Mỹ cảnh báo công dân 'không nên đến Ukraine' nếu không muốn mất mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (11/3), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng người Mỹ có nguy cơ bị bắt hoặc bị giết nếu họ đặt chân đến Ukraine.

“Công dân Hoa Kỳ không nên đến Ukraine", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm thứ Sáu (11/3), nói thêm rằng người dân Mỹ ở Ukraine nên “khởi hành ngay lập tức".

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine vào ngày 24/2, đã có báo cáo về các công dân Mỹ và những người dân ngoại quốc khác cố gắng vào nước này để chiến đấu và hỗ trợ chính phủ Kyiv. Một quan chức Ukraine, Thiếu tướng Borys Kremenetskyi, cho biết hôm thứ Năm rằng khoảng 100 công dân Hoa Kỳ đã được thông quan để gia nhập lực lượng của Ukraine.

Nhưng tuyên bố hôm thứ Sáu của ông Price nói rằng bất kỳ công dân nào đến Ukraine “với mục đích tham gia chiến đấu” đều có thể “đối mặt với những rủi ro đáng kể, bao gồm cả nguy cơ bị bắt hoặc tử vong”.

Trước đó, các quan chức Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đã cảnh báo người Mỹ không nên đến quốc gia đang xảy ra xung đột.

Phát biểu của ông được đưa ra khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Nga đã bắt đầu tiến hành những động thái đối với thủ đô Kyiv của Ukraine trong những ngày gần đây.

Ông Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu: “Những cuộc pháo kích của Nga đang diễn ra khá dữ dội. Và chúng tôi đánh giá rằng, người Nga đang bắt đầu gây ra nhiều tác động trên mặt đất đối với Kyiv đặc biệt là từ phía đông".

Hôm thứ Năm, công ty hình ảnh vệ tinh tư nhân Maxar Technologies nói với tờ Reuters rằng, họ đã chụp được hình ảnh cho thấy các phương tiện trong đoàn xe gần Kyiv đang phân tán và có thể đã tiến vào các vị trí tấn công.

Các lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến lớn nhất trên các thành phố ở phía đông và nam Ukraine, bao gồm cả Mariupol và xung quanh Biển Azov.

Trên mặt trận kinh tế và chính trị, Hoa Kỳ và các đồng minh đã không ngừng tiến tới áp đặt các biện pháp cô lập và trừng phạt Điện Kremlin. Tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ban hành các quy chế thương mại với Nga, đồng thời cấm nhập khẩu hải sản, rượu và kim cương của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước đã có "những tiến triển tích cực nhất định" trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, nhưng ông không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Bỏ quy chế tối huệ quốc, phương Tây tăng sức ép với Nga

Quyết định bỏ quy chế tối huệ quốc được coi là đòn giáng nặng nề tiếp theo của Mỹ và đồng minh vào Nga, nhưng cũng có thể tạo hệ lụy với thương mại toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden ngày 11/3 tuyên bố Mỹ và các đồng minh NATO, G7, EU sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển. Việc bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.

Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN) là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhóm G7 là diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, các nhà lãnh đạo chính phủ những nước này gặp gỡ nhau hàng năm để bàn về kinh tế quốc tế và các vấn đề tiền tệ.

Chức chủ tịch của nhóm G7 được các quốc gia thành viên lần lượt nắm giữ. Liên minh châu Âu đôi khi được coi là thành viên thứ tám của nhóm G7, vì nó có đầy đủ mọi quyền và trách nhiệm của thành viên nhóm G7, ngoại trừ việc chủ trì hoặc tổ chức các cuộc họp.

Tổng thống Mỹ gọi đây là "cú đánh bồi mạnh mẽ vào nền kinh tế Nga", vốn đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt tài chính toàn diện mà phương Tây đã áp đặt với Moskva hai tuần qua. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cạn các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.

Phương Tây "đang xích lại gần nhau để chống lại ông Putin", Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Trước những lời kêu gọi hỗ trợ quân sự liên tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, động thái mới của Mỹ và đồng minh cho thấy Tổng thống Biden vẫn có ý định tiếp tục sử dụng vũ khí tài chính để giáng đòn vào Nga, thay vì cung cấp tiêm kích cho Kiev hay lập vùng cấm bay, điều có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Moscow, theo bình luận viên David J. Lynch của Washington Post.

Sau hàng loạt lệnh cấm vận của phương Tây, nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm ít nhất 15% trong năm nay, theo dự báo của Viện Tài chính Quốc tế, một hiệp hội các ngân hàng toàn cầu. Nhà Trắng hôm 11/3 cho biết thành quả 30 năm hội nhập của Nga với nền kinh tế toàn cầu đã "tan thành mây khói" chỉ trong vài tuần.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cảnh báo công dân 'không nên đến Ukraine' nếu không muốn mất mạng