Chuyên gia: Hoa Kỳ cần tách rời khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ cần tách rời khỏi Trung Quốc về kinh tế, chính trị và công nghệ, bởi vì tương tác của Hoa Kỳ với Trung Quốc là "một trò chơi có tổng lợi nhuận bằng không”, và thật “nguy hiểm khi tiếp tục giao thương với một đối thủ cạnh tranh chiến lược, một tổ chức chính trị cấp tiến như ĐCSTQ", tác giả cuốn sách "Cuộc chiến cuối cùng" nhận định.

"Hoa Kỳ cần tách rời khỏi Trung Quốc về kinh tế, chính trị và công nghệ", ông Ian Easton, giám đốc cao cấp của Viện Chính sách Dự án 2049, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Virginia, tập trung vào việc thúc đẩy các giá trị và lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Easton cho rằng tương tác của Hoa Kỳ với Trung Quốc là “một trò chơi có tổng [lợi ích] bằng không”, và thật “nguy hiểm… khi đối xử bình thường với một đối thủ cạnh tranh chiến lược, một tổ chức chính trị cấp tiến như ĐCSTQ".

Ông Easton là tác giả của cuốn sách mới "Cuộc chiến cuối cùng: Bên trong Chiến lược Toàn cầu của Trung Quốc", mà cựu giám đốc CIA và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đánh giá là "cuốn sách phải đọc đối với bất kỳ ai quan tâm đến tương lai của tự do" và "một cuốn sách thuyết phục và nghiên cứu sâu về tham vọng thống trị toàn cầu của ĐCSTQ".

Ông Easton cũng là tác giả của cuốn sách “Mối đe dọa từ cuộc xâm lược của Trung Quốc: Phòng thủ của Đài Loan và Chiến lược của Mỹ ở Châu Á”, giống như “Cuộc chiến cuối cùng” được xuất bản bởi Eastbridge Books, một dấu ấn của nhà xuất bản Camphor Press tập trung vào Đài Loan.

Là người gốc Illinois, ông Easton cho biết ông, “lớn lên trong một gia đình cảnh sát” và từng sống ở Đài Loan hơn bốn năm ngoài thời gian học tập ở Thượng Hải. Trong cuốn sách đầu tiên của mình, “Mối đe dọa từ cuộc xâm lược của Trung Quốc”, ông Easton viết rằng ông bắt đầu có suy nghĩ về mối đe dọa xâm lược mà Đài Loan phải đối mặt sau khi trải qua một cuộc tập trận không kích vào mùa hè năm 2005 tại Đài Bắc, nơi ông đang học tiếng Quan Thoại.

“Vừa tan học, tôi đang đi trên đường Ho-ping (Hòa bình) đến ga tàu điện ngầm thì tiếng còi báo động khẩn cấp cắt ngang bầu không khí", ông Easton kể lại trong cuốn sách đầu tiên của mình. “Tôi nhìn lên bầu trời bằng ánh mắt dò xét. Trải qua những năm tháng sinh sống ở miền quê Illinois, xung quanh là những cánh đồng ngô, não bộ của tôi đã được lập trình mỗi khi tiếng còi báo động vang lên. Phải ẩn nấp ngay! Nhưng vào ngày đặc biệt này, bầu trời với màu xanh lam không có một gợn mây. Các sĩ quan và binh sĩ cảnh sát có vũ trang đột nhiên xuất hiện trên các con phố xung quanh tôi, dường như không biết từ đâu ra".

Trong những năm đầu đời và quyết định tập trung nghiên cứu về Đài Loan và Trung Quốc, ông Easton nói với The Epoch Times, “Tôi muốn tìm hiểu về thế giới từ khi còn rất nhỏ. Tôi muốn bước ra khỏi những cánh đồng ngô đó, đi khắp đó đây, học ngoại ngữ, cũng như tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau. Và càng đi nhiều, càng giao thiệp nhiều, càng đọc nhiều, tôi lại càng thấy rằng Trung Quốc là nơi để đến, và sau đó là Đài Loan. Rằng đây sẽ là những thách thức chính sách đối ngoại thú vị nhất của thế hệ chúng tôi".

Mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc: 'Trò chơi có tổng lợi ích bằng không'

Tham khảo bài phát biểu hồi tháng 5 của Ngoại trưởng Antony Blinken về chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden, ông Easton nói rằng “Tổng thống Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông có một loại chính sách rất mâu thuẫn”, đó là “chính sách gây chiến với chính nó”.

