Châu Âu kêu gọi cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên đến 2023

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh Châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên tối thiểu 15% cho đến mùa xuân năm 2023.

Quy định đề xuất (pdf) công bố ngày 20/7 đã đặt ra mức giảm 15% ban đầu trong việc sử dụng khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ 1/8/2022 đến 31/3/2023.

Đồng thời, các quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âu tuyên bố việc cắt giảm là cần thiết vì cuộc chiến của Nga ở Ukraina. Liên minh Châu Âu, bao gồm một số quốc gia NATO, đã ủng hộ Ukraina trong khi áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Điện Kremlin nhằm đáp trả cuộc xung đột.

11/7/2022, Nga đã đóng đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt của Nga đến phần còn lại của châu Âu qua Biển Baltic để bảo trì đường ống. Tuy nhiên, việc ngừng hoạt động này đã gây ra suy đoán rằng Moscow có thể đóng cửa đường ống trong một thời gian dài hơn nữa.

"Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, dù là cắt giảm phần lớn khí đốt của Nga hay cắt giảm toàn bộ khí đốt của Nga, châu Âu cần phải sẵn sàng", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 20/7.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, và nói rằng mình là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Điều này có nghĩa là gì

Châu Âu đang chạy đua để lấp đầy kho khí đốt của mình trước mùa đông, và gây dựng một vùng đệm cho trường hợp nguồn cung bị hạn chế trong tương lai gần, và khoảng hơn chục quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đang phải đối mặt với việc Nga giảm lượng cung cấp khí đốt. Các quan chức Liên minh Châu Âu tuyên bố, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho khối này là có thể xảy ra.

"Sự leo thang gần đây trong gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho thấy có nguy cơ đáng kể là, việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn và kéo dài của Nga có thể trở thành hiện thực một cách đột ngột và đơn phương", Ủy ban Châu Âu cho biết trong một bản ghi nhớ về đề xuất cắt giảm khí đốt từ Nga. "Hành động ngay bây giờ có thể giảm cả rủi ro và chi phí cho châu Âu trong trường hợp có sự gián đoạn thêm nữa hoặc gián đoạn hoàn toàn".

Một máy phát điện gió của công ty Windwaerts Energie GmbH gắn đèn màu, 05/09/2011, gần Sehnde-Muellingen ở vùng Hanover, miền trung nước Đức. (Julian Stratenschulte / DPA / AFP, qua Getty Images)

Nếu biện pháp này được thông qua, các quốc gia Liên minh Châu Âu sẽ phải cập nhật kế hoạch quốc gia của họ vào tháng 9/2022 và bao gồm các chi tiết về việc giảm tiêu thụ khí đốt. Trong nhiều năm nay, các quốc gia Liên minh Châu Âu đã trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, trong khi một số quốc gia như Đức hầu như đã cấm sử dụng năng lượng hạt nhân và thay vào đó đã cố gắng sử dụng năng lượng mặt trời, gió, và thủy điện.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, gần đây đã thừa nhận với tờ Guardian rằng, nước mình đã phạm "sai lầm chính trị nghiêm trọng" khi dựa vào khí đốt của Nga. Nước này đã nhập khẩu một lượng khí đáng kể thông qua Nord Stream 1 và đã muốn tăng gấp đôi lượng khí này qua đường ống Nord Stream 2.

Kế hoạch của Liên minh Châu Âu được đưa ra khi công ty năng lượng Gazprom của nhà nước Nga cho biết, họ không thể thực hiện các hợp đồng khí đốt với Liên minh Châu Âu do những sự kiện không thể lường trước được. Reuters đưa tin, trong tuần này, Gazprom đã gửi một lá thư thông báo cho một số khách hàng ở Liên minh Châu Âu về trường hợp bất khả kháng đối với nguồn cung cấp khí đốt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết hôm 20/7 rằng, công suất của Nord Stream 1 có thể bị giảm do vấn đề với các máy bơm một trong số đó sẽ phải được đưa đi bảo trì vào ngày 26/7.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu kêu gọi cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên đến 2023