Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm của hội nghị chống biến đổi khí hậu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị lần thứ 27 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) đã khai mạc tại Ai Cập vào ngày 6/11. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chống lại những nỗ lực tăng cường gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ hiện là hai quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Biden sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm 16 quan chức cấp cao để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào thứ Sáu tới (ngày 11/11). Các thành viên của phái đoàn bao gồm: Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power.

Hãng tin Politico của Mỹ đưa tin, ông Biden có một lợi thế hơn tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, đó là ông Tập Cận Bình sẽ không có mặt tại sự kiện này. Điều này sẽ giúp ông Biden dễ dàng ghi điểm về phương diện ngoại giao, bất chấp những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Theo Politico, ông Biden có thể phát biểu rằng, Mỹ đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng sạch trong Đạo luật Giảm lạm phát mà ông đã ký vào tháng 9, như một bằng chứng về quyết tâm giải quyết vấn đề khí hậu.

"Cạnh tranh địa chính trị thực sự giúp ... Mỹ có thêm nhiều hành động cụ thể về khí hậu, và buộc Trung Quốc phải làm nhiều hơn", ông Alexandra Hackbarth nói. Ông Hackbarth hiện là chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại E3G - một tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Washington.

Vào cuối tháng 10, Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Biden sẽ tới Ai Cập vào ngày 11/11 để tham dự hội nghị khí hậu COP27, nơi ông sẽ kêu gọi thế giới hành động trong "thập kỷ mang tính quyết định này".

Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ sử dụng COP27 để nêu ra những công việc quan trọng mà Mỹ đã thực hiện nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất xây dựng khả năng chống chịu với các tác động của khí hậu.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách sử dụng các vấn đề khí hậu như một phần quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của mình. Ông Tập Cận Bình đã công bố một quỹ trị giá 3,1 tỷ USD vào năm 2015 để giúp các nước đang phát triển giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã khởi động một hệ thống ở Trung Quốc vào tháng 4 nhằm cải thiện khả năng thích ứng với mực nước biển dâng cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Nhưng các hành động về biến đổi khí hậu của ông Tập đang vấp phải nghi vấn sau khi ông tuyên bố vào tháng trước rằng Trung Quốc sẽ tăng sản xuất nhiên liệu hóa thạch và ông đã không tuân theo các cam kết về khí hậu trước đó của mình.

Năm 2020, ông Tập Cận Bình cam kết rằng, Trung Quốc sẽ đạt mức tối đa lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt được mức độ trung lập carbon vào năm 2060. Nhưng ông không đưa ra được lộ trình và thời gian chi tiết về cách thức Trung Quốc đạt được những mục tiêu đó.

Ngân hàng Thế giới tháng trước cảnh báo rằng, Trung Quốc sẽ cần đầu tư tới 17 nghìn tỷ USD chỉ riêng vào lĩnh vực vận tải và năng lượng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Mặc dù năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc vào than của Trung Quốc vào năm 2026, nhưng động thái gia tăng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên khắp đất nước khiến ông khó có thể đạt được mục tiêu đó.

Các quốc đảo Thái Bình Dương hiện đã trở thành một chiến trường mới cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới 8 quốc đảo trong khu vực trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị đã thất bại trong việc thuyết phục các quốc đảo ký một thỏa thuận khu vực bao gồm hợp tác về chính sách, an ninh và truyền thông dữ liệu tại hội nghị thượng đỉnh ở Fiji với đại diện của 10 quốc gia Thái Bình Dương. Động thái này khiến Mỹ và các đồng minh Australia, New Zealand phải hành động. Mỹ đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho khu vực, trong khi Australia đã cử ngoại trưởng đến các quốc đảo Thái Bình Dương để phản đối chuyến thăm ngoại giao của ông Vương Nghị.

Đối với hội nghị khí hậu COP27, xung đột Mỹ - Trung đã trở thành tâm điểm của các quốc gia thành viên tham gia. Ai Cập giữ chức chủ tịch của COP27.

"Chúng tôi đã 'thúc giục họ (Mỹ và Trung Quốc) thể hiện vai trò lãnh đạo mà chúng tôi hằng quen thuộc'", đại diện đặc biệt của nước này nói với các phóng viên vào trước đêm diễn ra hội nghị.

Quyết định tham dự COP27 của ông Biden đã làm dấy lên kỳ vọng về sự can dự của Mỹ trong hành động vì khí hậu.

Bà Joanna Lewis, Phó giáo sư tại Đại học Georgetown và chuyên gia về chính sách khí hậu Trung Quốc, cho biết: “Các tổng thống thường không xuất hiện vào những dịp này trừ khi họ mang theo thứ gì đó".

Những gì ông Biden có thể mang lại là khoản tài trợ bằng tiền mặt cho các nước đang phát triển để giải quyết các vấn đề khí hậu.

Tuy nhiên, khi quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, ông Biden đang cố gắng thúc giục và thuyết phục Trung Quốc về các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại gián điệp tràn lan đối với các công ty Mỹ. Đồng thời, Washington cũng lên án một cuộc xâm lược quân sự nhanh chóng của Bắc Kinh vào Đài Loan. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc này và nói rằng, Mỹ áp dụng "tâm lý Chiến tranh Lạnh" để thúc đẩy các hành động thù địch song phương.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố vào cuối tháng 10 rằng, ông Biden sẽ đến Campuchia từ ngày 12/11 đến ngày 13/11 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Đông Á hàng năm sau khi tham dự hội nghị khí hậu. Sau đó, ông Biden sẽ thăm Indonesia từ ngày 13/11 đến ngày 16/11 để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm của hội nghị chống biến đổi khí hậu