Chuyên gia: Tài trợ vô điều kiện cho Ukraine sẽ khiến Mỹ trả giá đắt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Washington ‘bán đứng’ đất nước và người dân của mình để tài trợ cho cuộc chiến không hồi kết ở Ukraine, thì kho vũ khí của Mỹ đang dần cạn kiệt, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất vũ khí lại nằm trong tay các đối thủ.

Nếu quý vị được yêu cầu kể tên loại khoáng sản quan trọng nhất đang tồn tại, quý vị sẽ nêu tên khoáng sản nào? Có thể là bô xít (bauxite) - loại đá trầm tích có hàm lượng nhôm cao; có thể là cô ban (cobalt) - kim loại được sử dụng trong chế tạo động cơ máy bay và tua bin khí; hoặc có thể là lithium - được sử dụng trong sản xuất xe điện và hệ thống lưu trữ điện năng.

Còn antimon (antimony) thì sao? Rốt cuộc, nó chính là khoáng sản quan trọng nhất mà có lẽ quý vị chưa từng nghe nói đến. Đáng buồn thay, Mỹ đang cạn kiệt antimon ở mức nguy hiểm. Những lý do dưới đây sẽ khiến nhiều độc giả bàng hoàng và tức giận.

Antimon, một loại á kim (bán kim loại) cứng màu trắng bạc, là anh hùng thầm lặng. Trong khi cô ban và lithium nhận được nhiều lời tán thưởng, antimon lại ít được chú ý. Đó là bởi vì rất ít người biết antimon là gì, chưa nói đến việc biết về công dụng của nó.

Trong một bài luận xuất sắc đăng trên IM-1776, cây bút đồng thời là nhà bình luận về văn hóa Pedro Gonzalez đã thảo luận về nhiều cách mà cuộc chiến ở Ukraine đang vắt kiệt nước Mỹ. Ông Gonzalez tổng kết Mỹ đã gửi khoảng “⅓ tổng số tên lửa chống tăng Javelin và ¼ tên lửa phòng không Stinger trong kho dự trữ” tới Ukraine. Việc chế tạo thêm những loại vũ khí này không hề dễ dàng; trên thực tế, một số nhà phân tích trong cuộc nói rằng điều đó sẽ cần nhiều năm.

Một trong những lý do khiến quá trình bù đắp kho vũ khí mất nhiều năm như vậy là Mỹ không có bất kỳ mỏ antimon nào. Antimon được sử dụng để sản xuất hầu như mọi thiết bị quân sự mà chúng ta có thể nghĩ đến, từ tên lửa đến đạn xuyên giáp, từ chất nổ đến kính nhìn đêm và thậm chí cả vũ khí hạt nhân. Theo lời của tác giả Gonzalez thì "mỏ [antimon] cuối cùng của Mỹ ở Idaho đã ngừng hoạt động vào năm 1997”.

Hiện nay, Trung Quốc - đối thủ lớn nhất của Mỹ - sở hữu hơn ¾ tổng nguồn cung antimon của thế giới. Tính đến năm 2021, Trung Quốc có khoảng 480.000 tấn á kim này. Nga, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, có trữ lượng antimon lớn thứ hai (350.000 tấn). Phần còn lại của trữ lượng thế giới có thể được tìm thấy ở Nam Phi, Tajikistan và Bolivia — 3 quốc gia có nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ do Trung Quốc hậu thuẫn. Điều này có nghĩa là Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về antimon. Vì antimon là thành phần quan trọng trong sản xuất vũ khí nên Mỹ - quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - phải dựa vào Trung Quốc và Nga để có đủ vũ khí.

Nếu tất cả những điều kể trên vẫn chưa đủ lo ngại, thì còn thông tin khác: antimon cũng được sử dụng để sản xuất một số thiết bị bán dẫn. Dù silic (silicon) vẫn đang được sử dụng như nguyên liệu thô để sản xuất chất bán dẫn nhưng các bộ xử lý ngày càng trở nên nhỏ hơn và mạnh hơn rất nhiều. Giới chuyên gia công nghệ cảnh báo rằng silic đang nhanh chóng đạt đến giới hạn của nó; chip của tương lai sẽ đòi hỏi nhiều hơn.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin (UT), khi nói đến việc sản xuất loại chip nhỏ hơn và mạnh hơn, antimon thực sự khiến silic trở nên lỗi thời. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng không giống như silic, antimon rất mỏng trong khi có tốc độ truyền điện tích cao. Hơn nữa, antimon cũng sở hữu tốc độ truyền điện tích cao hơn đáng kể so với silic. Đó là lý do tại sao loại á kim này nên được xem như nguyên liệu thiết yếu cho các bộ xử lý thế hệ tiếp theo. Một nguyên liệu thiết yếu mà Mỹ không còn sở hữu. Việc chính quyền Biden ký dự luật bán dẫn trị giá 270 tỷ USD để đấu với Trung Quốc sẽ không có mấy giá trị nếu Mỹ không sở hữu nguyên liệu quan trọng cho chip của tương lai.

Khi Washington ‘bán đứng’ đất nước và người dân của mình để tài trợ cho cuộc chiến không hồi kết ở Ukraine, những câu hỏi nghiêm túc cần phải được đặt ra. Mục tiêu cuối cùng ở đây là gì? Thậm chí nước Mỹ có đặt ra mục tiêu đó không? Câu trả lời dường như là không.

Washington hồi đầu tháng 9 đã thông qua một khoản viện trợ khác (2,7 tỷ USD) cho Ukraine và các đồng minh; bao gồm lượng vũ khí trị giá 675 triệu USD. Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo rằng gói này bao gồm "pháo, đạn dược, xe Humvee, xe cứu thương bọc thép và hệ thống chống tăng". Mỹ cũng có kế hoạch gửi thêm tên lửa săn radar - loại tên lửa cần nhiều antimon - tới Ukraine.

Cách đây vài ngày, Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ sẽ gửi cho Ukraine gói vũ khí bổ sung trị giá 725 triệu USD và các khoản hỗ trợ quân sự khác.

Lần bơm tiền và vũ khí mới nhất này có nghĩa là Mỹ đã viện trợ 18,3 tỷ USD cho chính phủ Ukraine. Đó là rất nhiều tiền. Một số nhà phân tích lo sợ rằng vũ khí và tiền bạc sẽ không đi đến nơi mà chúng được cho là sẽ đến. Ở Ukraine, từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga, quốc gia này đã nổi tiếng với tham nhũng có hệ thống. Những lo ngại về việc vũ khí do Mỹ tài trợ sẽ bị các băng đảng đánh chặn là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Mỹ có học được gì từ hai cuộc chiến kéo dài và tốn kém đến mức nực cười ở Iraq và Afghanistan không? Chỉ tính riêng cho chiến tranh Iraq, những người nộp thuế của Mỹ đã phải trả tổng cộng 2 nghìn tỷ USD. Với cuộc chiến ở Ukraine, người nộp thuế có thể sẽ phải trả thêm một khoản tiền cắt cổ. Nợ công ở mức cao ngất ngưởng, thiếu vũ khí và khoáng sản thiết yếu, có thể thấy Mỹ đang ở trong tình trạng đáng buồn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN. Bài dịch đã cập nhật một số số liệu mới hơn so với bài gốc của tác giả.

Xuân Hoa

Theo John Mac Ghlionn - The Epoch Times

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Tài trợ vô điều kiện cho Ukraine sẽ khiến Mỹ trả giá đắt