Sau cơn thịnh nộ của ông Zelenskyy, NATO tăng viện trợ quân sự để bù đắp rạn nứt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự này, nhưng các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 11/7 lại tuyên bố rằng Ukraine có thể gia nhập liên minh vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Điều này đã khiến ông Zelenskyy rất tức giận.

NATO không mời Ukraine gia nhập liên minh NATO, ông Zelensky ‘nổi đóa’

Các nhà lãnh đạo của 31 quốc gia thành viên NATO đã quy tụ trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Vilnius của Litva vào ngày 11/7, trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang chiến đấu để giành được vị thế quan trọng trong một cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga.

Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Zelenskyy cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội để Kyiv chính thức gia nhập liên minh.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7 rằng tất cả các nước đã đồng ý đơn giản hóa quá trình gia nhập của Ukraine, nhưng tư cách thành viên của Ukraine vẫn phải chờ cho đến khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc.

Do NATO chưa chính thức mời Ukraine gia nhập, cũng như chưa nêu ra thời gian biểu phù hợp, điều này khiến ông Zelenskyy khá bất bình. Ông nói với những người ủng hộ ở thủ đô Litva rằng "mong muốn này có quá lớn không?".

Theo báo Bloomberg, sau khi ông Zelenskyy mất bình tĩnh, NATO đang cố gắng che đậy sự rạn nứt. Ông Volodymyr Zelenskyy đã rất kích động trước cuộc hội đàm hôm 12/7 với các nhà lãnh đạo NATO. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine đã vô cùng tức giận trước điều mà ông gọi là "lố bịch" khi NATO miễn cưỡng đưa ra thời gian biểu rõ ràng cho Ukraine trở thành thành viên.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã ra một thông cáo chung, nêu rõ rằng Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự "khi các đồng minh nhất trí và các điều kiện được đáp ứng”.

Tuyên bố của NATO nói rằng "Tương lai của Ukraine nằm trong NATO”. Tuy nhiên, trước khi Kyiv gia nhập liên minh quân sự này, NATO mong đợi Ukraine sẽ thực hiện những cải cách bổ sung về dân chủ và an ninh.

Tuy nhiên, ông Zelenskyy không hài lòng với quyết định này của NATO.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Zelenskyy đã chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO trên Twitter: "Đây là điều chưa từng có tiền lệ và vô lý khi khung thời gian không được ấn định, cả lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine. Đồng thời, từ ngữ mơ hồ về ‘điều kiện’ cũng được thêm vào ngay cả khi mời Ukraine".

Ông Zelenskyy tuyên bố thêm rằng Ukraine "đáng được tôn trọng" và chỉ trích cách diễn đạt của thông cáo chung là "được thảo luận mà không có Ukraine".

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: "Tôi đến đây hôm nay với sự tin tưởng vào quyết định, tin tưởng vào các đối tác và tin tưởng vào NATO vững mạnh. Tôi chỉ hy vọng rằng niềm tin sẽ biến thành sự chắc chắn, sự chắc chắn mà người dân Ukraine đáng được hưởng, và đây là điều mà mọi người lính, mọi người dân, mọi bà mẹ, mọi trẻ em đều mong muốn”.

Sau đó, ông Zelenskyy thở dài: "Giờ đây, tôi nghi ngờ rằng phải chăng điều ước này thực sự khó đạt được đến thế?"

Ông Biden: Một ngày nào đó Ukraine sẽ gia nhập NATO

Vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Volodymyr Zelenskyy và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo chung vào buổi trưa (theo giờ địa phương) rằng: "An ninh tốt nhất cho Ukraine là gia nhập NATO".

Vào ngày 12/7, ông Zelenskyy cũng có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Liên quan đến tranh cãi về việc Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, ông Zelenskyy nói rằng ông hy vọng thế giới bên ngoài sẽ đối xử công bằng với vấn đề này,

"Chúng tôi đang bị tấn công. Quân đội Nga đang sát hại người dân của chúng tôi trên đất của chúng tôi", Tổng thống Ukraine nói và nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine sẽ sử dụng bom, đạn chùm một cách tiết kiệm và chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.

Ông Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo rằng “điều quan trọng nhất đối với Ukraine bây giờ là có đủ vũ khí, và điều cấp bách nhất là đảm bảo rằng Ukraine có thể giành chiến thắng [trong cuộc chiến với Nga]”.

Hôm 12/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, một ngày nào đó Ukraine sẽ gia nhập NATO, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong khi Ukraine vẫn đang có chiến tranh với Nga.

“Vấn đề không phải là họ [Ukraine] có nên gia nhập hay không, mà là khi nào họ có thể gia nhập NATO”, ông Biden cho biết trong một cuộc họp báo ở Helsinki, Phần Lan, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Bắc Âu.

NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Trong khi hy vọng của Ukraine về việc gia nhập NATO đã tan thành mây khói, giới chức phương Tây đã nhanh chóng xoa dịu cơn phẫn nộ của ông Zelenskyy khi tuyên bố rằng họ sẽ có những đề xuất viện trợ rộng rãi hơn nhằm mang lại cho Ukraine lợi thế quân sự trước quân đội Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết G7 sẽ đưa ra một tuyên bố ủng hộ lâu dài, và tuyên bố này sẽ được đưa ra ngay sau khi "đạt được hòa bình". Gần đây, Đức đã đưa ra cam kết viện trợ quân sự thêm 700 triệu euro (771 triệu USD) cho Ukraine. Gói hỗ trợ mới bao gồm hai bệ phóng hệ thống tên lửa Patriot, 40 xe chiến đấu bộ binh Weasel khác và 25 xe tăng Leopard 1.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ cùng Anh cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow để Ukraine có thể tấn công các mục tiêu của Nga ở sâu phía sau tiền tuyến.

Trước đó, ngày 7/7, Mỹ lần đầu tuyên bố cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất, bất chấp quan ngại từ nhiều nước đồng minh.

Đan Mạch và Hà Lan cho biết, một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 vào tháng 8 và sẽ mở một trung tâm huấn luyện mới ở Romania.

Tuy nhiên, NATO không mời Ukraine gia nhập liên minh, quan điểm này cũng bộc lộ sự khác biệt giữa 31 quốc gia thành viên về thời điểm Ukraine gia nhập hay trực tiếp mời Ukraine gia nhập liên minh.

Ukraine đã thúc giục nỗ lực nhanh chóng gia nhập NATO trên cơ sở đảm bảo an ninh từ lâu trước khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự đặc biệt chống lại Ukraine vào tháng 2/2022.

Các thành viên NATO ở Đông Âu đã ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine, cho rằng việc giữ Ukraine dưới chiếc ô an ninh của liên minh là cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Nga.

Tuy nhiên, Mỹ, Đức và các đối tác phía nam NATO tỏ ra thận trọng hơn về tư cách thành viên của Ukraine, trong khi các quốc gia Baltic và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan giữ lập trường diều hâu và quyết đoán nhất.

Trong khi đó, Nga đã viện dẫn sự mở rộng về phía đông của NATO như một yếu tố khiến nước này quyết định tấn công Ukraine và chỉ trích hội nghị thượng đỉnh NATO, đồng thời cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với "hậu quả thảm khốc" trước tiên nếu chiến tranh leo thang.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Sau cơn thịnh nộ của ông Zelenskyy, NATO tăng viện trợ quân sự để bù đắp rạn nứt