Chuyên gia: Trung Quốc đang trên đà thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên Xô từng cảnh báo Mỹ rằng: “Trung Quốc đã phản bội Nga. Và Mỹ sẽ là đối tượng tiếp theo. [Trước tiên], Trung Quốc sẽ vắt kiệt sức lực của Mỹ, và sau đó họ sẽ chống lại nước Mỹ". Tuy nhiên vào thời điểm đó, Mỹ đã phớt lờ cảnh báo từ Liên Xô.

Ông Michael Pillsbury hiện là Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Chiến Lược Trung Quốc thuộc Viện Nghiên Cứu Hudson, đã đưa ra lời cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình "American Thought Leaders" (tạm dịch: Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ) của EpochTV.

Ông Pillsbury từng đưa ra lời cảnh báo vào năm 1969, khi ông đang làm việc tại Liên Hợp Quốc (U.N.). Trước đó ông đã nhận bằng Tiến sĩ về nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Columbia. Ông được phân công nhiệm vụ đọc các tài liệu tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (Central Intelligence Agency - CIA) về quan điểm của Nga đối với Trung Quốc.

Nhiều năm trước đó, mối quan hệ giữa hai cường quốc đã rạn nứt đến mức trở nên hoàn toàn xa cách.

Thông qua những tài liệu mật này, ông Pillsbury hiểu được quan điểm của Liên Xô: “Trung Quốc có tham vọng xóa sổ phong trào cộng sản trên phạm vi toàn cầu, trước tiên là từ Liên Xô, sau đó sẽ thống trị toàn thế giới”.

Tuy nhiên, cả ông Pillsbury và Hoa Kỳ đều phớt lờ cảnh báo của Liên Xô vào thời điểm đó.

Ông Pillsbury đã đề cập trong cuốn sách "The Hundred Year Marathon – China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower" (tạm dịch: Cuộc Đua Marathon 100 Năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu) rằng: "Đối với tôi, lời cảnh báo đó giống như cảnh báo của một người bạn trai về bạn gái cũ của anh ấy. Anh này cảnh báo tôi rằng, cô ấy sẽ làm tan nát trái tim tôi giống như cô ấy từng làm tan nát trái tim anh ấy vậy".

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã phớt lờ lời cảnh báo của Liên Xô do nước này bị "ngộ nhận" - hay như điều mà ông Pillsbury mô tả trong cuốn sách của mình là Mỹ đã mắc phải “những giả định sai lầm” (false assumptions).

Tác giả Pillsbury cho rằng, Hoa Kỳ có năm ngộ nhận đối với Trung Quốc:

  1. Kết giao dẫn đến hợp tác toàn diện;
  2. Trung Quốc đang bước đi trên con đường dân chủ;
  3. Tình hình nội bộ của Trung Quốc rất mong manh;
  4. Trung Quốc muốn giống Hoa Kỳ;
  5. Phe diều hâu Trung Quốc yếu thế.

Những ngộ nhận trên đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng bị gián đoạn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Pillsbury, giới chức Trung Quốc đã đạt được điều này thông qua chiến lược “gieo rắc sự tự mãn để [đối thủ] lơ là” về ý định thực sự của Bắc Kinh.

Ông Pillsbury cũng lưu ý trong cuốn sách của mình rằng, việc giành chiến thắng trong một cuộc đua sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu đối thủ của bạn không biết rằng cuộc đua đã bắt đầu. Và giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục làm như vậy càng lâu càng tốt.

Theo tác giả, giới chức Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng để tiến tới mục tiêu thôn tính thế giới nhờ chính sách này.

Ông nói rằng, sai lầm lớn nhất là kích hoạt đối thủ - người đã tiếp thêm sức mạnh cho bạn vươn lên vị trí số một.

“Đó là lý do tại sao ông Tập Cận Bình luôn tỏ ra thận trọng", ông Pillsbury nói thêm, đề cập đến nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người gần đây đã giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.

"Ông Tập Cận Bình đã ngăn chặn được một khoảnh khắc Sputnik hoặc một cuộc tấn công Trân Châu Cảng có nguy cơ hủy diệt nước Mỹ", ông khẳng định.