Trong bài phát biểu gần đây của mình, ông Blinken nói, “Hoa Kỳ sát cánh cùng các nước trên thế giới chống lại nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang xảy ra ở khu vực Tân Cương, cùng nhau đứng về phía Tây Tạng, nơi chính quyền tiếp tục thực hiện một chiến dịch tàn bạo chống lại người Tây Tạng… và ở Hồng Kông, nơi ĐCSTQ đã áp đặt các biện pháp phản dân chủ hà khắc dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tương tự, ông Blinken cũng nói, “Hoa Kỳ không muốn tách rời nền kinh tế Trung Quốc khỏi nền kinh tế của Washington hay khỏi nền kinh tế toàn cầu. Về phần mình, Hoa Kỳ muốn phát triển thương mại và đầu tư, miễn là công bằng và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Đối với người dân Trung Quốc: Hoa Kỳ tự tin cạnh tranh và hợp tác. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không muốn tạo ra xung đột”.

Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh minh họa: Wikipedia)
Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Ông Easton đưa ra lời phê bình sau đây về tuyên bố chính sách trên.

“Bài phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Blinken về Trung Quốc đã chẩn đoán chính xác vấn đề. Ông mô tả một chế độ diệt chủng [ĐCSTQ] là thù địch và đang phá hoại trật tự thế giới tự do và cởi mở. Nhưng vấn đề và mâu thuẫn xảy ra khi họ [chính quyền ông Biden] sau đó chuyển hướng và nói về việc Hoa Kỳ không muốn tách rời mà muốn tiếp tục giao thương với Trung Quốc. Trên thực tế, Hoa Kỳ sẵn sàng giao thương nhiều hơn nữa với Trung Quốc nếu nước này loại bỏ một số chính sách kinh tế mang tính săn mồi. Đồng thời, Hoa Kỳ muốn mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh".

“Đối với tôi điều đó rất mâu thuẫn, bởi vì quý vị không thể cạnh tranh, tự vệ và hợp tác cùng một lúc. Tại một thời điểm nào đó, nó trở thành một trò chơi có tổng lợi ích bằng không. Và nếu quý vị tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, họ sẽ lợi dụng điều đó làm một cơ hội để phá hoại quý vị. Trung Quốc đã rất thành công về phương diện này trong suốt lịch sử quan hệ với Hoa Kỳ”.

Ông Easton nhận định rằng, sự tăng cường hợp tác của Hoa Kỳ với Trung Quốc “đi kèm với cái giá phải trả". Đó là việc chính quyền 'làm ngơ' về nhân quyền, chẳng hạn như bảo vệ Đài Loan, củng cố tình hình an ninh quốc gia Hoa Kỳ - hiện đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Do đó, ông cho rằng việc tách rời kinh tế hoặc chuyển hướng là tối quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là sự tách biệt về kinh tế mà còn là về chính trị và công nghệ. Hoa Kỳ cần phải xem xét các thách thức mang tính hệ thống, có ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Từ đó mới có thể đưa ra các chính sách có hiệu quả.

The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Ngoại giao để đưa ra bình luận.

Một khách thăm quan xem các máy tính xách tay mới được trưng bày tại gian hàng Lenovo tại hội chợ thương mại thiết bị và điện tử gia dụng IFA 2019 ở Berlin, Đức hôm 06/9/2019. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

ĐCSTQ thâm nhập vào thị trường và cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ

Các biện pháp chính sách liên quan đến tách biệt khỏi Trung Quốc mà ông Easton khuyến nghị bao gồm việc loại bỏ các thiết bị điện tử thương mại do các công ty Trung Quốc sản xuất khỏi Hoa Kỳ.

Ông Easton viết trong “Cuộc chiến cuối cùng”, “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng ngôi nhà của chính mình lại nằm ở tiền tuyến trong một cuộc chiến với Trung Quốc. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu tách rời khỏi Trung Quốc”.

Tác giả nói với The Epoch Times, “Lấy ví dụ, Lenovo là một công ty đã bị Lầu Năm Góc liệt vào danh sách đen vì có quan hệ mật thiết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhưng máy tính Lenovo lại thống trị lĩnh vực thương mại Hoa Kỳ và hiện diện trên khắp nước Mỹ".

