có tư cách phát biểu, bởi ông Tập nhấn mạnh: “Phải kiên quyết khẳng định quyền hành ngoại giao nằm ở Trung ương Đảng… Triển khai các quyết sách về công tác đối ngoại của Trung ương Đảng một cách trọn vẹn và tuyệt đối”.

Tân Hoa Xã đưa tin: “Chúng ta phải phát huy tinh thần đấu tranh và kiên quyết phản đối hết thảy chính trị bạo quyền cũng như hành vi bắt nạt”. Câu này đã không nói thẳng tên Hoa Kỳ, cho thấy lập trường của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ không hề thay đổi, ông Tập ít nhất không được tỏ ra yếu thế trước mặt các quan chức, nếu không các quyết sách và chiến lược trước đó sẽ bị lung lay.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập thừa nhận “công tác đối ngoại đã trải qua không ít sóng to gió lớn”. Ông cũng ra sức che đậy hàng loạt thất bại bằng “tiến bộ quanh co”, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng “ngoại giao sẽ bước vào một giai đoạn mới với nhiều thành quả hơn”.

Các nhà ngoại giao của Trung Quốc rất thành thạo trong việc đóng vai chiến binh sói, nhưng khi “kể các câu chuyện” lại thường hay ‘râu ông này cắm cằm bà kia’’, và họ cũng không có được người bạn đúng nghĩa trên trường quốc tế. Họ do lãnh đạo Trung Quốc bổ nhiệm và chỉ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Trung Quốc, họ không đại diện cho lợi ích của người dân Trung Quốc, mà chỉ một mực xu nịnh cấp trên và cân nhắc xem liệu mình có thể thăng chức hay không. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không thực sự tin tưởng họ.

Ông Tập từng nói: “Chúng ta phải xây dựng một tuyến phòng thủ tư tưởng vững chắc, luôn tôn trọng bản thân, nhìn lại bản thân, nhắc nhở bản thân, và động viên bản thân; đồng thời là người nhạy bén, có niềm tin chính trị vững vàng và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc, kỷ luật… luôn đặt các quy tắc, kỷ luật ở ngay trước mặt… và trung thành với đảng”.

Mọi người có thể nghe hiểu rằng đây là lời cảnh báo cho những người có mặt đừng cố gắng trở thành Tần Cương thứ hai. Điều này cũng tiết lộ vấn đề của ông Tần Cương ít nhất có liên quan đến sự “không trung thành” hoặc không duy trì được “ranh giới trong tư tưởng”. Những vấn đề tương tự rất có thể xảy ra trong đoạn thời gian ông giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Tất cả đặc phái viên của Trung Quốc đều được triệu hồi về Bắc Kinh, dường như để ngăn chặn có thêm ai đó làm phản, đầu hàng kẻ thù. Không ai có thể tin được trong hệ thống ngoại giao của Trung Quốc, ông Vương Nghị, vị tướng bại trận, vẫn giữ được cương vị hiện tại trong bao lâu, đây sẽ là tâm điểm chú ý lớn trong năm 2024.

Khi Trung Quốc đang trong bờ vực suy thoái, điều họ lo sợ nhất chính là trong nội bộ có kẻ dã tâm phát động đảo chính. Những kẻ dã tâm như vậy nếu còn tư thông Mỹ, đương nhiên sẽ là điều tồi tệ nhất. Vì vậy, ngay khi công tác đối ngoại hoàn thành, Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi với Hoa Kỳ. Vào ngày 31 tháng 12, tờ Tân Hoa Net đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Tiếp nối quá khứ hướng tới tương lai, thúc đẩy quá trình ‘Khởi động lại’ quan hệ Trung-Mỹ”. Bài viết nêu rõ mỗi quốc gia “có quyền lựa chọn một thể chế xã hội và con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình… Việc hai bên cố gắng thay đổi đối phương là điều không thể và cũng không cần thiết”.

