Ả Rập Xê Út có nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp vì ủng hộ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc trong tháng 4, theo dữ liệu mới nhất được công bố vào ngày 20/5. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ vương quốc này đã tăng 2,9% kể từ đầu năm đến nay.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã nhập khẩu 8,46 triệu tấn dầu của Ả Rập Xê Út (tương đương 2,06 triệu thùng mỗi ngày). Con số này vượt xa 7,12 triệu tấn nhập khẩu từ Nga và 4,72 triệu tấn nhập khẩu từ Iraq.

Ả Rập Xê Út đang tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc để đổi lấy dầu mỏ. Mặc dù Hoa Kỳ từng là nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự lớn nhất của Ả Rập Xê Út trong lịch sử, nhưng nguồn cung đó hiện đang rất mong manh do các hành vi vi phạm nhân quyền không ngừng nghỉ của Ả Rập Xê Út, những hạn chế vô lý đối với nguồn cung dầu của Ả Rập Xê Út vào năm ngoái trong bối cảnh lạm phát gia tăng do năng lượng, và việc Riyadh tái định hướng xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc.

Trong khi vương quốc này đang “lo ngay ngáy” về nguy cơ bị phương Tây trừng phạt hoặc trả đũa vì những “thành tích” nêu trên, họ cũng đang tìm kiếm các nhà nhập khẩu năng lượng thay thế. Lúc này Bắc Kinh là một đối tượng hoàn toàn phù hợp với tư cách là một chế độ độc tài khác bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Cuối năm ngoái, Ả Rập Xê Út được cho là đã mua số vũ khí trị giá 4 tỷ USD từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào khác với Bắc Kinh.

Ả Rập Xê Út hiện đang đàm phán với Bắc Kinh về việc nhập khẩu thêm máy bay không người lái vũ trang và hệ thống phòng không, một nguồn tin cho biết trong tháng này. Riyadh sẵn sàng nhượng bộ bằng cách định giá bán vũ khí bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Đây là một yêu cầu trọng yếu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực làm suy yếu vị thế thống trị của đồng USD trong hệ thống thương mại quốc tế.

Không giống như Washington, Bắc Kinh bị cáo buộc không tính đến hành vi vi phạm nhân quyền của Riyadh khi bán vũ khí cho vương quốc này. Thật vậy, ĐCSTQ đã tạo vỏ bọc ngoại giao cho nhiều quốc gia với các hành vi vi phạm nhân quyền khủng khiếp và lịch sử cướp đoạt lãnh thổ hoặc quyền lực chính trị từ các nước láng giềng.

Các hành vi vi phạm của họ đã dẫn đến những đòn trừng phạt của phương Tây, khiến các nền kinh tế như Nga, Triều Tiên, Iran, Venezuela và Miến Điện (Myanmar) phải chuyển hướng từ mạng lưới thương mại phương Tây sang các mạng lưới của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể lợi dụng sự tuyệt vọng của họ bằng cách nhập khẩu hàng hóa của họ với giá rẻ hơn và xuất khẩu sang các quốc gia này với giá cao hơn thị trường.

Các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia này có thể là điều cần thiết, nhưng chúng cũng mang đến cho Bắc Kinh các thị trường xuất nhập khẩu bị ràng buộc, cải thiện cán cân thương mại của Trung Quốc trên cả hai khía cạnh. Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trở thành bá chủ toàn cầu của ĐCSTQ, bao gồm cả việc thông qua sự thống trị kinh tế đối với các mạng lưới thương mại toàn cầu.

Giờ đây, Trung Quốc đang cố gắng thêm Ả Rập Xê Út vào danh sách các quốc gia bất hảo, điều này sẽ cắt đứt các lựa chọn khác của vương quốc này trong việc bán dầu cho châu Âu và Bắc Mỹ. Kết quả là Ả Rập Xê Út sẽ phải đối mặt với giá năng lượng giảm, giống như trường hợp của Nga và Miến Điện. Cả hai nước này đều buộc phải bán năng lượng cho Trung Quốc do các lệnh trừng phạt quốc tế và bị loại khỏi các thị trường khác.