Ông đưa ra các ví dụ gây ra mối đe doạ an ninh với Hoa Kỳ như: nhà sản xuất công nghệ phát thanh kỹ thuật số của Trung Quốc Hytera, nhà sản xuất điện thoại thông minh Motorola Mobility và nhà sản xuất thiết bị gia dụng GE Appliances.

“Internet of Things (Internet vạn vật), nơi các thiết bị của quý vị đang trò chuyện với nhau, thu thập và chia sẻ dữ liệu để cố gắng làm cho cuộc sống của bạn tiện nghi hơn. Về lý thuyết, điều đó không phải là xấu", ông Easton nói.

“Nhưng trên thực tế, nếu tất cả các thiết bị điện tử đó được liên kết với chính phủ Trung Quốc, thì vấn đề trở nên nghiêm trọng. Thật không may, ngày nay các hệ thống điện tử của Trung Quốc được chính phủ Mỹ coi là nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ và có liên kết chặt chẽ với PLA, đang thống trị toàn bộ xã hội của chúng ta. Và cho đến nay, Quốc hội Hoa Kỳ đã không có bất kỳ động thái nào để xoá sổ chúng khỏi thị trường”.

“Tương tự với cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ", ông Easton nói, và lấy ví dụ là các cần cẩu thông minh do Trung Quốc sản xuất đang thịnh hành tại các hải cảng lớn của Hoa Kỳ.

Trong “Cuộc chiến cuối cùng”, ông Easton lưu ý rằng Tập đoàn Máy móc Cảng Công nghiệp nặng Zhenhua Heavy Industries (ZPMC), một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), đã bị Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen vào năm 2020. Đến nay, nó vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động dọc bờ biển ở Hoa Kỳ, cung cấp cần cẩu thông minh “là thiết bị cố định có mặt ở hầu hết các hải cảng lớn của Hoa Kỳ", bao gồm cả những cảng ở Los Angeles, Long Beach (California), Oakland, Tacoma, Seattle , Philadelphia, Wilmington (Bắc Carolina), Charleston (Nam Carolina), Jacksonville, Gulfport (Mississippi), Vịnh Tampa, Miami và Elizabeth (New Jersey).

“Hầu hết các hải cảng ở Mỹ hiện nay đều do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc [ZPMC] chi phối, có liên hệ chặt chẽ với PLA. Chúng là những chiếc cần cẩu thông minh, được tự động hóa và được kết nối với internet", ông Easton nói với The Epoch Times.

“Và các nhân viên chính phủ Trung Quốc phục vụ các cần trục đó ở tất cả các cơ sở hải cảng của Hoa Kỳ. Trước chính sách này của Trung Quốc, chúng ta đã gặp phải rắc rối lớn, đi kèm với mức độ nguy hiểm khi phải đối đầu với một đối thủ cạnh tranh chiến lược, một tổ chức chính trị cấp tiến như ĐCSTQ".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi lễ tôn vinh những đóng góp cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 và Paralympic tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 8/4/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Thế giới quan của ông Tập Cận Bình

Ông Easton nói với The Epoch Times rằng ngoài việc trình bày chi tiết việc ĐCSTQ thâm nhập vào các thị trường và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, “một trong những mục đích mà tôi đặt ra cho cuốn sách ["Cuộc chiến cuối cùng ”] là nghiên cứu thế giới quan của ông Tập Cận Bình và thế giới quan của những người xung quanh ông. Nhân cách tập thể và quan điểm của ĐCSTQ là gì?"

Ông Easton nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các đồng minh của Hoa Kỳ nói chung là hiểu rằng ông Tập Cận Bình không giống họ. Ông ấy chẳng giống họ chút nào. Trải nghiệm của ông ấy rất khác so với họ. Và trải nghiệm của những người trong ĐCSTQ, thế giới quan của họ, cách họ được truyền thụ, cách họ được huấn luyện, cách họ thẳng thắn bị tẩy não khiến họ trở thành những diễn viên rất khác so với ở phương Tây".

Ông nói thêm: “Thật không may, Hoa Kỳ lại không giỏi khi đặt mình vào vị trí của người khác. Và do đó, chúng ta chỉ phóng chiếu giá trị của chính mình lên đối thủ. Đó là công thức cho thảm họa chiến lược và những tính toán sai lầm. Và vì vậy tôi nghĩ rằng, Hoa Kỳ cần phải dành thêm thời gian với tư cách là một cộng đồng phân tích để nói nhiều hơn về những loại vấn đề này".

