Sai lầm chiến thuật khiến phòng tuyến Nga suy yếu, lính dù Nga đang kiệt sức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau những ngày tháng bế tắc, cuộc phản công của Ukraine đang đạt được nhiều bước đột phá lớn hơn trên các chiến địa quan trọng. Phòng tuyến được cho là vững chắc như tường đồng vách sắt của Nga hoá ra lại có những tử huyệt lớn. Quân Nga dường như dồn quá nhiều nhân lực và vũ khí cho tuyến phòng thủ đầu tiên, khiến những lớp bảo vệ phía sau mỏng hơn và dễ bị xuyên thủng. Trong khi đó, tàu ngầm tấn công và những đơn vị lính dù tinh nhuệ Nga cũng đang chịu tổn thất không thể bù đắp.

Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 17/9 thông báo quân đội nước này đã giành lại Klishchiivka, làng chiến lược gần thành phố tiền tuyến Bakhmut. Ngôi làng được coi là bàn đạp để Ukraine có thể đánh thọc sâu vào phòng tuyến Nga ở phía nam, đồng thời đe dọa tuyến hậu cần tiếp tế cho Bakhmut.

Illia Yevlash, phát ngôn viên quân khu miền đông của Ukraine, cho biết: "Thành công này khiến đối phương bị hở sườn ở phía nam, cho phép chúng tôi tiến công vào các phòng tuyến ở phía sau và tập kích tầm xa chính xác hơn bằng pháo binh, UAV tự sát".

Đây được coi là thành quả đáng khích lệ với Ukraine, khi họ đã chọc thủng được phòng tuyến kiên cố nhất của Nga sau hơn ba tháng phản công. Chiếm được Klishchiivka cùng làng chiến lược Robotyne ở tỉnh Zaporizhzhia, quân đội Ukraine có thể tiến đánh xa hơn tới Tokmak, thị trấn then chốt nằm cách thành phố Melitopol khoảng 80 km.

Chiến dịch phản công của Ukraine từ đầu tháng 6 diễn biến không thuận lợi, chủ yếu là do vấp phải phòng tuyến đầu tiên mà Nga đã đầu tư nhiều thời gian, công sức xây dựng ở miền đông và miền nam. Chúng gồm hệ thống chiến hào chằng chịt, kết hợp với những bãi mìn dày đặc và phòng tuyến "răng rồng" cản trở đà tiến của xe tăng, thiết giáp đối phương.

Nga cũng triển khai lượng lớn lính dù tinh nhuệ kết hợp cùng các đơn vị tình nguyện hoặc nghĩa vụ ở tiền tuyến để bảo vệ phòng tuyến đầu tiên trước chiến dịch phản công của Ukraine.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích quân sự, Nga đã phạm phải sai lầm chiến thuật khi đầu tư quá nhiều công sức, lực lượng cho hệ thống phòng thủ đầu tiên trải dài hàng trăm km, khiến các lớp phòng thủ phía sau mỏng hơn rất nhiều. Sai lầm đó sẽ bộc lộ khi phòng tuyến đầu tiên bị vỡ và Ukraine dồn lực xuyên phá, phát triển mũi tấn công.

Michael Kofman, nhà phân tích quốc phòng và thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết Ukraine đang tìm cách phá vỡ tiếp phòng tuyến thứ hai của Nga và nhiệm vụ có lẽ sẽ dễ dàng hơn so với việc công phá lớp "lá chắn" đầu tiên.

Các tướng lĩnh Ukraine cũng có chung nhận định, cho rằng về lý thuyết, trận địa phòng ngự của Nga được bố trí theo chiều sâu, nhiều tầng, nhiều lớp, cho phép binh sĩ tuyến đầu có thể lùi về sau để tái bố trí lực lượng, kìm hãm bước tiến của đối phương.

Trận địa phòng ngự này được xây dựng theo ý tưởng của tướng Sergei Surovikin, người từng chỉ huy toàn bộ chiến dịch tại đây. Tuy nhiên, Surovikin sau đó mất chức và gần như không còn xuất hiện sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6. Tướng Surovikin được cho là có mối liên hệ mật thiết với Wagner.