'Cuộc đua Marathon 100 năm'

Cuộc đua Marathon 100 năm, tựa đề cuốn sách của ông Pillsbury, đề cập đến nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa" (một giấc mơ về quốc gia hùng mạnh) - được đề cập trong bài phát biểu đầu tiên của ông Tập trong vai trò mới là Tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 2012.

Chiến lược này được xây dựng xoay quanh một câu chuyện nêu bật sự sỉ nhục của phương Tây đối với Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tìm cách vươn lên trở thành bá chủ mới để thay thế người đương nhiệm: Mỹ. ĐCSTQ đặt mục tiêu sẽ đạt được cột mốc này vào năm 2049, để kỷ niệm 100 năm ngày ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc.

Trong cuốn sách, ông Pillsbury cho biết, ĐCSTQ đã tiếp thu thành công những tinh hoa về nghệ thuật quân sự từ lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là từ thời Chiến Quốc. Đây là một kỷ nguyên đầy biến động kéo dài 200 năm và chỉ kết thúc khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 221 trước Công nguyên. Vào thời Chiến Quốc, 7 nước đã tranh bá và tạo nên một thời kỳ hỗn chiến.

Theo cách lý giải từ phương diện lịch sử của ĐCSTQ, chủ đề chính của thời đại này là việc một quốc gia sẽ vượt lên và thống trị thế giới. Do đó, việc che giấu sức mạnh cho đến thời điểm ra đòn là điều cực kỳ then chốt để đạt được mục tiêu đó. Ông Pillsbury cũng mô tả khuôn khổ Chiến quốc là một yếu tố then chốt trong chiến lược thống trị toàn cầu của Trung Quốc.

Theo ông, Mỹ phải vạch ra kịch bản cạnh tranh hiện có với Trung Quốc và nêu ra các sáng kiến cụ thể để chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ông gọi những luận điệu cực kỳ cứng rắn được sử dụng bởi một số quan chức và học giả Hoa Kỳ - chẳng hạn như những người ủng hộ việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc - là một "trò lừa bịp".

Bởi vì ông không tin những kẻ theo phe siêu diều hâu - những người có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc - có thể tập hợp quyền lực hành pháp và chính sách để tạo ra sự khác biệt. Ông Pillsbury tin rằng, luận điệu diều hâu nhưng không cụ thể thì khó có thể nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội.

Hồ Cẩm Đào Tập Cận Bình
Trước khi rời đi, ông Hồ Cẩm Đào còn nói gì đó với ông Tập Cận Bình. (Kevin Frayer/Getty Images)

Chính trị Trung Quốc: 'Mơ hồ và bí mật'

Trong Đại hội Đảng lần thứ 20 cực kỳ quan trọng của ĐCSTQ vào tháng 10/2022, sự kiện diễn ra 5 năm một lần, ông Tập đã bảo đảm được việc đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ. Tuy nhiên, có một sự cố đặc biệt đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Vào ngày đầu tiên của sự kiện kéo dài một tuần, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào đã bị hộ tống ra khỏi cuộc họp trước sự chứng kiến ​​của tất cả các phương tiện truyền thông.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó nói rằng ông Hồ bị cách chức vì lý do sức khỏe. Tuyên bố này chỉ được đăng trên Twitter nhưng lại không thể truy cập được ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, lời giải thích chính thức này của ĐCSTQ không có sức thuyết phục.

Ông Pillsbury cho hay, ông cùng một số người đã xem đi xem lại đoạn video quay cảnh ông Hồ Cẩm Đào bị "xốc nách" ra khỏi hội trường. Ông phân tích rằng, "Đó là dấu hiệu cho thấy quyền lực của ông Tập Cận Bình: Ngay cả một cựu lãnh đạo ĐCSTQ cũng có thể bị phế truất chỉ bằng một cái phẩy tay".