Trong “Cuộc chiến cuối cùng”, ông Easton trình bày chi tiết về những năm đầu đầy biến động và con đường sự nghiệp của nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Một đoạn văn nổi bật mô tả cách người mẹ của ông Tập, bà Tề Tâm (Qi Xin), chối bỏ ông Tập sau khi cha của ông bị trục xuất khỏi Bắc Kinh, người trước đây là quan chức cấp cao trong ĐCSTQ. Bà “quay lưng lại với con trai đầu lòng để bảo vệ lợi ích riêng của mình” bằng cách công khai chối bỏ ông Tập trong cuộc Cách mạng Văn hóa hỗn loạn của Trung Quốc.

Ông Easton viết, “Mối quan hệ huyết thống là một trong những tội lỗi lớn nhất của nhân loại theo hệ tư tưởng cộng sản của Mao và chúng phải được xóa sổ. Tại một cuộc mít tinh, ông Tập Cận Bình được vây quanh và diễu hành trên sân khấu bởi một đám đông cuồng nhiệt, trong đó có mẹ của ông. Từ trên sân khấu, ông Tập nhìn người mẹ đã công khai chối bỏ mình, nắm tay của bà ấy giơ lên, trong ​​khi bà ấy hô vang cùng với đám đông, “Đả đảo Tập Cận Bình!"

Ông Easton nói với The Epoch Times: “Khi tôi đọc câu chuyện đó, nó gây ấn tượng mạnh với tôi. “Tôi ngạc nhiên rằng đây là một nhà lãnh đạo cũng giống như hầu hết những người trong thế hệ của ông. Trên thực tế, phần lớn người dân Trung Quốc đều bị tổn thương bởi những điều ĐCSTQ đã và đang làm. Và tôi lo ngại rằng điều này sẽ còn tiếp tục trong tương lai, bởi vì những gì Đảng đang cố gắng làm là tái cấu trúc nền văn hóa, nền văn minh và toàn bộ xã hội Trung Quốc. Để đạt được điều đó đòi hỏi phải sử dụng mức độ áp bức và bạo lực cực độ, chia rẽ các gia đình, chia rẽ cộng đồng, xóa bỏ tôn giáo, coi tôn giáo là một trong những chất độc của xã hội. Nó rất đau thương. Và điều đó chắc chắn đã xảy ra với ông Tập Cận Bình cũng như hàng trăm triệu người dân Trung Quốc”.

Ông Easton cho rằng do hậu quả mà ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác đã trải qua chính là “tổn thương tâm lý sâu sắc”.

“Và bây giờ một chính phủ, một chế độ cai trị ở Bắc Kinh, được điều hành bởi những người gần như chắc chắn mắc hội chứng căng thẳng sau tổn thương. Họ gần như chắc chắn bị tổn thương tâm lý sâu sắc. Điều đó có thể giải thích cho một số hành vi mà chúng ta đang thấy, chính sách ngoại giao chiến binh sói, chính sách đối ngoại rất hiếu chiến, rất quân phiệt”, ông Easton nói.

“Điều đó cũng có thể giải thích cho những chính sách diệt chủng cực kỳ khủng khiếp mà họ đã thực hiện ở Tân Cương, ở Tây Tạng và những nơi khác. Nó có thể giải thích, và tôi nghĩ nó giải thích cho chương trình giám sát hàng loạt Orwellian này và cách mà giới tinh hoa của ĐCSTQ tiếp tục đàn áp người dân Trung Quốc".

Các thủy thủ Đài Loan đang thực hiện nghi lễ chào cờ trên boong tàu tiếp tế Panshih sau khi tham gia cuộc tập trận thường niên, tại căn cứ hải quân Tsoying ở Cao Hùng, Đài Loan, hôm 31/1/2018. (Ảnh: Mandy Cheng/AFPGetty Images)

Hoa Kỳ nên 'bình thường hóa mối quan hệ với Đài Loan'

Ông Easton cũng nói về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ với 23 triệu dân mà Trung Quốc đe dọa xâm lược. Hoa Kỳ đã không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập với Trung Quốc vào năm 1979.

