Mỹ tiếp tục viện trợ 725 triệu USD vũ khí cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Quốc phòng (DOD) hôm 14/10 thông báo, Mỹ sẽ cung cấp 725 triệu USD hỗ trợ an ninh bổ sung để đáp ứng "nhu cầu an ninh và quốc phòng trọng yếu" của Ukraine nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Theo một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng (Department of Defense-DoD) ngày 14/10, Tổng thống Biden đã ủy quyền cho bộ trưởng Ngoại giao Mỹ "chỉ đạo việc chi một khoản viện trợ lên tới 725 triệu USD về dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như đào tạo và huấn luyện quân sự" để viện trợ cho Ukraine.

"Sự ủy quyền này là đợt rút thiết bị thứ 23 của Chính quyền ông Biden khỏi kho dự trữ của DoD cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ an ninh chưa từng có cho Ukraine và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để đảm bảo Ukraine có được sự hỗ trợ cần thiết", theo một thông cáo báo chí của DoD ngày 14/10.

Gói viện trợ nâng tổng số viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên tới 17,6 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Gói viện trợ mới này bao gồm:

  • Đạn bổ sung cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS);
  • 23.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155mm;
  • 500 viên đạn pháo dẫn đường chính xác cỡ nòng 155mm ;
  • 5.000 viên đạn cỡ nòng 155mm của Hệ thống mìn chống thiết giáp từ xa (RAAM);
  • 5.000 vũ khí chống tăng;
  • Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM);
  • Hơn 200 Phương tiện Bánh hơi Đa dụng Cơ động cao (HMMWV-Humvee);
  • Vũ khí cỡ nhỏ và hơn 2.000.000 viên đạn cỡ nhỏ;
  • Vật tư y tế.

Mỹ đã gửi 20 hệ thống HIMARS cho Ukraine, và cam kết gửi thêm 18 hệ thống nữa cho nước này trong những năm tới.

Thông báo của DoD được đưa ra sau cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với các bộ trưởng quốc phòng từ gần 50 quốc gia tại Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine trong tuần này, trong đó các nhà lãnh đạo cam kết cung cấp cho đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sự hỗ trợ an ninh cần thiết.

Theo đó, Đức gần đây đã chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên như đã cam kết cho Ukraine. Khoản đóng góp quan trọng này sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng vệ tốt hơn trước các cuộc không kích của Nga.

Đức gần đây cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho Ukraine hai hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II, 50 xe bọc thép Dingo và 4 xe pháo tự hành Panzerhaubitze

Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cung cấp 4 bệ phóng HAWK để tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine.

Kể từ tháng 1/2021, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 18,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 17,6 tỷ USD đã được chi sau khi Nga xâm lược nước này vào cuối tháng Hai. Kể từ năm 2014, Mỹ đã chi hơn 20,3 tỷ USD cho an ninh của Ukraine.

Trong Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng lần thứ hai gần đây về Hỗ trợ Ukraine tại Washington, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ca ngợi các nhà chức trách Ukraine đã thực hiện “một công việc ấn tượng” trong việc quản lý nền kinh tế đất nước vào một thời điểm khó khăn.

Nhu cầu tài chính của Ukraine dự kiến ​​sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm sau. “Nhu cầu về tài chính vẫn còn ở mức cao chừng nào chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiện tại, chúng tôi cho rằng nhu cầu tài chính của Ukraine sẽ rơi vào khoảng 3 đến 4 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2023”, bà Georgieva nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế đóng góp nhiều hơn nữa. Quốc gia này đang cần khoảng từ 38 tỷ đến 55 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách ước tính của năm tới, đồng thời cần 17 tỷ USD khác để giúp đất nước bắt đầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm trường học, nhà ở và cơ sở năng lượng.

Trong khi đó, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Alexander Venediktov đã cảnh báo rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO có thể kích hoạt Thế chiến III.

Tờ TASS dẫn lời ông Alexander Venediktov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết: “Kyiv nhận thức rõ rằng một bước đi như vậy sẽ khiến căng thẳng theo leo thang thành Thế chiến III”.

Vào ngày 30/9, ông Zelenskyy thông báo rằng đất nước của ông đã nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO. Đơn này được đưa ra sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực Ukraine bị chiếm đóng một phần là Kherson, Luhansk, Donetsk và Zaporizhzhya.

Tư cách thành viên NATO đối với Ukraine là rất xa vời vì Kyiv phải nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO, theo Reuters.

Đáp lại đơn xin gia nhập NATO của Ukraine, Mỹ nói rằng "chưa đến lúc".

Tờ RT cho hay, Mỹ cam kết thực hiện chính sách “mở cửa” gia nhập NATO, nhưng bây giờ là chưa phải là lúc để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.

"Theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế trên thực địa. Quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào thời điểm khác", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/9.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tiếp tục viện trợ 725 triệu USD vũ khí cho Ukraine