Vụ việc gần đây này khiến ông Pillsbury hồi tưởng lại bản chất “mơ hồ và bí mật” của chính trị Trung Quốc. Ông Pillsbury nhận xét rằng, hoạt động nội bộ của ĐCSTQ "mơ hồ' đến mức ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng không thể phát giác ra những cuộc tranh giành quyền lực ngầm trong nội bộ ĐCSTQ cho đến khi sự việc xảy ra.

Ông hồi tưởng lại thời điểm ông còn là một chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn RAND Corporation, bản ghi nhớ đầu tiên ông viết cho cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ là ông Henry Kissinger vào năm 1973 nói về 10 cuộc đấu đá tranh giành quyền lực quan trọng trong nội bộ ĐCSTQ và việc người Mỹ chỉ biết đến những sự kiện đó sau khi bên giành chiến thắng công bố về sự việc.

Ông Pillsbury cho hay, các vấn đề chính sách đang diễn ra trong các cuộc đấu tranh quyền lực này là “thực sự khá ớn lạnh".

“Họ đang tranh luận xem có nên thực hiện một bước đi thực sự nghiêm túc và quyết liệt hay không. Và đôi khi phe cải tổ giành chiến thắng; đôi khi thì những người phe diều hâu giành chiến thắng. Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn bị che khuất trước ngoại giới”, ông nói.

Chuyến thăm bí mật đến Trung Quốc năm 1971 của Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ khi đó, đã mở đường cho một sự tái hợp nhằm chống lại Liên Xô. Ngồi bên phải là Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. (Ảnh của Nhà Trắng qua CNP/Getty Images)

Ông Pillsbury đã nêu ra một ví dụ trong chuyến thăm thứ hai của ông Kissinger tới Trung Quốc vào tháng 10/1971, chỉ một tháng sau khi người kế vị thứ hai của Mao Trạch Đông là Lâm Bưu tử nạn trong một vụ rơi máy bay.

"Họ đã sát hại phó chủ tịch ĐCSTQ. Lúc này, Phó Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA), khá nhiều lãnh đạo quân sự ĐCSTQ, và ông Kissinger đang đi theo đoàn xe hộ tống để đến gặp Thủ tướng Trung Quốc. Cho đến lúc này, ông Kissinger vẫn chưa hề hay biết về sự việc này".

Trong cuốn sách của mình, ông Pillsbury đã trình bày chi tiết việc chính phủ Mỹ không mảy may biết chút gì về cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ, cũng như việc Washington đánh giá thấp sức mạnh và ảnh hưởng của phe diều hâu ở Bắc Kinh.

Quan điểm đánh giá “phe diều hâu Trung Quốc đang yếu thế” và “kết giao dẫn đến hợp tác toàn diện” đã đặt nền tảng cho những giả định sai lầm của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ luôn ấp ủ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ, thông qua cam kết, hợp tác với Washington, và cuối cùng là hòa nhập vào trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ ra những ngộ nhận tương tự trong bài phát biểu về chính sách Trung Quốc của ông tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon thuộc tiểu bang California vào tháng 7/2020, bốn năm sau khi cuốn sách được xuất bản.

Vào thời điểm đó, ông Pompeo nói: “Chúng tôi hình dung rằng, sự can dự với Trung Quốc sẽ mang đến một tương lai đầy hứa hẹn và tươi sáng về [mối bang giao] thân thiện và hợp tác. Nhưng cho đến hôm nay, tất cả chúng ta vẫn đang phải đeo khẩu trang và chứng kiến ​​số người chết vì đại dịch Covid-19 tăng vọt, do ĐCSTQ đã thất hứa với thế giới. Hàng ngày, chúng ta vẫn đang chứng kiến các tin tức mới về cuộc đàn áp ở Hong Kong và khu vực Tân Cương".

Mỹ hỗ trợ cho sự trỗi dậy của ĐCSTQ

Theo ông Pillsbury, Hoa Kỳ đã chỉ dẫn cho Trung Quốc con đường trở thành siêu cường bất chấp sự miễn cưỡng thuở đầu của Bắc Kinh.

Một ví dụ là Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, một câu lạc bộ đáng kính của các ngân hàng trung ương từ các nước giàu có. Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ vào năm 1996. Theo ông Pillsbury, ban đầu Trung Quốc không muốn tham gia diễn đàn này.