Ông Easton nói: “Đây là một vấn đề chính sách đối ngoại rất khó khăn đối với Hoa Kỳ. “Rất có vấn đề, trong trường hợp của Đài Loan, Mỹ không ủng hộ quyền tự quyết. Tất nhiên, Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự quyết cho bản thân, cho các dân tộc trên thế giới và các quốc gia trên thế giới. Và vì vậy tôi nghĩ việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Mỹ không ủng hộ quyền tự quyết cho Đài Loan là rất có vấn đề và là đạo đức giả".

Nhìn vào xếp hạng của Đài Loan là một trong 10 nền dân chủ hàng đầu thế giới theo Chỉ số Dân chủ của Đơn vị Tình báo Kinh tế, ông Easton gọi hòn đảo này là “một câu chuyện thành công vang dội”.

“Đài Loan được cho là quốc gia tự do nhất ở châu Á, ngoại trừ Úc. Và vì vậy, lợi ích chính của Hoa Kỳ chắc chắn là tiến tới bình thường hóa mối quan hệ với Đài Loan và đối xử với Đài Loan bằng phẩm giá và sự tôn trọng mà nó đáng có về mặt ngoại giao", ông nói.

Tác giả tiếp tục: “Nếu Hoa Kỳ có thể làm được điều đó và phát triển một tầm nhìn tích cực về một chính sách Đài Loan mới và cải tiến, cũng như một tầm nhìn cho chính sách đối với Trung Quốc, thì sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Nó sẽ cải thiện mối quan hệ kinh tế, thế trận quốc phòng và an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như khả năng duy trì vị thế thống trị công nghệ lâu dài trong tương lai. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ tầm nhìn chính trị tích cực đó”.

Bức tượng "Nữ thần Tự do soi sáng thế giới" - Biểu tượng của nước Mỹ (Ảnh: Pixabay)
Bức tượng "Nữ thần Tự do soi sáng thế giới" - Biểu tượng của nước Mỹ (Ảnh: Pixabay)

Chiến thắng của Hoa Kỳ 'trông sẽ như thế nào'?

Trong “Cuộc chiến cuối cùng”, ông Easton viết, "Cuộc chiến cuối cùng mà Bắc Kinh tìm kiếm là cuộc cách mạng và bạo lực chính trị vĩnh viễn. Điều quyết định đến tương lai của thế giới là cuộc chiến vì một nền tảng chính trị ngày càng cởi mở, ôn hòa và khoan dung. Nếu loài người muốn được hòa bình và thịnh vượng theo nghĩa rộng và toàn diện, thì cần phải giành thắng lợi trong cuộc chiến này".

“Một chiến thắng đối với Hoa Kỳ chính là truyền bá dân chủ trên toàn thế giới. Tôi nghĩ là người Mỹ đều có niềm tin rằng tất cả nam giới và nữ giới đều được tạo hoá ban cho quyền bình đẳng và ai ai cũng có những quyền cơ bản này. Đó được gọi là các giá trị phổ quát. Đó là điều lần đầu tiên có trong lịch sử loài người. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên có thể làm được điều đó", ông Easton nói.

“Lần đầu tiên, cá nhân và phẩm giá của cá nhân quan trọng hơn cả nhà nước. Nó quan trọng hơn cả đế chế. Hoa Kỳ cho phép mọi cá nhân được tự quyết định tương lai chính trị của họ, trao cho họ chủ quyền, cũng như trao cho họ phẩm giá cơ bản và bảo vệ quyền con người cũng như pháp quyền của họ".

“Và vì vậy tôi nghĩ rằng lợi ích chính của Hoa Kỳ chắc chắn là đánh bại sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài và toàn trị, và cuối cùng là cho phép quyền tự quyết phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Tác giả Ian Easton là Giám đốc cao cấp của Viện Chính sách Dự án 2049 - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Virginia, tập trung vào việc thúc đẩy các giá trị và lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông cũng là tác giả của cuốn sách "Cuộc chiến cuối cùng: Bên trong Chiến lược Toàn cầu của Trung Quốc" và "Mối đe dọa từ cuộc xâm lược của Trung Quốc: Phòng thủ của Đài Loan và Chiến lược của Mỹ ở Châu Á”.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Hoa Kỳ cần tách rời khỏi Trung Quốc