Người thay thế tướng Surovikin là Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người có tư duy chiến lược khác biệt. Trong khi Surovikin muốn triển khai thế trận phòng thủ tại chỗ cổ điển, tướng Gerasimov lại muốn áp dụng tư duy "phòng ngự chủ động", tiến hành các đợt phản công theo nhiều hướng thay vì ở yên trong chiến hào đợi địch.

Kết quả là thay vì bố trí lực lượng trong phòng tuyến như ý tưởng ban đầu của Surovikin, quân Nga đã liên tiếp tiến hành các cuộc phản công phía trước trận địa để đánh chặn từ sớm các mũi tiến công của Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng đây là "chiến thuật rất tốn kém", khiến Nga mất một lượng đáng kể thiết giáp và binh sĩ trong các trận giao tranh bên ngoài phòng tuyến kiên cố.

Viktor Kivliuk, đại tá quân đội về hưu hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, cho hay. "Phòng tuyến của Nga trông đợi vào những binh sĩ có thể rút lui về tuyến hai để tái bố trí phòng thủ. Nhưng nếu không còn người rút lui từ tuyến đầu, ai sẽ bảo vệ tuyến hai?".

Kivliuk giải thích rằng lực lượng Nga vẫn còn nhiều bộ binh, nhưng không đủ xe tăng, xe chiến đấu để nhanh chóng đưa họ di chuyển từ tuyến đầu về tuyến sau, khiến phần lớn binh sĩ phải hành quân bộ, trong khi tốc độ là yếu tố rất quan trọng. Họ đang làm theo mệnh lệnh của chỉ huy, nhưng thiếu hụt phương tiện cơ giới khiến họ không thể thực hiện nó một cách chính xác.

Quân đội Ukraine dường như đã nhận ra sai lầm này của Nga và đang nỗ lực thúc đẩy đà tiến công về phía Tokmak, khi các đơn vị Nga ở tuyến phòng thủ đầu tiên chưa kịp củng cố trận địa. Do không có quân rút về từ tuyến đầu, Nga đang phải tung ra lực lượng lính dù tinh nhuệ, vốn đóng vai trò dự bị chiến lược, tới tăng cường phòng ngự ở Tokmak.

Nga từng triển khai Sư đoàn Cận vệ Xung kích Đường không số 76, đơn vị tinh nhuệ nhất, đến tỉnh Zaporizhzhia để "bịt lỗ hổng" sau khi Ukraine chiếm được làng chiến lược Robotyne.

Lính dù Nga giờ đây đang lập chốt kiểm soát và đào hào chống tăng dọc con đường dẫn đến Tokmak. Động thái này cho thấy Nga ngày càng lo ngại khi các mũi tiến công chiến thuật của Ukraine đã xuyên thủng được phòng tuyến đầu tiên.

Theo bản cập nhật tình báo hôm 18/9 từ Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã buộc phải thay thế các lực lượng bộ binh kiệt sức của mình trên tiền tuyến Zaporizhzhia bằng các đơn vị từ Lực lượng lính dù tinh nhuệ của mình.

Việc phải triển khai lính đổ bộ đường không chiến đấu trên mặt đất ở tiền tuyến được coi là một bước lùi của Nga. Lính dù được coi là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), chiến thuật đó của Nga sẽ phản tác dụng. Moscow đã chuyển sang dùng lính tinh nhuệ để bảo vệ các vị trí phòng tuyến của mình chống lại cuộc phản công của Kyiv.

Hậu quả là lực lượng tinh nhuệ này đã phải gánh chịu thương vọng nặng nề hơn, bao gồm cả việc một chỉ huy cấp cao của họ thiệt mạng vào đầu tháng này. Lính dù vốn có vai trò như những lực lượng tấn công đặc biệt, tạo mũi xuyên phá vào phòng tuyến đối phương, rất mạnh về tấn công nhưng có ít kĩ năng phòng ngự. Những trận chiến gần đây ở chiến trường miền nam rất đẫm máu, cả hai bên đều đang tổn thất lớn.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Trong hai tuần qua, Nga có thể đã tăng cường thêm lực lượng cho Quân đoàn vũ trang liên hợp số 58 bằng các đơn vị đổ bộ đường không bổ sung trên trục Orikhiv ở tỉnh Zaporizhzhia. Ít nhất 5 trung đoàn lính dù "có thể hiện đang tập trung trong phạm vi vài km cách làng tiền tuyến Robotyne". Tình báo Anh nhận định, ở mức tối đa sức mạnh, một lực lượng như vậy sẽ bao gồm khoảng 10.000 lính dù tinh nhuệ. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này rất có thể đang thiếu sức chiến đấu, tinh thần suy sụp và gánh chịu nhiều thương vong.