"Chúng tôi không phải là một quốc gia tư bản. Chúng tôi sẽ không gia nhập Ngân hàng Thanh toán Quốc tế", ông Pillsbury cho hay.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thuyết phục Trung Quốc bằng cách vạch ra những lợi ích: “Bạn sẽ phát hiện ra rằng, tất cả các ngân hàng trung ương khác cũng đang chuẩn bị cho năm tới về lãi suất, dự trữ…", theo ông Pillsbury.

Tương tự, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đã ủng hộ mãnh liệt Trung Quốc gia nhập vào Ngân Hàng Thế Giới (World Bank - WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund - IMF) vào 1980 và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization) vào 2001.

Ngân hàng Thế giới đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Pillsbury cho biết trong cuốn sách của mình rằng, trong cuộc gặp với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình năm 1983, các quan chức Ngân hàng Thế giới "đã bí mật đồng ý rằng một nhóm các nhà kinh tế sẽ nghiên cứu Trung Quốc một cách cẩn thận và trong tương lai 20 năm, đề xuất cách Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa Kỳ".

Năm 1985, nhóm Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một loạt khuyến nghị bí mật, tán thành một cách có ý thức đường lối xã hội chủ nghĩa của ĐCSTQ mà "không có nỗ lực nghiêm túc nào để vận động cho một nền kinh tế thị trường thực sự", ông tuyên bố.

Ông Pillsbury lưu ý rằng, nhiều thập kỷ sau khi nổ ra đại dịch, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho Trung Quốc một quyền tự do. Vào tháng 8/2021, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã đưa ra một bản đánh giá không thuyết phục khi kết thúc cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 kéo dài 90 ngày do Tổng thống Joe Biden ra lệnh. Theo báo cáo, chính quyền Trung Quốc sẽ cần phải hợp tác toàn diện với một cuộc điều tra để xác định xem liệu virus có đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Phòng thí nghiệm P4 trong khuôn viên Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 13/5/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

"Thật là hão huyền khi cho rằng chúng ta có thể bước vào phòng thí nghiệm Vũ Hán và nói, 'Hãy cho chúng tôi xem tài liệu của bạn. Vui lòng cho chúng tôi xem mẫu của bạn. Hãy cho chúng tôi xem các thí nghiệm của bạn', ông Pillsbury nói.

Đầu tháng 4/2020, nhà báo Josh Rogin của tờ The Washington Post tiết lộ rằng, trong một bức điện tín năm 2018 (hai năm trước khi xảy ra đại dịch), các nhà ngoại giao và quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo về “những lo ngại nghiêm trọng đối với vấn đề an toàn” tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV), một phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 chuyên nghiên cứu về mẫu virus từ dơi.

“Và chúng ta nói gì về việc [phòng thí nghiệm này] không an toàn? Lên án hay đóng cửa phòng thí nghiệm này? Cử một đội đến đó để [xác minh] xem PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] có chế tạo khí độc thần kinh hay không. Không. Khuyến nghị [của Mỹ lúc bấy giờ] là cấp tiền cho phòng thí nghiệm để nâng cấp mức độ an toàn của nó", ông Pillsbury nói.

Ông nói thêm: “Giới chức Mỹ vẫn coi Trung Quốc là một người bạn và một đồng minh".

Một hồi chuông cảnh tỉnh

Trong cuốn sách của mình, ông Pillsbury viết rằng, ông từng tin vào những giả định sai lầm đó trong nhiều năm, và bản thân ông cũng từng là thành viên của nhóm Hoa Kỳ hỗ trợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông từng giữ các chức vụ trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm 1997, ông bắt đầu hoài nghi về câu chuyện Trung Quốc đang bước đi trên con đường dân chủ. Năm đó, ông đến một thị trấn gần Đông Quản ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, để quan sát các cuộc bầu cử "dân chủ" đang diễn ra. Thông qua các cuộc trò chuyện với người dân địa phương bằng tiếng Quan thoại, ông Pillsbury phát hiện ra luật bất thành văn của trò chơi: các ứng cử viên không được phép tham gia bất kỳ cuộc mít tinh công khai, quảng cáo hay áp phích vận động tranh cử nào

Các ứng cử viên cũng bị cấm chỉ trích chính sách của ĐCSTQ.