Về đối ngoại, quốc gia mà Trung Quốc xem trọng nhất vẫn là Hoa Kỳ, bây giờ nó sợ Hoa Kỳ sẽ bất ngờ đứng ra đoàn kết với thế giới tự do để giải thể chính quyền Trung Quốc, đây cũng là “sóng to gió lớn” bên ngoài mà Trung Quốc lo sợ nhất lo lắng trong năm 2024.

Tác động của bầu cử Đài Loan

Cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan. Tại cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng 11/2023, ông Tập Cận Bình nói cần phải “thống nhất” Đài Loan; còn ông Biden nhấn mạnh phản đối việc sử dụng vũ lực để “thay đổi hiện trạng” của Đài Loan. Quân đội Trung Quốc đang trải qua một cuộc thanh trừng lớn và tạm thời không dám dùng vũ lực chống lại Đài Loan, nhưng họ lại can dự toàn diện vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Tất nhiên Tòa Bạch Ốc cũng đang quan sát, nhưng với tư cách là một quốc gia dân chủ, nguyên tắc cơ bản là không can thiệp vào cuộc bầu cử dân chủ của quốc gia hoặc khu vực khác.

Vào ngày 31/12/2023, trang Tân Hoa Net đưa tin rằng việc sửa đổi Luật bầu cử Đặc khu trưởng của Đặc khu hành chính Ma Cao có hiệu lực vào ngày 1/1/2024. Báo cáo nêu rõ “Ủy ban Giữ gìn An ninh Quốc gia có trách nhiệm xem xét sự ủng hộ và lòng trung thành của những người được đề cử và các ứng cử viên”. Điều này tương đương với việc ngăn chặn bất kỳ ứng cử viên nào không được Trung Quốc công nhận.

Báo cáo cũng nêu rõ "việc ngang nhiên kích động không bỏ phiếu, bỏ phiếu trống hoặc hủy đi lá phiếu sẽ cấu thành tội hình sự". Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn chưa tự tin về cuộc “bầu cử” đối với vòng tròn nhỏ 400 người ở Ma Cao đã được sắp đặt trước. Nó còn buộc tất cả những người trong vòng tròn nhỏ chỉ có thể bỏ phiếu cho những người được Trung Quốc lựa chọn, những ai “không bỏ phiếu, bỏ phiếu trống hoặc hủy đi lá phiếu” chính là phạm tội.

Nếu Bắc Kinh thành công trong việc nâng đỡ một Tổng thống thân Trung Quốc đắc cử Tổng thống Đài Loan, họ sẽ háo hức sao chép mô hình Hồng Kông và Macao này sang Đài Loan. Đài Loan, nơi vốn được xem khu vực then chốt trong giao tranh giữa Trung Quốc với Mỹ, có thể nhanh chóng bị mất đi trạng thái cân bằng tạm thời, và hiện trạng có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Hoa Kỳ sẽ không thể ngồi yên, phản ứng của Nhà Trắng dù có mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ mang đến những thay đổi khó lường, vượt xa sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Hoa Kỳ vào đầu năm 2023.

Liên minh Mỹ-Nhật-Hàn và Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn

Cho dù Đài Loan có thay đổi như thế nào, Hoa Kỳ sẽ tăng cường hơn nữa các liên minh song phương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cũng như liên minh ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cùng nhau giải quyết các mối đe dọa trực tiếp từ Trung Quốc, Triều Tiên cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn từ Nga.

Tổng thống Mỹ Biden đã mời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có chuyến thăm đến Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 2024. Các nguyên thủ quốc gia Mỹ - Nhật - Hàn cũng có thể tổ chức cuộc gặp ba bên vào thời điểm thích hợp. Xu hướng ba bên kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực quân sự, khoa học công nghệ và thương mại sẽ tiếp tục gia tăng và ba nước cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vai trò của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở Đông Bắc Á, mà còn mở rộng sang các nước ASEAN, tích hợp với Tứ giác kim cương của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, là liên minh cốt lõi trong cuộc “cạnh tranh” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc không thể thay đổi tình trạng này, và thậm chí còn không nguyện ý thử thay đổi nó. Hàn Quốc đang thúc đẩy tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng có ý kiến ​​cho rằng Bắc Kinh cần giải quyết triệt để tình hình ở Đài Loan và đã nhiều lần trì hoãn thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên, hơn nữa bản thân ông Tập vẫn không ra mặt, mà đều do ông Lý Cường đại diện. Có thể thấy, Trung Quốc không có ý định tích cực thay đổi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc với Hàn Quốc. Bắc Kinh luôn coi thường Nhật Bản, và càng coi thường Hàn Quốc, có thể Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn nhận ra rằng sự hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mang lại nhiều “sóng to gió lớn” hơn cho chính nó trong năm 2024.

