10 năm trị vì: Kim Jong Un đàn áp người Triều Tiên mạnh tay hơn, khắc nghiệt hơn cha và ông của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đàn áp khắc nghiệt của Kim Jong Un với những người muốn đào tẩu khỏi Triều Tiên đã khiến con số những người Bắc Triều đào tẩu sang Hàn Quốc giảm ở mức kỷ lục. Một bình luận trên trang Reuters viết rằng "những người đào tẩu ở Hàn Quốc không còn hy vọng gặp lại gia đình và quê hương."

Trong 10 năm kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên đã thẳng tay đàn áp những người tìm cách rời khỏi đất nước, khiến nhiều người đào tẩu không còn hy vọng gặp lại gia đình và quê hương.

Không chỉ những người đào tẩu, luật lệ khắt khe hơn để kiểm soát tư tưởng và ngăn chặn thông tin ngoài biên giới Triều Tiên cũng được áp dụng. 7 người đã bị xử tử hình chỉ vì truyền bá video K-pop trong 10 năm ông Kim trị vì. Số lao động buộc phải làm việc không lương cho chính phủ gia tăng...

Siết chặt đàn áp

Ngay cả trước khi đại dịch coronavirus, số lượng người đào tẩu thành công khỏi Bắc Hàn đã giảm xuống mức kỷ lục. Ông Kim đã giám sát việc tăng cường kiểm soát và ép Trung Quốc thắt chặt các biện pháp đối với biên giới của họ.

Chỉ có hai người đào tẩu Triều Tiên đến được Hàn Quốc từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay; theo một thống kê của Reuters. Đây là con số đào tẩu thành công ít nhất từ ​​trước đến nay trong một quý, theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên. Trong các giai đoạn trước đây, mỗi quý Hàn Quốc đón nhận khoảng vài trăm người đào tẩu từ Triều Tiên.

Hình ảnh những người lính Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng (KIM WON JIN / AFP qua Getty Images)

"Ông ta [Kim Jong Un] đã chặn tất cả cơ hội, điều kiện của những người Triều Tiên muốn đào tẩu khỏi đất nước", Ha Jin-woo, người từng làm "môi giới" ở Triều Tiên để giúp những người đào tẩu rời đi, trước khi tự bỏ trốn vào năm 2013, trao đổi với Reuters.

“Người ta nói ngày nay cuộc sống quá khó khăn vì chính phủ ngày càng lấy đi nhiều thứ của người dân, và ngày càng có nhiều người chết vì đói,” Ha Jin-woo cho biết.

Nạn đói

Theo một báo cáo do Bộ Thống nhất công bố hôm qua (thứ Năm ngày 16/7/2021), ông Kim dường như có thay đổi đáng kể về tư tưởng khi cho phép khu vực kinh tế tư nhân, vượt qua khu vực kinh tế nhà nước, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của Triều Tiên trong một thập kỷ ông Kim tại vị.

Để chứng minh, Bộ này đưa ra số liệu tăng trưởng GDP cải thiện hơn khi ông Kim tại vị. Tuy nhiên, do theo đuổi vũ khí hạn nhân, Triều Tiên bị cấm vận nặng hơn; điều này làm giảm tăng trưởng GDP vốn tăng trưởng chưa đáng kể.

Điều này khiến nạn đói ở Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn dưới thời Kim Jong Un, đặc biệt trầm trọng do sự góp mặt của đại dịch Covi-19.

Hồi tháng 7/2020, ông Ko Young-hwan, cựu Phó giám đốc của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc và là người đào thoát khỏi Triều Tiên, đã nói với tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản rằng, gia đình của các cán bộ Đảng Lao động Triều Tiên và các cán bộ quân sự ở trung tâm Bình Nhưỡng đã không nhận được gạo phân phối kể từ khoảng sau tháng 3/2020.

Do tình trạng thiếu lương thực, rất nhiều trẻ em ở Triều Tiên đã bị suy dinh dưỡng. (Nguồn ảnh KIM JAE-HWAN/AFP qua Getty)
Do tình trạng thiếu lương thực, rất nhiều trẻ em ở Triều Tiên đã bị suy dinh dưỡng. (Nguồn ảnh KIM JAE-HWAN/AFP qua Getty)

Ông nói rằng, chính quyền chỉ ngừng cung ứng cho gia đình của các quan chức, còn bản thân các quan chức vẫn có thể được lĩnh nhận, tuy nhiên chính vì thế mà họ đã phải huy động đến kho lương thực dự trữ quốc gia được chuẩn bị cho thời chiến. Dưới ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Triều Tiên đã nhanh chóng áp dụng chính sách bế quan toả cảng, nhưng lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày của họ lại thiếu trầm trọng, và nguồn cung chỉ bằng 1/3 năm 2019.