Máy bay không người lái Wing Loong II do Trung Quốc sản xuất được trưng bày tại Triển lãm hàng không Dubai 2017 vào ngày 14/11/2017. (Ảnh: Karim Sahib/AFP/Getty Images)

Theo một cựu huấn luyện viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) được tờ South China Morning Post trích dẫn, “Trung Quốc sẵn sàng bán thiết bị vũ khí công nghệ cao cho các quốc gia thân thiện mà không có điều khoản chính trị, đây là điều có sức hấp dẫn then chốt đối với các quốc gia ở khu vực Trung Đông”.

Tuy nhiên, các điều khoản chính trị của ĐCSTQ vẫn tồn tại. Có chăng thì chúng chỉ khác nhau đôi chút. Bắc Kinh đã lợi dụng các hạn chế thương mại như một vũ khí chính trị chống lại các quốc gia như Litva, Úc, New Zealand và Philippines. Trung Quốc muốn làm ăn với các quốc gia có chung mục tiêu với họ, cho dù điều đó có nghĩa là không công nhận Đài Loan, từ bỏ quyền lợi ở Biển Đông hay giữ im lặng về vai trò của ĐCSTQ trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19.

Trung Quốc thích hợp tác với các quốc gia trong mạng lưới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và đang nỗ lực lôi kéo Ả Rập Xê Út trở thành thành viên trong một số tổ chức của mình.

Theo một bài báo đăng ngày 27/5, Ả Rập Xê Út đang đàm phán để tham gia Ngân hàng BRICS, còn được gọi là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Ngân hàng BRICS có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm làm lu mờ hệ thống tài chính Bretton Woods (do phương Tây lãnh đạo) được tạo ra sau Thế chiến II.

Hệ thống tài chính Bretton Woods bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD gắn với vàng. Hệ thống tài chính quốc tế này đã tồn tại cho đến ngày hôm nay, bất chấp nhiều thay đổi, trong đó có sự sụp đổ của bản vị vàng năm 1971 và sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu.

Các quốc gia nêu trên có xu hướng ủng hộ nhân quyền và minh bạch, đồng thời cung cấp vốn phát triển với lãi suất tốt hơn cho những người nhận khoản vay so với mức lãi suất mà Bắc Kinh đưa ra trong các thỏa thuận thiếu minh bạch.

Với việc Nga xâm lược Ukraine và sự hỗ trợ của Moscow đối với Ngân hàng BRICS với tư cách là thành viên sáng lập (nắm trong tay 19% cổ phần), việc Ả Rập Xê Út tham gia tổ chức này có thể dẫn đến các các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Mối quan hệ ngày càng mật thiết của vương quốc này với Trung Quốc và Iran cũng sẽ dẫn đến một kịch bản tương tự.

Tất cả các quốc gia này đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền khét tiếng và việc họ liên kết với Riyadh sẽ chỉ làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế và danh tiếng của Ả Rập Xê Út ở nước ngoài với tư cách là một đồng minh của phương Tây.

Iran đang tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân và Trung Quốc sẵn sàng chiếm Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Cả hai kịch bản này đều có thể dẫn đến xung đột, các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Ả Rập Xê Út, đồng thời làm giảm vĩnh viễn doanh thu và thị phần dầu mỏ đối với các nhà sản xuất Ả Rập Xê Út, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Quốc Saudi Aramco.

Các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với Trung Quốc và Nga hiện là một quốc gia bị bỏ rơi. Nếu Ả Rập Xê Út gia nhập “băng nhóm trộm cắp” này, họ sẽ bị đối xử tương xứng. Đầu tư vào Ả Rập Xê Út sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Theo một bài báo ngày 22/5, ngay cả chính phủ Ả Rập Xê Út cũng đang xem xét bán bớt hàng tỷ USD cổ phần của Aramco. Các nhà đầu tư quốc tế còn thiếu kinh nghiệm nên hết sức thận trọng khi thực hiện thẩm định. Các cuộc đàm phán về tiền bạc và dự tính bán cổ phần của một “gã khổng lồ dầu mỏ” của Ả Rập Xê Út cũng không tạo ra được niềm tin.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Ả Rập Xê Út có nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp vì ủng hộ Trung Quốc