Canada: Biểu tình rầm rộ ở Trung Quốc là nguồn cảm hứng cho những người đấu tranh vì tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghị sĩ Canada Tory Michael Chong cho biết, các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Trung Quốc nhằm chống lại chính sách Zero Covid hà khắc của Bắc Kinh chính là nguồn cảm hứng cho tất cả những người đấu tranh vì tự do và dân chủ.

“Những người [thuộc phe] bảo thủ [của Canada] ủng hộ cuộc biểu tình dũng cảm của người dân Trung Quốc. Lòng dũng cảm của họ chính là nguồn cảm hứng cho tất cả những người đấu tranh vì tự do và dân chủ. Họ nhắc nhở chúng ta rằng, những giá trị phổ quát này là dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi vẫn còn nhớ đến vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 5/6/1989. Thế giới vẫn đang dõi theo”, nhà phê bình các vấn đề đối ngoại viết trên mạng xã hội.

Một số nghị sĩ Canada cũng lặp lại bình luận của ông Chong.

Nghị sĩ Tory Garnett Genuis, Bộ trưởng phụ trách phát triển quốc tế cho biết: “Chứng kiến lòng dũng cảm của người dân Trung Quốc lúc này là một nguồn cảm hứng vô cùng to lớn. Bất chấp hệ thống giám sát và đánh giá liên tục, mọi người vẫn xuống đường để tố cáo sự áp bức [của ĐCSTQ]. Tôi hy vọng chiến thắng sẽ đứng về phía họ".

Thượng nghị sĩ Leo Housakos cũng chia sẻ một đoạn video về số lượng lớn người biểu tình xuống đường ở Trung Quốc.

“Những cảnh tượng thách thức đáng kinh ngạc tiếp tục nổ ra ở Trung Quốc. Tinh thần con người có thể bị bạo chúa và chế độ độc tài chà đạp nhưng nó sẽ không bao giờ bị hủy diệt”, ông Housakos viết trên Twitter.

Cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ Kenny Chiu cũng lên tiếng ủng hộ người dân Trung Quốc “dám đứng lên” chống lại chế độ chuyên chế. Ông cũng trích dẫn lời bài hát “Hành khúc của những người tình nguyện” – quốc ca của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

"Hãy đứng lên! Những ai không chịu làm nô lệ! Bằng máu thịt, chúng ta xây dựng Vạn Lý Trường Thành!".

Làn sóng biểu tình bất tuân dân sự với quy mô hiếm có

Làn sóng biểu tình quy mô lớn và hiếm thấy ở Trung Quốc nổ ra sau vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương của Trung Quốc hôm 24/11. Vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10 người. Nhiều người dùng internet phỏng đoán rằng, cư dân của tòa nhà tại Urumqi không thể kịp thời thoát thân vì tòa nhà đã bị phong tỏa một phần, tuy nhiên các quan chức địa phương phủ nhận cáo buộc này.

Vào ngày 25/11, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Urumqi. Trong những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, có thể thấy người dân địa phương giận dữ la hét và kêu gọi "Hãy chấm dứt phong tỏa!".

Tối thứ 6 (26/11), rất đông người dân đã tập trung tại đường Urumqi ở Thượng Hải và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương. Đám đông giận dữ đã hô vang những khẩu hiệu như "Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)", "Đả đảo Tập Cận Bình!", "Tự do!". Một số người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.

Nhiều tổ chức bên ngoài Trung Quốc cũng đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình dám lên tiếng phản đối các chính sách phòng chống dịch hà khắc của ĐCSTQ.

Biểu tình lan rộng ở Trung Quốc
Người dân hô khẩu hiệu khi tụ tập trên một con phố ở Thượng Hải vào ngày 27/11/2022. Trong đợt biểu tình lần này, người dân đã hô vang những khẩu hiệu yêu cầu tự do, yêu cầu Tập Cận Bình thoái vị, ĐCSTQ thoái vị. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã hoành hành trên khắp thế giới trong ba năm qua. Tại Trung Quốc, chính sách phòng chống dịch Zero Covid đã gây ra vô số tai họa, khiến sinh kế của người dân sa sút, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Vào ngày 27/11, ước tính có khoảng 1.000 sinh viên đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, kêu gọi xóa sổ ĐCSTQ. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ có nội dung “Tự do hay là chết” và “Công lý cho các nạn nhân Urumqi và Covid".

"Hôm nay, chúng tôi không chỉ ở đây để tưởng nhớ các nạn nhân, mà còn để thách thức các chính sách 'phong tỏa và xóa sổ' [của ĐCSTQ], đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với phong trào này, một sự kiện chưa từng có ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ", anh Lâm Lập Đồng (Lin Litong), đại diện của tổ chức du học sinh Trung Quốc có tên là Hiệp hội Công dân, cho biết.

Vào ngày 19/11, nhóm này đã tổ chức một sự kiện khác tại Quảng trường Mel Lastman ở Toronto để thể hiện sự ủng hộ với những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc, cũng như ủng hộ ông Bành Lập Phát (Peng Lifa) trong vụ biểu tình trên cầu vượt Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh hôm 13/10. Ông Bành Lập Phát đã dũng cảm treo biểu ngữ tại cầu Tứ Thông để phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và chính sách Zero Covid cực đoan - một biểu tượng quyền lực của ông Tập.

Các cuộc biểu tình đã lắng xuống sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt an ninh ở một số thành phố kể từ hôm 28/11. Theo đó, cảnh sát bắt đầu khám xét người dân tại các địa điểm biểu tình ở Thượng Hải và Bắc Kinh.

Theo những người dùng mạng xã hội, điện thoại của họ đã bị chính quyền lục soát để xác định xem họ có dùng mạng riêng ảo (VPN) và ứng dụng Telegram, vốn được những người biểu tình sử dụng vào cuối tuần qua hay không.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Canada: Biểu tình rầm rộ ở Trung Quốc là nguồn cảm hứng cho những người đấu tranh vì tự do