Các chuyên gia quân sự khẳng định: “Sự suy thoái của các lực lượng lính dù có thể làm suy yếu khả năng của Nga trong các nhiệm vụ phòng ngự phức tạp, thậm chí gần như chắc chắn phá vỡ mọi ý định của Nga nhằm tiếp tục các hoạt động tấn công trên quy mô lớn. Quân đội Nga hiện đang thiếu trầm trọng các binh sĩ tinh nhuệ cả ở lực lượng mặt đất và lính đổ bộ đường không.

Đại tá Kondrashkin, chỉ huy một lữ đoàn đổ bộ đường không Nga mới đây thiệt mạng trong giao tranh với lực lượng Ukraine tại tỉnh Donetsk.

Alexander Khodakovsky, phó chỉ huy dân quân Nga tại tỉnh Donetsk, ngày 17/9 thông báo đại tá Andrey Kondrashkin thiệt mạng trong giao tranh, song không công bố chi tiết về hoàn cảnh và vị trí cụ thể. Đại tá Kondrashkin là chỉ huy Lữ đoàn Cận vệ Xung kích Đường không Độc lập số 31 thuộc lực lượng đổ bộ đường không Nga.

Truyền thông Ukraine đưa tin đại tá Kondrashkin thiệt mạng trong nỗ lực đẩy lùi một đợt tiến công của Ukraine vào phòng tuyến do đơn vị dưới quyền ông chỉ huy gần làng Andriivka, phía nam thành phố Bakhmut. Ngôi làng này được đánh giá là vị trí quan trọng mà Ukraine đã kiểm soát được để bao vây lực lượng Nga ở Bakhmut.

Đại tá Kondrashkin được cho là chỉ huy thứ hai của lữ đoàn số 31 thiệt mạng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Người tiền nhiệm của ông là đại tá Sergey Karasev nằm trong số hàng chục quân nhân của lữ đoàn 31 thiệt mạng trong chiến dịch tiến công thành phố Hostomel thuộc tỉnh Kyiv.

Truyền thông phương Tây cho rằng gần 2.000 lính dù của Nga, trong đó có 340 sĩ quan, thiệt mạng từ khi chiến sự giữa nước này với Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, giới chức Nga hiếm khi công bố con số thương vong cụ thể của lực lượng nước này.

Theo thông tin cập nhật hôm 18/9 từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Nga đã mất 3.180 quân ở Ukraine trong tuần qua. Nếu tính chung từ đầu cuộc chiến đến giờ đã có 272.940 quân Nga thiệt mạng ở Ukraine. Dữ liệu mới được đưa ra khi Kyiv tiếp tục báo cáo nhiều tiến bộ trong cuộc phản công đang diễn ra.

Tàu ngầm Nga bị huỷ hoại đến mức không thể sửa chữa

Trong khi đó, những thiệt hại khác của hải quân cũng đang khiến Tổng thống Nga không thể kê cao gối ngủ. Mới đây xuất hiện hình ảnh tàu ngầm Nga bị toác lỗ lớn trên thân sau cuộc tập kích của Ukraine, cho thấy nó bị tập kích bằng tên lửa trang bị hai đầu đạn.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội Ukraine ngày 13/9 phóng tên lửa hành trình vào nhà máy đóng tàu của Nga ở thành phố Sevastopol, Crimea, khiến hai tàu chiến đang sửa chữa bị hư hại, thêm rằng chúng sẽ được phục hồi và đưa trở lại biên chế.