"Điều duy nhất mà một ứng cử viên có thể làm là so sánh các đặc điểm cá nhân của mình với các đặc điểm của đối phương. Vi phạm các quy tắc này được coi là tội ác", ông viết.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Pillsbury đã đề cập đến một sự kiện quan trọng khác trong những thập kỷ qua.

Ông nói rằng, Bắc Kinh phàn nàn về việc Hoa Kỳ chậm trễ khi chia sẻ những khám phá khoa học mới với Trung Quốc: họ không nhận được thông tin về một khám phá công nghệ nano được đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ. Do đó, Mỹ đã bổ sung thêm một cố vấn Bộ trưởng về Khoa học và Công nghệ tại Đại sứ quán Mỹ để tạo điều kiện chuyển giao khoa học cho Trung Quốc.

Khuyến nghị

Ông Pillsbury nói rằng, khuyến nghị chính sách đầu tiên của ông trong việc chống lại các ý đồ của Bắc Kinh là ghi lại bối cảnh cạnh tranh hiện tại. Ông nói: “Mỹ phải làm cho công chúng hiểu rằng, Trung Quốc sắp vượt qua Mỹ đến mức nào, theo từng lĩnh vực".

Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng đề cập đến “một thách thức to lớn đối với việc bảo vệ Đài Loan”, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình. Ông Pillsbury coi Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 là rất quan trọng. Ông mổ tả đây là một “trọng tâm mới về chính sách Đài Loan". Dự luật này cung cấp gần 4,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Đài Loan trong bốn năm tới và quy định các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để ngăn chặn Trung Quốc leo thang các hành động gây hấn đối với hòn đảo này.

Theo ông Pillsbury, mặc dù dự luật không được thông qua trong kỳ Đại hội trước, nhưng ông tin rằng dự luật sẽ có cơ hội được thông qua khi Đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện vào năm 2023.

Tác giả cũng đề ra 12 khuyến nghị chính sách trong cuốn sách của mình, trong đó, khuyến nghị đầu tiên ông cho là quan trọng nhất.

  1. Đầu tiên là cần nhận định rõ thách thức đến từ Trung Quốc;
  2. Nghiên cứu lại những chương trình của Mỹ vô tình mang lại lợi ích cho đối phương;
  3. Đo lường khả năng cạnh tranh Mỹ - Trung;
  4. Đặt ra một chiến lược cạnh tranh để phát triển nhanh hơn đối phương;
  5. Thống nhất chính sách đối với Trung Quốc;
  6. Xây dựng liên minh giữa Mỹ với các nước láng giềng của Trung Quốc;
  7. Che chở những nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc;
  8. Đối phó với những hành động gián điệp, đánh cắp kỹ thuật, bí mật quân sự qua mạng;
  9. Yêu cầu Trung Quốc bảo vệ môi trường;
  10. Phơi bày nạn tham nhũng tại Trung Quốc;
  11. Ủng hộ các nhà hoạt động vì dân chủ;
  12. Theo dõi cuộc đấu đá nội bộ giữa phe diều hâu và phe cải tổ tại Trung Quốc.

Ông kết thúc cuốn sách của mình bằng câu nói:

“Bước đầu tiên, cần phải nhận ra rằng đang diễn ra một Cuộc Đua Marathon. Đây có thể là bước khó khăn nhất nhưng cũng là bước quan trọng nhất".

“Mỹ có thể không nhận ra vấn đề và từ chối đối mặt với viễn cảnh dài hạn về việc Trung Quốc không chỉ vượt mặt Mỹ mà còn tăng trưởng gấp đôi rồi gấp ba quy mô nền kinh tế của Hoa Kỳ vào năm 2049. Khi đó, Trung Quốc sẽ mặc nhiên giành chiến thắng".

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc đang trên đà thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường thế giới