Đối đầu ở Biển Đông

Trong năm 2023, Bắc Kinh đã nhiều lần khiêu khích Philippines ở Biển Đông để thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, và nó có thể vẫn làm như vậy trong năm 2024. Năm 2023, Philippines đã ngả vào vòng tay Hoa Kỳ. Hành động giận cá chém thớt của Trung Quốc đã đẩy Philippines về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng đã hợp tác với Nhật Bản, Úc và các đồng minh khác trong việc tuần tra Biển Đông và hỗ trợ Philippines.

Hoa Kỳ không thể cho phép Philippines trở thành một pháo đài khác trong chuỗi đảo thứ nhất có thể bị công phá, điều như vậy cũng tương tự với Malaysia, Singapore và Indonesia. Úc cũng sẽ không cho phép Trung Quốc đặt chân vào cửa ngõ phía bắc và tái diễn một màn Chiến tranh Thái Bình Dương. Nhật Bản và Philippines là hai góc phía bắc và phía nam của eo biển Đài Loan, và mỗi bên đều biết tầm quan trọng của nhau.

Hội nghị thượng đỉnh G7+ khiến Trung Quốc càng thêm bất lực

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2024 sẽ được tổ chức tại Ý từ ngày 13-15/6. Lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phương Tây và Liên minh châu Âu sẽ lần nữa hội tụ, một số nguyên thủ của các nước không phải thành viên cũng sẽ được mời tham gia như thường lệ. Trung Quốc chắc chắn sẽ bị loại, nhưng lại phải luôn bám sát mỗi lời tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7.

Chiến tranh Nga-Ukraine là sự kiện lớn đầu tiên mà châu Âu chú ý đến, tất cả các nước đều biết sự cần thiết phải giúp đỡ Ukraine và làm suy yếu hoặc đánh bại Nga, Thượng đỉnh G7 chắc chắn sẽ lần nữa cảnh báo Trung Quốc không được hỗ trợ Nga. Hành vi phi thị trường của Trung Quốc nhằm tạo ra sự mất cân bằng trong thương mại và trộm cắp tài sản trí tuệ là những vấn đề mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt.Về các vấn đề như Eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông, Bán đảo Triều Tiên và nhân quyền; hội nghị thượng đỉnh G7 vẫn sẽ trực tiếp nhắm vào Trung Quốc và cùng nhau ngăn chặn Trung Quốc.

Đến lúc đó, hướng đi trong mối quan hệ Trung Quốc- Liên minh châu Âu có thể được làm rõ hơn. “Sóng to gió lớn” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không dừng lại, và cũng có thể có một đợt “sóng to gió lớn” khác giữa Trung Quốc và châu Âu.

Vấn đề Trung Đông vẫn chưa được giải quyết, Bắc Kinh trước sau vẫn không chịu lên án các cuộc tấn công khủng bố của Hamas và vẫn sẽ không ngừng âm thầm gây rối, vấn đề này dự kiến ​​sẽ trở thành chủ đề mới chống lại Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Kiềm chế tình hình ở Trung Đông

Cuộc chiến xóa sổ Hamas của Israel ngày càng kéo dài và sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông đã ngăn cản các quốc gia và tổ chức khác khai mào một cuộc chiến quy mô lớn chống lại Israel. Hầu hết các nước vẫn dựa vào Mỹ để duy trì an ninh ở Trung Đông, Trung Quốc không thể làm được điều này, nhiều nhất chỉ có thể gây rối, xem đó như một biện pháp để kiềm chế Mỹ.

Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen ngày càng hung hăng, một lần nữa nhắm vào tàu buôn của nhiều nước đi qua Biển Đỏ, những tràng pháo tay khích lệ của Trung Quốc dường như đã có tác dụng, có điều Mỹ cũng đã đoàn kết thêm nhiều nước thành lập hạm đội hộ tống tàu thuyền. Các nước Trung Đông và toàn thế giới thừa biết ai đang gây rối đằng sau hậu trường, và ai thực sự có năng lực và sẵn sàng duy trì trật tự, an ninh quốc tế.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc liên tục bị bó hẹp, và cố gắng tìm kiếm bước đột phá ở Trung Đông, để đối đầu với Hoa Kỳ, ngoài mặt Trung Quốc đang làm những điều trái ngược với những gì nó lén làm ở Trung Đông. Bắc Kinh không có khả năng kiểm soát tình hình ở Trung Đông và “tình trạng hỗn loạn” do nó gây ra cuối cùng có thể mang vạ vào thân trong năm 2024 mà thôi.

Ông Biden và ông Tập có thể sẽ không gặp lại nhau vào năm 2024

Năm 2023, Trung Quốc và Hoa Kỳ vì “sự cố khinh khí cầu” mà trong nửa năm đầu căn bản không có liên lạc với nhau. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Antony Blinken chỉ đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6, sau đó Ngoại trưởng Trung Quốc là ông Tần Cương xảy ra chuyện, không thể kịp thời viếng thăm Hoa Kỳ. Vào tháng 9, lãnh đạo Trung Quốc đã vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ phải đến tháng 11 mới diễn ra.

Tổng thống Mỹ là ông Biden chỉ còn nhiệm kỳ một năm nữa, nếu không thể tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/11, ông Biden và ông Tập có thể sẽ không gặp lại nhau vào năm 2024.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 sẽ được tổ chức tại Brazil từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11. Brazil là 1 trong 5 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và cũng là một trong những đối tượng quan trọng mà Bắc Kinh muốn lôi kéo, ông Tập khả năng cao sẽ đến tham dự, nhưng tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục xấu đi, do vậy vẫn là một ẩn số. Hội nghị thượng đỉnh APEC 2024 sẽ được tổ chức tại Peru, tuy nhiên thời gian vẫn chưa được quyết định.

Ngày 1/1, Tân Hoa Xã đưa tin “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã trao đổi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. Báo cáo tiếp tục đề cao “Tầm nhìn San Francisco” do chủ tịch Tập đề xuất; nhưng chỉ nói rằng, Trong thư chúc mừng, ông Biden bày tỏ “cam kết quản lý có trách nhiệm” quan hệ Mỹ-Trung và không hồi đáp lại “Tầm nhìn San Francisco”.

Nhân dịp năm mới, hai người đã viết thư cho nhau nhưng cả hai đều không chúc nhau năm mới. Các nguyên thủ nước ngoài đã trao nhau lời chúc mừng năm mới với ông Tập Cận Bình được Tân Hoa Xã đưa tin, đến nay chỉ có Nga và Triều Tiên mà thôi, điều này cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, đến năm 2024 sẽ tròn 75 năm; tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được thiết lập chỉ mới 45 năm, hai bên phải đến năm 1979 mới thiết lập quan hệ ngoại giao, và hiện cả hai đang quay trở lại con đường đối đầu.

Ông Tập có lẽ đang chú ý đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 và phải suy nghĩ về khả năng đối đầu với ông Trump một lần nữa. Tất nhiên, ông Tập càng lo lắng hơn về việc liệu ông có thể bình yên kinh qua năm 2024 hay không, và liệu chính quyền Trung Quốc có thể sống sót qua năm 2024 hay không.

Trong năm 2024 này, những cơn “sóng to gió lớn” trong mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ không ít hơn năm 2023. Vào ngày 29 tháng 12 năm 2023, Quốc hội Trung Quốc đã loại 9 quan chức quân đội khỏi tư cách đại biểu Quốc hội, động thái này dường như báo trước “sóng gió” trong nội bộ Trung Quốc có thể sẽ lớn hơn và cấp bách hơn.

Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2024 liệu có nổi sóng gió?