Trong khi đó, Ukraine cho biết cuộc tập kích khiến một tàu ngầm và một tàu đổ bộ của Nga bị hư hỏng nặng đến mức "không còn khả năng sửa chữa". Kyiv không nêu tên hai tàu chiến Nga bị hư hỏng, song ảnh vệ tinh cho thấy tàu ngầm Rostov-on-Don thuộc lớp Kilo và tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk thủng lỗ lớn khi đang nằm trên ụ nổi để sửa chữa.

Rostov-on-Don là tàu ngầm đầu tiên của Nga bị tấn công từ khi chiến sự bùng phát tại Ukraine. Theo hình ảnh rò rỉ được nhóm điều tra độc lập Conflict Intelligence Team (CIT) chia sẻ hôm 18/9, tàu ngầm Nga bị trúng hai quả tên lửa ở phần thân tàu và mũi tàu.

Phần vỏ kim loại trên thân tàu ngầm bị biến dạng và hướng ra phía ngoài, cho thấy hai quả tên lửa đã xuyên qua vỏ tàu trước khi phát nổ, gây thiệt hại nặng nề ở bên trong.

Chuyên gia quân sự David Axe của Forbes cho biết đây là dấu hiệu cho thấy vụ tập kích được tiến hành bởi tên lửa hành trình tàng hình Storm Shadow mà Anh và Pháp chuyển giao cho Ukraine.

"Storm Shadow trang bị đầu đạn có cấu tạo đặc biệt. Khi tên lửa chạm mục tiêu, ngòi nổ ở mũi sẽ kích hoạt đầu đạn nổ lõm, tạo ra lỗ thủng lớn, giúp đầu đạn thứ hai xuyên vào bên trong mục tiêu rồi phát nổ".

Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Đầu đạn BROACH của Storm Shadow gồm liều nổ lõm sơ cấp để xuyên phá vỏ giáp xe tăng, bê tông cốt thép và nền đất, mở đường cho đầu đạn nổ phá cỡ lớn lao vào bên trong và gây sát thương tối đa.

Loại đầu đạn này giúp tên lửa Storm Shadow có năng lực tấn công, phá hủy mục tiêu kiên cố, vốn chỉ được trang bị trên các loại bom cỡ lớn dẫn đường bằng laser.

Các chuyên gia quân sự nhận định sau khi trúng đầu đạn thứ hai của tên lửa Storm Shadow, tàu ngầm Rostov-on-Don bị "hư hỏng quá nặng để có thể sửa chữa". Bryan Clark, cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ và là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson, cũng cho rằng chiến hạm nặng 3.100 tấn này đã bị "phá hủy hoàn toàn".

Nhà phân tích độc lập Thor Are Iversen nhận định vụ tập kích đã gây hư hại cho khoang sinh hoạt, khoang ngư lôi và nhiều thiết bị bên trong tàu, khiến việc sửa chữa có thể kéo dài trong nhiều năm. Cựu lính hải quân Mỹ Aaron Amick cho rằng Nga có thể loại biên con tàu, chỉ thu hồi những thiết bị hoặc linh kiện còn dùng được.

Ngoài tàu ngầm Rostov-on-Don, tàu đổ bộ Minsk được cho là cũng bị thiệt hại nặng sau cuộc tập kích hôm 13/9 của Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh dẫn một số nguồn tin cho biết con tàu "gần như đã bị hủy diệt hoàn toàn về mặt chức năng", song hiện chưa có đủ hình ảnh cần thiết để xác định chính xác thiệt hại của nó.

Ukraine những tuần qua tiến hành hàng loạt vụ tập kích nhằm vào các mục tiêu tại Crimea, nhằm cô lập bán đảo và khiến Nga gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các hoạt động quân sự trên đất liền Ukraine.

Cuộc tập kích vào cảng Sevastopol được cho là đòn giáng mạnh vào năng lực hoạt động của hải quân Nga ở Biển Đen, do hạm đội nước này phụ thuộc rất nhiều vào căn cứ chiến lược và xưởng đóng tàu trên bán đảo Crimea.

Viên Minh (Tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Sai lầm chiến thuật khiến phòng tuyến Nga suy yếu, lính dù Nga đang kiệt sức