Ngày 16/6/2021, trong cuộc họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu rằng, nước này có thể đối mặt với tình hình lương thực "căng thẳng", hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin. Ông Kim cho biết thời tiết khắc nghiệt, đại dịch coronavirus và việc cắt đứt thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực khác ở Triều Tiên.

"Tình hình lương thực của người dân hiện đang trở nên căng thẳng do ngành nông nghiệp không thể hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc bởi thiệt hại trận bão năm ngoái", ông Kim nói với Ủy ban trung ương Đảng Lao động.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi các quan chức cấp cao tìm cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Vào những năm 1990, một nạn đói lớn đã giết chết hàng nghìn người Bắc Triều Tiên

Khắc nghiệt hơn cả cha và ông

Nhưng dưới thời của ông Kim Jong Un, Triều Tiên không chỉ rơi vào thảm hoạ thiếu lương thực, nạn đói tồi tệ, mà tất cả các phương diện quản lý xã hội khác đều khắc nghiệt hơn thời Triều Tiên bị thống trị bởi cha và ông của ông ấy.

Ông Kim chỉ đơn giản là thay đổi một chút phong cách lãnh đạo; thừa nhận nhưng không biến nó thành cải cách có hệ thống. Chẳng hạn như việc ông Kim đã thể hiện cảm xúc rõ ràng vào năm ngoái trong một bài phát biểu về những khó khăn của người dân; không có bất kỳ chính sách nào để cải cách các tồn tại mà ông Kim thừa nhận.

Không những thế, Kim đã gia tăng đàn áp, giám sát trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như phương diện thông tin, giải trí trên truyền thông nước ngoài

"(Dưới thời Kim Jong Un), tôi cảm thấy kỷ luật khắc nghiệt hơn ở trường", Park, một người đào tẩu 23 tuổi, người đã rời Triều Tiên vào năm 2014 chia sẻ với Reuters. Ông Park yêu cầu Reuters chỉ đề cập đến họ của ông. "Ví dụ, nhà trường ra nhiều quy định nghiêm cấm hơn về đồng phục học sinh và tóc. Họ nghiêm cấm các bộ phim hay ca nhạc của Hàn Quốc."

10 năm trị vì: xử tử 7 người vì tội xem video K-pop

Theo báo cáo của một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, ít nhất 7 người đã bị xử tử dưới thời Kim Jong Un vì xem hoặc phát tán video K-pop.

Triều Tiên chưa công bố nội dung "luật chống tư tưởng phản động" mới của họ nhưng theo Daily NK, một trang web có trụ sở tại Seoul, đưa tin từ các nguồn tin ở Triều Tiên cho biết: Luật này quy định các bản án tù dài hạn hoặc thậm chí tử hình đối với những người bị bắt vì lý do nhận hoặc phân phối nội dung truyền thông nước ngoài, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Truyền thông nhà nước nói rằng Triều Tiên sẽ "sụp đổ" nếu thông tin từ nước ngoài xuất hiện và gia tăng ở đất nước này.

"Có những lo ngại thực sự rằng những biện pháp nghiêm ngặt này sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch", ông Sokeel Park, tổ chức Liberty ở Triều Tiên, tổ chức ủng hộ những người đào tẩu, cho biết.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết các cuộc phỏng vấn của họ với những người Triều Tiên rời đi sau năm 2014, hoặc vẫn còn liên lạc ở đó, cho thấy rằng trong khi Kim mở cửa nền kinh tế, việc vượt biên bất hợp pháp gần như không thể xảy ra, các hoạt động tham nhũng đã được bình thường hóa và lao động không được trả công buộc phải làm việc cho chính phủ gia tăng.

Nhà nghiên cứu cấp cao của HRW về Triều Tiên, Lina Yoon cho biết: “Cũng giống như những người cha và ông nội của mình, sự cai trị của Kim Jong Un dựa trên sự tàn bạo, sợ hãi và đàn áp, xúi giục vi phạm quyền có hệ thống, khó khăn kinh tế và có thể xảy ra nạn đói”.

Triều Tiên không trả lời câu hỏi của các phóng viên nước ngoài nhưng bác bỏ cáo buộc từ các nhà điều tra nhân quyền, Liên Hợp Quốc và những người khác đã chỉ trích cả tình hình nhân đạo và vi phạm nhân quyền.

Thanh Đoàn

(Theo Reuters)

 



BÀI CHỌN LỌC

10 năm trị vì: Kim Jong Un đàn áp người Triều Tiên mạnh tay hơn, khắc nghiệt hơn cha và ông của mình